Cẩn trọng với viêm não Nhật Bản
Thời gian gần đây, rất nhiều trẻ em phải nhập viện do viêm não Nhật Bản. Chỉ riêng trong tháng 6, tại Bệnh viện Nhi Trung ương đã có 21 trẻ nhập viện. Nhiều bệnh nhi nhập viện trong tình trạng nặng và để lại di chứng nặng nề. Vậy các bậc cha mẹ phải phòng ngừa như thế nào?
Tiêm vắcxin phòng viêm não Nhật Bản.
Số trẻ nhập viện tăng nhanh
Mùa dịch bệnh viêm não Nhật Bản thường bắt đầu từ tháng 5 và kéo dài đến tháng 10 hàng năm. Tại TP. HCM, từ giữa tháng 5 đến nay, các bệnh viện bắt đầu tiếp nhận nhiều ca bệnh viêm não Nhật Bản. Tại Khoa Nhiễm-Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, từ đầu năm đến nay đã tiếp nhận 25 ca viêm não Nhật Bản, chiếm 50% tổng số ca mắc các bệnh viêm não, viêm màng não.
Hiện có 6 bệnh nhi điều trị trong tình trạng bệnh nặng và phải thở máy. Còn tại Bệnh viện Nhi đồng 2, thống kê từ đầu năm đến nay đã điều trị cho 7 trường hợp trẻ em mắc viêm não Nhật Bản và đa phần cũng đều ở tình trạng bệnh nặng.
Theo bác sỹ Trương Hữu Khanh Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 TP. HCM so với cùng kỳ năm ngoái năm nay, số lượng trẻ mắc viêm não Nhật Bản nhiều hơn và tình trạng bệnh cũng nặng hơn. Cũng theo bác sĩ Khanh, viêm não Nhật Bản thường phải điều trị trong nhiều ngày, có khi phải nằm viện cả tháng.
Bên cạnh đó, bệnh viêm não Nhật Bản để lại hệ lụy khá nặng nề khi có quá nhiều di chứng, như lệ thuộc thở máy kéo dài dẫn đến bội nhiễm phổi và sẽ tử vong, hết bệnh nhưng phải sống đời sống thực vật, chậm phát triển trí tuệ, động kinh, yếu chi… Việc chăm sóc trong và sau quá trình điều trị cũng là vấn đề khi một số trẻ không thể tự ăn uống, đi lại, không tự phục vụ được sinh hoạt cá nhân.
Hiện nay, tại Khoa Nhiễm-Thần kinh, Bệnh viện này, có 2 bệnh nhi phải nằm ở phòng chăm sóc đặc biệt và thở máy từ 8-10 tháng. Như trường hợp của bé Nguyễn Lê Tân, 12 tuổi, ngụ tỉnh Long An nhập viện từ tháng 8-2016 đến nay vẫn chưa thể bỏ được máy thở.
Còn tại khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi Trung ương) từ đầu năm tới nay đã tiếp nhận 176 ca viêm não, trong đó có 24 trường hợp là viêm não Nhật Bản. Và cũng có hai trường hợp bệnh nhi bị viêm não phải để lại di chứng nặng nề, trong đó có bé trai 4 tuổi ở Bắc Ninh.
Trước đó, khi thấy cháu sốt cao (40oC) gia đình đã cho dùng hạ sốt xong cháu không đỡ. Hai ngày sau, bé trở nên li bì, co giật nhiều và sau đó được đưa đến Bệnh viện Nhi Trung ương khi đã rơi vào tình trạng hôn mê, liệt nửa người phải.
Tại đây, sau 17 ngày được điều trị bằng thở oxy, dùng thuốc chống phù não, bé đã tỉnh táo, không còn sốt nhưng có di chứng vận động.
Bệnh nhi 7 tuổi ở Nghệ An cũng qua khỏi cơn nguy kịch nhờ các bác sỹ tích cực can thiệp bằng thở máy, thuốc chống viêm, chống phù. Tình trạng của bé có cải thiện hơn nhưng lại xuất hiện những di chứng nặng như liệt cơ hô hấp, liệt tứ chi và phụ thuộc vào máy thở.
Viêm não thường biểu hiện ban đầu giống với khá nhiều bệnh là sốt, nhức đầu, nôn ói. Sau đó trẻ sẽ bị co giật, hôn mê, đôi khi tiến triển nhanh ngay trong ngày đầu tiên. Theo bác sĩ Khanh, sau khi trẻ có dấu hiệu thay đổi tri giác, hôn mê thì mới thực hiện xét nghiệm để chẩn đoán. Cha mẹ cần theo dõi kỹ, khi thấy trẻ sốt, nôn ói càng lúc càng tăng thì phải để ý đến các dấu hiệu thần kinh để có thể can thiệp kịp thời. Trẻ cần vào viện để điều trị, thở máy sớm giúp hạn chế di chứng. |
Tiêm vắcxin - cách tốt nhất để phòng bệnh
Trường hợp các bé bị viêm não Nhật Bản phải nhập viện đa phần là do chưa tiêm phòng vắcxin phòng bệnh, một số phụ huynh khi được hỏi cho biết là không nhớ đã tiêm phòng vắcxin cho con chưa và cũng không nhớ có tiêm đủ những mũi nhắc lại không.
