Thúc đẩy tiến độ giải ngân dòng vốn
Kết quả giải ngân trong 6 tháng đầu năm rất thấp, đạt xấp xỉ 91.400 tỷ đồng, bằng 25,6% kế hoạch Quốc hội quyết định. Giải ngân đầu tư công chậm là nguyên nhân làm tăng trưởng kinh tế không đạt kế hoạch. Vậy giải pháp nào để xử lý?
Nhiều công trình chậm tiến độ do vốn giải ngân chậm.
Tất cả đều chậm
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2017 (không bao gồm trái phiếu Chính phủ) là 307.150 tỷ đồng.
Đến hết tháng 6, vốn đã giao kế hoạch là 303.075,66 tỷ đồng, bằng 98,7% kế hoạch, trong đó vốn ngân sách Trung ương là 125.625,66 tỷ đồng, bằng 96,8% kế hoạch, vốn cân đối ngân sách địa phương là 177.450 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch.
Số vốn còn lại Bộ chưa giao là 4.074,34 tỷ đồng, bằng 1,3% kế hoạch, trong đó chủ yếu bao gồm 3.000 tỷ đồng cho Chương trình mục tiêu Ứng phó biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh.
Đối với vốn trái phiếu Chính phủ theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tình hình giao vốn khó khăn hơn. Tổng vốn đầu tư năm 2017 là 66.485 tỷ đồng, bao gồm 50.000 tỷ đồng thuộc kế hoạch năm 2017 và 16.458,02 tỷ đồng thuộc kế hoạch đầu tư năm 2016 được Quốc hội cho phép chuyển nguồn sang năm 2017.
Qua 6 tháng, mới giao được 5.197,3 tỷ đồng vốn kế hoạch năm 2017, chiếm 10,4%. Còn vốn chuyển nguồn mới giao được hơn 6.200 tỷ đồng (38,2%) như vậy vốn trái phiếu Chính phủ chưa giao vẫn còn gần 55.000 tỷ đồng.
Trong khi đó theo báo cáo của Bộ Tài chính, kết quả giải ngân trong 6 tháng đầu năm rất thấp, đạt xấp xỉ 91.400 tỷ đồng, bằng 25,6% kế hoạch Quốc hội quyết định, trong khi cùng kỳ năm 2016 đạt 26,8%.
Làm sao để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, giải ngân vốn đầu tư công đặt dưới một số điều kiện tất cả dự án đó phải có vốn đối ứng, những tổ chức kinh tế tài chính thế giới đòi hỏi Việt Nam phải có vốn đối ứng bỏ ra, sau đó họ sẽ giải ngân phần của họ.
Việc giải ngân cũng phải đặt dưới điều kiện phương án khả thi không phải chuyện làm dễ dàng. Theo ông Hiếu, một dự án đưa ra bao giờ cũng có phương án, thế nhưng khi mà nhà tài trợ hay Chính phủ đòi hỏi những dự án chi tiết lên kế hoạch về sản xuất kinh doanh, lên kế hoạch về xây dựng hạ tầng cơ sở, rồi kế hoạch về tài chính nên chậm trong giải ngân, có thể chậm trong huy động nguồn vốn đối ứng.
Từ đó ông Hiếu đề xuất 3 giải pháp là nếu những nguồn tài trợ từ nước ngoài hay trong nước thì Chính phủ, chính quyền địa phương phải tìm được nguồn vốn đối ứng trước.
Thứ hai việc giải ngân phải được đặt dưới những phương án cụ thể để quyết định tiến trình bước nào được thực hiện để nhà tài trợ thỏa mãn và giải ngân.
Thứ ba là tìm tất cả các nhà đầu tư, nhà thầu, đấu thầu để có thể tham dự vào dự án. “Tất cả các cái đó phải làm nhanh chóng đồng bộ mới có thể giải ngân nhanh chóng vì hiện nay nhiều dự án đang vướng trong cả 3 khâu đó”- ông Hiếu bày tỏ.
Lỗi “thời vụ”?
PGS TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính nhìn nhận rằng, trong thời gian vừa qua đầu tư công có mấy vấn đề lớn cần chấn chỉnh lại.
Đặc biệt trong đó có lĩnh vực rất quan trọng là chi tiêu công cho đầu tư phát triển. Chi tiêu cho đầu tư phát triển, xây dựng cơ bản có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội cũng như cơ sở hạ tầng lớn của đất nước từ đó tạo ra đà tăng trưởng cho đất nước.
Tuy nhiên trong chi tiêu công về đầu tư xây dựng trong thời gian qua có phần lớn chi cho các DNNN, tập đoàn lớn trong một giai đoạn dài.
Nhưng vấn đề chi tiêu công cho các DNNN, tập đoàn, tổng công ty lớn đang được đánh giá là tương đối dễ dãi, thiếu xem xét tính toán cẩn trọng nên tiền vốn của Nhà nước được đưa vào sử dụng thực tế tại các công trình chi tiêu công hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công không cao.
Cho nên gần đây chúng ta đã có bước dừng nhất định để rà soát lại các dự án đầu tư công để các dự án nào chưa thực sự cần thiết, hoặc không dứt khoát phải làm thì tạm dừng lại nên việc giải ngân trong đầu tư công có sự chậm trễ.
Theo ông Thịnh, trong thời điểm 6 tháng đầu năm thường giải ngân trong đầu tư công không cao, mà thường đổ vào cuối năm. Do đó thời gian tới phải có kế hoạch trung hạn và dài hạn để giải ngân một cách đều đặn hơn, làm cho kiểm tra, giám sát được chặt chẽ.
Nếu đổ dồn vào cuối năm thì hiệu quả, chất lượng dự án không cao vì phải thi công vội vàng để kịp giải ngân vốn vào cuối năm.
Do đó theo ông Thịnh, cần chấm dứt tình trạng này và có kế hoạch trung và dài hạn để có kế hoạch xây dựng đầu tư cho thời gian nhất định thực hiện việc giải ngân đều theo dự án công trình và tiến độ thực hiện của nền kinh tế.
“Có như vậy thực hiện kế hoạch mới dễ dàng, thành công chất lượng, và hiệu quả công trình được đầu tư bằng vốn ngân sách mới cao. Cứ đủng đỉnh đầu năm rồi cuối năm ồ ạt lao vào giải ngân dễ tạo ra sai sót trong hoạt động đầu tư và cấp vốn, dẫn đến nhiều hoạt động không tốt trong nền kinh tế” - ông Thịnh nhấn mạnh!
Xử lý nghiêm tổ chức cá nhân trì trệ, gây cản trở giải ngân vốn Mới đây, tại cuộc họp chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã yêu cầu Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức kiểm điểm trách nhiệm các cá nhân, tập thể, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30-7. Theo đó Bộ này cần trình Thủ tướng Chính phủ giao tiếp 4.074 tỷ đồng còn lại của vốn ngân sách Nhà nước và 55.000 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ chưa được giao. Đồng thời, hoàn tất các thủ tục trước ngày 15-7 để giao vốn đợt 2 cho các công trình, dự án; khẩn trương đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định 136, Nghị định số 77, Nghị định số 15 theo hình thức rút gọn; thực hiện công bố công khai các bộ, ngành, địa phương chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công, xử lý nghiêm tổ chức và cá nhân trong việc thiếu trách nhiệm, trì trệ, gây cản trở đối với tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. |