Quy định dùng tiền để tại ngoại: Nhân văn nhưng cần chặt chẽ

Tinh Anh 14/07/2017 07:45

Liên bộ Công an, Quốc phòng, Tài chính, VKSND Tối cao, TAND Tối cao vừa công bố Dự thảo Thông tư liên tịch quy định việc đặt tiền bảo đảm thay thế biện pháp tạm giam.

Theo đó, các bị can, bị cáo có thể nộp tiền bảo đảm để được tại ngoại, trừ một số loại tội phạm như tham nhũng, xâm phạm an ninh quốc gia, chống lại loài người, tội phạm chiến tranh, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng...

Ảnh minh họa.

Thông tư cũ bó hẹp

Ngày 14/11/2013, Liên bộ Tư pháp, Công an, Quốc phòng, Tài chính, Viện KSND Tối cao, TAND Tối cao đã ban hành Thông tư liên tịch số 17/2013/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC, hướng dẫn về việc đặt tiền để bảo đảm theo quy định tại Điều 93, Bộ luật Tố tụng hình sự 2003. Tại Thông tư này, các bị can, bị cáo cũng đã được cho phép đặt tiền đảm bảo để tại ngoại thay vì bị tạm giam chờ điều tra, truy tố, xét xử.

Tuy nhiên, dù Thông tư này là hướng mở, mang tính nhân văn hơn những quy định trước đây dành cho bị can, bị cáo, song trong những năm qua lại chưa phát huy hiệu quả, chưa có nhiều bị can, bị cáo được nộp tiền để tại ngoại.

Nhiều luật sư cho rằng, sở dĩ Thông tư 17 chưa đi vào cuộc sống bởi còn bó hẹp đối tượng điều chỉnh. Cụ thể, tại Khoản 2, Điều 1, Thông tư 17 quy định chỉ áp dụng đối với bị can, bị cáo đang bị tạm giam, các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, cơ sở giam giữ và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Theo quy định trên thì đa số các bị can, bị cáo do đang bị giam giữ nên khó có điều kiện làm các thủ tục cần thiết để nộp tiền đảm bảo thay thế cho biện pháp ngăn chặn là tạm giam.

Một lý do khác cũng là nguyên nhân dẫn đến việc chưa có nhiều bị can, bị cáo được nộp tiền đảm bảo để tại ngoại là tâm lý e ngại của các CQĐT vì nếu thay đổi biện pháp ngăn chặn sẽ dẫn đến việc các bị can, bị cáo thông cung, tiêu hủy chứng cứ, trả thù người tố cáo, hoặc thủ tiêu nhân chứng...

Người nhà có thể bảo lãnh

Chính vì hạn chế nêu trên mà Liên bộ đã xây dựng Dự thảo Thông tư liên tịch quy định chi tiết trình tự, thủ tục, mức tiền đặt, việc tạm giữ, hoàn trả, tịch thu, nộp ngân sách nhà nước số tiền đã đặt để đảm bảo theo quy định tại Điều 122, Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.

Theo đó, không chỉ bị can, bị cáo đang bị giam giữ, không chỉ có tiền của bị can, bị cáo, mà người thân, gia đình có thể dùng tiền của họ để nộp đảm bảo cho các bị can, bị cáo được tại ngoại.

Cụ thể, tại Khoản 2, Điều 1, Dự thảo đã quy định thêm: Người thân thích của bị can, bị cáo bị tạm giam có thể đặt tiền để bảo đảm cho bị can, bị cáo để thay đổi biện pháp ngăn chặn là tại ngoại thay vì tạm giam.

Tương tự, Điều 4 của Dự thảo Thông tư liên tịch quy định chi tiết trình tự, thủ tục, mức tiền đặt, việc tạm giữ, hoàn trả, tịch thu, nộp ngân sách nhà nước số tiền đã đặt để đảm bảo theo quy định tại Điều 122, Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 đã bổ sung nguồn tiền được nộp để đảm bảo cho bị can, bị cáo có thể là nguồn tiền của những người thân thích với bị can, bị cáo.

Để đảm bảo việc sau khi các bị can, bị cáo nộp tiền tại ngoại rồi sẽ bỏ trốn, tiêu hủy chứng cứ, tài liệu, thông cung... gây khó khăn cho công tác điều tra phá án, Dự thảo Thông tư liên tịch quy định chi tiết trình tự, thủ tục, mức tiền đặt, việc tạm giữ, hoàn trả, tịch thu, nộp ngân sách nhà nước số tiền đã đặt để đảm bảo theo quy định tại Điều 122, Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 vẫn giữ nguyên các điều kiện cần và đủ đối với bị can, bị cáo như Thông tư liên tịch số 17 năm 2013.

