Bỏ tiêm vắcxin, nhiều hệ lụy
Mặc dù tiêm phòng vắcxin được khuyến cáo là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm, tuy nhiên, gần đây mạng xã hội xuất hiện một số cá nhân, hội nhóm với danh nghĩa chia sẻ các nghiên cứu của nước ngoài kêu gọi không tiêm vắcxin cho trẻ. Khá nhiều bà mẹ hoang mang, dao động đã không cho con đi tiêm ngừa. Các chuyên gia, bác sĩ trong lĩnh vực bệnh truyền nhiễm cho rằng đó là những thông tin vô căn cứ, gây ảnh hưởng rất xấu đến sức khỏe của trẻ nhỏ cũng như cộng đồng.
Cần tiêm vắcxin đầy đủ cho trẻ.
Bùng phát dịch bệnh
Nhiều người hẳn chưa quên dịch sởi xảy ra tại miền Bắc năm 2014 đã khiến hàng ngàn trẻ mắc bệnh và gần 150 trẻ tử vong. Trước năm 2014, tai biến xảy ra với 3 em bé ở Quảng Trị sau khi tiêm vắcxin sởi khiến nhiều gia đình hoang mang. Mặc dù đến nay nguyên nhân xảy ra tai biến cho các cháu Quảng Trị được xác định là do tiêm nhầm thuốc, song thời điểm đó sự cố này được nhiều người quy kết do vắcxin và quyết định không cho con tiêm phòng.
Theo Bộ Y tế khi ấy, tỷ lệ trẻ được tiêm phòng vắcxin sởi rất thấp, thậm chí tại Hà Nội, 90% trẻ mắc bệnh sởi chưa được tiêm chủng. Hậu quả là dịch sởi năm 2014 bùng phát mạnh, hàng trăm nghìn em bé mắc bệnh nghi do sởi, hơn 6.000 trẻ được xác định mắc sởi, gần 150 cháu tử vong. Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), trong số các bệnh nhân sởi được ghi nhận trên toàn quốc thời điểm đó, có đến 80% bệnh nhân chưa được tiêm phòng. Khi đó nhiều người mới đổ xô cho con đi tiêm phòng sởi khiến các điểm tiêm chủng quá tải. Bộ Y tế cũng tổ chức nhiều đợt tiêm ngừa sởi cho trẻ đến 14 tuổi. Nhờ vậy đến năm 2016, các ca bệnh sởi được ghi nhận thấp nhất trong vòng 10 năm qua với chỉ hơn 46 bệnh nhân trên cả nước.
Trong vòng 2 năm trở lại đây, 2 bệnh khác cũng bùng phát trở lại và cướp đi sinh mạng hàng chục em bé, do không được chích ngừa văcxin là ho gà và viêm gan B. Điển hình như năm 2016 dịch ho gà trở lại khiến hàng trăm em bé Hà Nội phải nhập viện, nhiều em tử vong. Mùa hè năm 2017, số trẻ mắc viêm não tăng đột biến. Một trong những nguyên nhân được các chuyên gia y tế chỉ ra cũng là do trẻ không được tiêm phòng đầy đủ…
Thời gian qua, người dân thiếu lòng tin do một số sự cố trẻ sơ sinh tử vong sau tiêm vắcxin viêm gan B, dù các chuyên gia y tế đã xác định nguyên nhân không phải do vắcxin. Nhưng nhiều bố mẹ vẫn ngần ngại khi tiêm vắcxin cho con. Gần đây xuất hiện nhiều cá nhân, hội nhóm kêu gọi chống tiêm vắcxin và dẫn các nghiên cứu từ nước ngoài về tác hại của vắcxin. Họ dẫn khảo sát cộng đồng homeschooled tại Mỹ về tiêm chủng cho thấy, so với trẻ không chủng ngừa thì trẻ chích vắcxin mắc bệnh mãn tính nhiều hơn gấp 2,4 lần, chàm cao hơn 2,9 lần. Trẻ tiêm chủng bị tự kỷ nhiều hơn 4,2 lần, khuyết tật học tập 5,2 lần, viêm mũi dị ứng nhiều hơn 30 lần so với trẻ không tiêm.
