Báo động tình trạng sạt lở đê điều và suy thoái rừng ngập mặn
Theo thống kê chưa đầy đủ của Bộ NN&PTNT, hiện toàn quốc có 1.794 khu vực bị sạt lở thuộc 59/63 tỉnh, thành phố với tổng chiều dài trên 2.300 km. Riêng khu vực ĐBSCL có hơn 200 khu vực sạt lở (nhiều nhất toàn quốc) với hơn 700 km bờ sông, bờ biển đứng trước nguy cơ uy hiếp và tàn phá.
Sạt lở bờ sông Vàm Nao (An Giang).
Phía Bắc, nhiều khu vực đang có sự sạt lở nghiêm trọng. Cụ thể, khu vực đê tả sông Thái Bình (đoạn K19+249 đến K19+367). Nếu như trước đây khu vực bãi soi kéo dài từ chân đê ra đến sông dài khoảng từ 50m đến 250m, thì nay đã sạt lở chỉ còn khoảng 20m đến 100m. Tương tự, tuyến đê thuộc sông Hồng, cũng thuộc địa phận Thái Bình đoạn qua Tân Ấp, sạt lở khiến bãi soi chỉ còn cách chân đê 15 đến 25m. Hay, tuyến đê sông Lô đoạn qua tỉnh Vĩnh Phúc, có hàng chục điểm sạt lở, nhiều đoạn sạt tới hàng trăm mét. Đê hữu sông Cầu, đoạn qua địa phận tỉnh Bắc Ninh, bãi soi chỉ cách chân đê 5m…
Cùng với sự sạt lở đê điều đang ở mức báo động đỏ, tình trạng suy thoái rừng ngập mặn cũng diễn ra phức tạp và nghiêm trọng ở khu vực ven biển ĐBSCL, nhất là tại các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang, Theo số liệu từ Bộ TNMT, trung bình mỗi năm có trên 500 ha rừng bị phá hủy. Hiện rừng ngập mặn toàn quốc còn còn khoảng 150.000 ha, giảm gần 60% so với thời điểm năm 1985.
“Ngoài các nguyên nhân khách quan do địa chất mềm yếu, biến động của dòng chảy, hải lưu, sóng gió, thủy triều... thì có những nguyên nhân chủ quan từ các hoạt động của con người gây suy giảm phù sa, bùn cát ở thượng nguồn, tình trạng khai thác cát quá mức, hoạt động khai thác hải sản ven biển theo kiểu bất chấp để tận thu, đã ảnh hưởng tới sinh trưởng của rừng ngập mặn”- TS Nhữ Văn Kỳ (Vụ Phát triển rừng, Tổng cục Lâm nghiệp) cho biết.