Theo Tiến sỹ Nguyễn Văn Lâm - Trưởng khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Nhi Trung ương, viêm não Nhật Bản được xem là một trong những bệnh nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong và di chứng cao ở trẻ nhỏ (từ 25-35%). Những di chứng này khiến người bệnh giảm khả năng giao tiếp, giảm hoặc mất khả năng lao động, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Thống kê cho thấy 60% số trẻ mắc viêm não Nhật Bản sẽ hồi phục, 30% sẽ có di chứng và khoảng 10% có thể tử vong. Đến thời điểm này, viêm não Nhật Bản vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như phương pháp điều trị tối ưu. Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, việc điều trị chủ yếu vẫn là sử dụng máy thở hỗ trợ suy hô hấp, sử dụng thuốc chống co giật... nên mới chỉ giảm được tỷ lệ tử vong chứ chưa giảm được di chứng.
Bởi vậy việc phát hiện sớm và đưa đến bệnh viện điều trị kịp thời là rất quan trọng. Trẻ viêm não thường biểu hiện ban đầu giống với khá nhiều bệnh là sốt, nhức đầu, nôn ói. Sau đó trẻ sẽ diễn tiến co giật, hôn mê, đôi khi tiến triển nhanh ngay trong ngày đầu tiên. Theo bác sĩ Khanh, sau khi trẻ có dấu hiệu thay đổi tri giác, hôn mê thì mới thực hiện xét nghiệm để chẩn đoán.
Cha mẹ cần theo dõi kỹ, khi thấy trẻ sốt, nôn ói càng lúc càng tăng thì phải để ý đến các dấu hiệu thần kinh để có thể can thiệp kịp thời. Trẻ cần vào viện để điều trị, thở máy sớm giúp hạn chế di chứng.
Tất cả mọi người, mọi lứa tuổi nếu chưa miễn dịch với virus viêm não Nhật Bản đều có thể mắc bệnh, kể cả người lớn. Bệnh chủ yếu gặp ở trẻ dưới 15 tuổi, chiếm hơn 90% ca, trong đó đa số là trẻ 1-5 tuổi. Bệnh do muỗi truyền, diễn biến nặng, tỷ lệ di chứng và tử vong cao. Ước tính khoảng 30% bệnh nhân nhập viện tử vong; khoảng 30-50% trường hợp sống sót bị các di chứng thần kinh và tâm thần nặng nề. |
Bác sỹ Khanh cũng cảnh báo, bệnh viêm não Nhật Bản có thể gia tăng trong thời gian tới khi muỗi Culex - một loại muỗi sinh sống chủ yếu ở các ruộng lúa vào mùa phát triển mạnh. Tại khu vực phía Nam, bệnh thường gặp ở những vùng nông thôn, đặc biệt xuất hiện nhiều ở vùng trồng lúa như các tỉnh miền Tây Nam bộ.
Bệnh lây truyền từ động vật sang người qua trung gian truyền bệnh của loài muỗi Culex. Ở nước ta, loại muỗi này sinh sản mạnh vào mùa hè, đỉnh điểm là từ tháng 3 đến tháng 7. Vì vậy, để phòng bệnh, người dân cần vệ sinh môi trường sạch sẽ, vệ sinh chuồng trại để muỗi không có nơi trú đậu; nên ngủ màn và đề phòng muỗi đốt.
Viêm não Nhật Bản có thể diễn ra quanh năm nhưng cao điểm từ tháng 5 đến tháng 10. Tất cả mọi người, mọi lứa tuổi nếu chưa miễn dịch với virus viêm não Nhật Bản đều có thể mắc bệnh, kể cả người lớn. Theo khuyến cáo của các bác sĩ, tiêm phòng vắcxin và diệt muỗi là hai phương pháp hữu hiệu nhất để phòng bệnh. Cần tiêm phòng đủ tối thiểu ba mũi vắcxin viêm não Nhật Bản, sau đó ba năm có thể tiêm nhắc lại một lần cho đến năm trẻ 15 tuổi.
Theo đó, mũi vắcxin được tiêm đầu tiên khi trẻ đủ 1 tuổi; mũi 2 sau mũi 1 từ 1-2 tuần; mũi 3 sau mũi 2 là 1 năm. Sau đó, cứ 3-4 năm tiêm nhắc lại 1 lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi. Với trẻ lớn trên 5 tuổi mà chưa từng được tiêm vắcxin thì cũng tiêm càng sớm càng tốt với 3 liều cơ bản theo lịch của ngành y tế.
Ngọc Hải