Tuy nhiên, theo PGS Phan Trọng Lân - Viện trưởng Pasteur TP HCM, các nghiên cứu tại Mỹ hay Anh cho rằng vắcxin gây tự kỷ hay động kinh ở trẻ đều đã được chứng minh là không chính xác. Thực tế các em bé này đều mắc những bệnh khác. “Tỷ lệ tai biến do vắcxin rất thấp so với lợi ích to lớn mà nó mang lại cho cộng đồng”- PGS Phan Trọng Lân khẳng định.
Tiêm phòng vắcxin là cách tốt nhất để phòng các bệnh truyền nhiễm.
Trẻ em cần được tiêm chủng đầy đủ
Hơn 30 năm qua, nhờ thực hiện nhiều chương trình lớn về tiêm chủng mà hằng năm số trẻ mắc lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, sởi, viêm gan B, viêm màng não do Hib... tại Việt Nam liên tục giảm, thậm chí có những dịch bệnh đã được thanh toán hoàn toàn. Theo GS Đặng Đức Anh- Viện trưởng Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Trưởng ban Quản lý dự án tiêm chủng mở rộng quốc gia, tiêm vắcxin phòng bệnh thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng không chỉ tự nguyện mà còn bắt buộc theo Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm. Nếu trẻ không được chích vắcxin phòng bệnh sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh và lây nhiễm trong cộng đồng.
Sau hơn 30 năm triển khai công tác tiêm chủng mở rộng, hơn 600 triệu liều vắcxin đã được chích miễn phí cho trẻ em và phụ nữ. Nhờ vậy giảm tỷ lệ mắc và tử vong của các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có vắcxin dự phòng từ hàng trăm đến hàng nghìn lần. Tính đến năm 2016 là năm thứ 16 liên tiếp Việt Nam bảo vệ thành quả thanh toán bệnh bại liệt và là năm thứ 11 cả nước duy trì thành quả loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh. Rất nhiều bệnh trên thế giới nhờ vắcxin mà hầu như đã tuyệt tích như bệnh đậu mùa.
Đồng tình với quan điểm này, PGS Phan Trọng Lân cho rằng khi phụ huynh do dự, không tiêm phòng cho con là bỏ qua mất thời điểm phòng bệnh tốt nhất cho con mình. Đồng thời, việc chống lại vắcxin, không tiêm vắcxin không những ảnh hưởng đến đứa trẻ đó, gia đình đó mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe cả cộng đồng vì bệnh sẽ lây lan cho cộng đồng.
“Trong nhiều năm qua, hệ thống tiêm chủng của Nhà nước đã rất nỗ lực để đưa tỷ lệ tiêm chủng lên cao không phải nhằm bảo vệ cho một vài cá thể mà để bảo vệ cho cả cộng đồng. Vắcxin đã được nghiên cứu, đánh giá một cách nghiêm ngặt, sử dụng với số lượng lớn trên toàn thế giới qua hàng chục năm, có hệ thống cập nhật đánh giá các biến cố bất lợi, được hoàn thiện dần theo tiến bộ của y học và đã được chứng minh là một trong những biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất” - PGS Phan Trọng Lân nhấn mạnh.
Năm 2016, 98% trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ Theo thống kê của dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia tại Việt Nam, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ dưới 1 tuổi đạt 98% vào năm 2016. Tuy nhiên đến nay cả nước vẫn còn 550.000 trẻ chưa được tiêm vắcxin viêm gan B liều sơ sinh, 62.000 trẻ chưa được tiêm đủ 3 liều vắcxin DPT (bạch hầu - ho gà - uốn ván), 79 huyện có tỷ lệ tiêm DPT mũi 3 dưới 90%. Bác sĩ Dương Thị Hồng- Phó Viện trưởng Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết trọng tâm của công tác tiêm chủng thời gian tới đây là Việt Nam cần phải tăng tỷ lệ tiêm vắcxin viêm B liều sơ sinh trong vòng 24 giờ để đạt mục tiêu khống chế bệnh viêm gan B vào năm 2017. |