Kon Tum: Gần 70 tấn cá chết chưa rõ nguyên nhân
Ngày 13/7, ông Đoàn Ngọc Thắng - Chủ tịch UBND huyện Đắk Hà (Kon Tum) cho biết, đã báo cáo tỉnh và đề nghị thành lập đoàn liên ngành trực tiếp kiểm tra tình hình cá chết hàng loạt trên lòng hồ thủy điện Plei Krông (huyện Đắk Hà) để tiến hành lấy mẫu nước, cá chết để xác định nguyên nhân và hướng xử lí tiếp theo.
Cá chết đã được chính quyên, người dân thu vớt chờ xử lý.
Theo ông Thắng, huyện đã cử các phòng, ban chuyên môn xuống hiện trường thống kê, rà soát, đánh giá mức độ thiệt hại. Bước đầu xác định cá chết tại bè nuôi cá của 6 hộ dân với khối lượng khoảng 60 - 70 tấn cá chết, chủ yếu là cá diêu hồng, cá trắm.
“Huyện chỉ đạo UBND xã, thị trấn hỗ trợ bà con vớt cá chết, xử lý theo hình thức chôn lấp để bảo vệ môi trường, đồng thời động viên, khuyến cáo bà con không được nôn nóng, phối hợp với ngành chức năng để xác định nguyên nhân” - ông Thắng nói.
Theo phản ánh của người dân, hiện tượng cá chết bất thường xuất hiện cách đây 3 ngày (11/7) tại khu vực đoạn giáp ranh giữa xã Đắk Mar với thị trấn Đắk Hà, huyện Đắk Hà.
Nhiều người dân có thâm niên nuôi cá trên lòng hồ thủy điện Plei Krông cho biết, họ nuôi cá ở đây hàng chục năm nhưng chưa năm nào mực nước lòng hồ lại rút nước đột ngột như vậy, đêm ngày 11/7 mực nước bất ngờ giảm 6 - 7 mét nước.
Ông Vũ Đình Tân- chủ của 6 lồng cá bị chết chưa hết bàng hoàng kể lại: cá chết khoảng 5 - 6 tấn gì đó, cá cứ ngửa bụng lên là chết, con thì nổi, con thì chìm. Đùng một cái, cá chết trắng bè luôn, không còn con nào sống sót, vớt không kịp.
“Nước mùa này rút đột ngột quá, 3 đến 4 ngày rút tổng cộng khoảng 6 - 7 mét nước. Người nuôi cá không kịp trở tay, thấy cá nó động lồng nhiều quá, nằm ngủ tưởng ai bắt trộm. Đến khoảng 21h30 cá nổi hết mặt nước, rồi chết hàng loạt”, ông Tuấn ngán ngẩm.
Người dân đang vận chuyện lượng cá chết vào bờ đóng bao tiêu hủy.
Chủ tịch huyện Đắk Hà Đoàn Ngọc Thắng cũng cho biết, theo tính toán của người dân, có khoảng 100 tấn cá chết thì chưa chính xác lắm, bởi họ chỉ tính khối lượng nuôi đầu vào, đến ngày xuất bán. Thiệt hại đã rõ ràng rồi, chúng tôi đang cố gắng lấy mẫu nước, cá chết để phối hợp với cơ quan có chuyên môn để xác định nguyên nhân.
“Khi có kết quả, nếu lỗi do thủy điện xả nước đột ngột sai qui trình theo đúng phản ánh của người dân, chúng tôi sẽ đề nghị thủy điện bồi thường cho người dân theo thiệt hại. Còn nếu cá chết vì lỗi chủ quan của người dân hoặc nguyên nhân khách quan khác thì chính quyền có hướng xử lý tiếp theo” - ông Thắng nêu rõ.
Trong số những người dân nuôi cá trên lòng hồ thủy điện Plei Krông, người có khối lượng cá chết nhiều nhất là gia đình ông Trần Văn Tuấn có khoảng 24 tấn cá đến kỳ xuất bán đã bỗng dưng chết chưa rõ nguyên nhân, gây thiệt hại khoảng gần 1 tỷ đồng.