Tránh trường hợp bất bình đẳng

Dư luận xã hội đồng tình và ủng hộ quy định trên của pháp luật, song cũng không khỏi e ngại nếu không cẩn thận sẽ lợi bất cập hại, khiến số vụ án không thể khám phá sẽ tăng lên do các bị can, bị cáo thông cung, tiêu hủy chứng cứ, đe dọa, trả thù, thủ tiêu nhân chứng, hay bỏ trốn...

Tất nhiên trong Dự thảo cũng đã có quy định các bị can, bị cáo phải cam kết sẽ không thực hiện những hành vi trên, không gây tổn hại tới an ninh trật tự, không tiếp tục phạm tội... nếu không sẽ bị tạm giam trở lại.

Song, vấn đề ở chỗ làm thế nào để phát hiện các bị can, bị cáo có các hành vi trên thì trong Dự thảo chưa chỉ ra được.

Hơn nữa, một khi bị can, bị cáo sau khi được tại ngoại thực hiện các hành vi nêu trên thì sẽ dẫn đến làm sai lệch hồ sơ vụ án, rất có thể khi ra tòa họ sẽ được tuyên vô tội, thì không những họ không thể bị bắt tạm giam trở lại, mà họ còn “kiện ngược” đòi các cơ quan tố tụng phải bồi thường theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

Ngay cả khi các cơ quan tố tụng có phát hiện được bị can, bị cáo có hành vi mua chuộc nhân chứng, tiêu hủy chứng cứ, tài liệu... nhưng nếu họ bỏ trốn không bắt được thì cũng làm sao để giam họ trở lại đây?

Và một điều đáng lo ngại khác mà nhiều chuyên gia luật quan tâm, đó là việc khi quy định này có hiệu lực pháp luật thì rất dễ phát sinh sự bất bình đẳng giữa các bị can, bị cáo.

Muốn nộp tiền đảm bảo để được tại ngoại thì phải là gia đình khá giả, bởi mức nộp quy định giao động từ 30 triệu đồng tới 200 triệu đồng không phải là con số nhỏ.

Theo đó, với đại đa số các bị can, bị cáo là những người nghèo, hoặc không có điều kiện kinh tế thì họ sẽ vẫn bị tạm giam dù muốn hay không. Thiết nghĩ, các cơ quan soạn thảo cũng cần cân nhắc thêm về vấn đề này trước khi ban hành văn bản.

Luật sư Trương Anh Tú (Trưởng Văn phòng Luật sư Trương Anh Tú - Hà Nội):

Dự thảo thể hiện tính nhân văn và tiến bộ trong xây dựng luật pháp. Trên thực tế, các vụ án nghiêm trọng và rất nghiêm trọng chiếm rất nhiều, những nhà giam và tạm giam lại đang quá tải.

Nếu áp dụng quy định này, cho tại ngoại các tội ít nghiêm trọng sẽ giảm tải cơ sở vật chất, giám thị, chi phí ăn ở cho bị can. Quy định này cũng bảo đảm được sức khỏe, tính mạng cho bị can, bị cáo, bởi thực tế đã có những trường hợp bị can, bị cáo suy sụp tinh thần, sức khỏe bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi bị tạm giam.

Cùng với đó sẽ hạn chế được tình trạng bức cung, nhục hình trong quá trình điều tra, tránh tình trạng oan sai trong quá trình tố tụng.

Tuy nhiên cũng phải quy định cụ thể với tội danh nào thì đặt bao nhiêu tiền để tạo nên sự công bằng và đảm bảo tính răn đe trong pháp luật.

Luật sư Nguyễn Ngọc Khương (Văn phòng luật sư Doanh Thương - Hà Nội):

Dự thảo Thông tư phù hợp với hệ thống văn bản pháp lý tiến bộ, phù hợp với nguyên tắc một người chưa được coi là có tội khi chưa có quyết định, bản án có hiệu lực của cơ quan toà án.

Thực tế, đâu đó vẫn có những trường hợp phải có tiền mới được tại ngoại, nhưng đó là những khoản tiền không nộp vào ngân sách nhà nước và khi áp dụng chế định này những tiêu cực đó sẽ bị hạn chế.

Anh Lương Hùng Long (khu đô thị Mỹ Đình - Mễ Trì, phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội):

Thông tư này có thể tạo ra sự bất bình đẳng trong xã hội. Bởi lẽ, đối với các trường hợp bị can, bị cáo có hoàn cảnh khó khăn, chẳng may vì hoàn cảnh xô đẩy mà vi phạm pháp luật, không có tiền để nộp bảo lãnh thì chịu cảnh bị giam giữ.

Còn đối với các trường hợp có tiền, họ coi thường pháp luật, cố tình vi phạm pháp luật nhưng khi bị tạm giam họ chỉ cần bỏ ra một số tiền nhất định sẽ được tại ngoại.

Vì vậy, các cơ quan chức năng cần xem xét kỹ, quy định rõ ràng trường hợp nào nộp tiền được bảo lãnh tại ngoại, trường hợp nào không được.

Hoàng Anh(ghi)

Tinh Anh