Nạn cát tặc vẫn diễn biến phức tạp
Sáng ngày 13/7, Trung tá Hồ Song Ân, Trưởng phòng Cảnh sát Môi trường (PC49) Công an tỉnh Quảng Nam cho biết: “Chúng tôi vừa bắt giữ 7 ghe cát lậu trên sông Thu Bồn.
Để thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh về tăng cường công tác kiểm tra xử lý nạn khai thác trái phép, thời gian qua chúng tôi đã tăng cường tuần tra trên các tuyến sông.
Lực lượng PC49, Công an tỉnh Quảng Nam tạm giữ các ghe hút cát trái phép.
Liên tiếp bắt giữ cát tặc
Theo đó, những ngày qua, lực lượng CSGT đường thuỷ đã liên tục bắt các tàu chở cát lậu trên tuyến sông này. Như vụ bắt tàu QNa-1038, trọng tải 67,76 tấn vào 21h ngày 6/6, tại sông Thu Bồn; tàu ĐNa-0037 vào 3h, ngày 23/6, thời điểm bắt quả tang, trên tàu này có trên 32m3 cát; hay vụ bắt 2 tàu gồm QNa-0999 và một tàu không có số vào 2h ngày 5/7. Thời điểm kiểm tra tàu QNa-0999 có khoảng 80m3 cát và tàu không có số đăng ký là 65m3 cát, tất cả đều khai thác trái phép.
Các phương tiện hút cát trộm vận chuyển trên sông đều không đăng ký, đăng kiểm, không đảm bảo các quy định cần thiết khi lưu thông.
Tuy theo quy định, mỗi mét khối cát hút trái phép sẽ bị xử phạt tới 1 triệu đồng, mỗi ghe có trọng tải 40 - 50m3, nếu bị bắt sẽ phải chịu mức xử phạt lên tới 40 - 70 triệu đồng. Thế nhưng mức xử phạt cao cũng khó thực hiện và cho dù bị bắt nhưng hám lợi, họ vẫn tiếp tục tổ chức khai thác cát lậu.
Nóng do cung không đủ cầu
Sáng cùng ngày, trao đổi với Đại Đoàn Kết, ông Bùi Văn Ba- Trưởng phòng Khoáng sản (Sở TNMT Quảng Nam) cho biết: Toàn tỉnh có tổng cộng 184 mỏ, điểm mỏ cát, sỏi được quy hoạch thăm dò, khai thác với tổng diện tích 1.777ha và trữ lượng dự kiến hơn 60 triệu mét khối.
Hiện có 35 giấy phép khai thác cát, sỏi còn hiệu lực với tổng diện tích gần 150ha, trữ lượng 6,3 triệu mét khối, chủ yếu ở các tuyến sông Vu Gia, Thu Bồn, với tổng công suất khai thác khoảng 1,4 triệu m3/năm.
Thế nhưng cát đang là vấn đề nóng không riêng gì ở Quảng Nam bởi do cung không đủ cầu, giá cả tăng đột biến. Ông Nguyễn Văn Thôi, Giám đốc một công ty xây dựng trên địa bàn thành phố Tam Kỳ, Quảng Nam cho biết: “Giá cát tăng chóng mặt, cách đây 1 tháng chỉ có 130.000 đồng/m3 thế mà giờ đây đã là 250.000 đồng/m3. Đó là bán lẻ nếu xuất có hoá đơn còn tăng cao hơn nữa!
Thực tế cho thấy nhiều đầu nậu, đại lý cung ứng vật liệu xây dựng trên địa bàn đều mua lại cát từ các tàu thuyền khai thác trái phép, ít khi có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, giá cả dễ chịu hơn.
Thậm chí, một số dự án, công trình còn thích mua cát sỏi trôi nổi trên thị trường vì giá rẻ, chi phí vận chuyển, đầu tư thấp hơn. Do đó hiện nay, nhu cầu về cát, sỏi quá cấp bách, các đối tượng liên tục câu kết để hoạt động khai thác chui....
Sự việc cát, sỏi tặc lộng hành khiến các dòng sông sạt lở nghiêm trọng. Do họ hám lời, bất chấp hậu quả để lại, chính quyền địa phương rất khó khăn với công tác chống cát, sỏi tặc. Bởi những nơi tổ chức khai thác nhiều ghe, thuyền là những vùng giáp ranh, hoạt động ban đêm.
Bên này truy quét họ cho thuyền chạy về bên địa phương kia và ngược lại, khiến cho công việc chống cát, sỏi tặc gặp không ít khó khăn.
Quyết tâm lập lại trật tự
Ông Bùi Văn Ba còn nhận định: “Nạn khai thác cát trái phép đang nóng là do hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn có trữ lượng cát dồi dào, đầu tư ít, khai thác lậu nên không đóng thuế.
Vấn đề rất khó xử lý dứt điểm, do họ khai thác ban đêm, khai thác ở các khu vực giáp ranh giữa các địa phương, các vị trí thuận lợi là gần nơi tập kết, tiêu thụ.
Do giá cả tăng cao, hám lời, rất phức tạp khi họ tổ chức cảnh giới khai thác cát lậu, thậm chí sẵn sàng chống lại lực lượng chức năng khi bắt giữ! Hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép đã gây thất thoát tài nguyên, thất thu ngân sách, tác động xấu đến môi trường, gây bất bình trong nhân dân. Do đó cần phải xử lý triệt để”.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu đã nhiều lần chỉ đạo quyết liệt ngành thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông đường thủy phải xử lý, chặn đứng từ đầu các tàu thuyền lưu thông không đảm bảo quy định pháp luật.
Ông Thu cũng lưu ý, các ngành và chính quyền địa phương phải có trách nhiệm xem xét kĩ mức độ ảnh hưởng của việc khai thác cát lòng sông đến tình trạng chuyển đổi dòng chảy, sạt lở, mất đất sản xuất, ảnh hưởng đến các công trình khác.
Tuy chỉ đạo quyết liệt, trong đó có thành lập các tổ đặc nhiệm để xử lý vấn đề trên. Thế nhưng với tình hình nêu trên cho thấy, vấn nạn cát tặc đang rất nóng.
Do đó, chính quyền địa phương cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó đặc biệt xác định rõ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền trong công tác chỉ đạo quản lý, khai thác khoáng sản.
Cần có ngay những quy chế phối hợp giữa các địa phương có chung khu vực trên sông và cửa biển trong quản lý khai thác, vận chuyển và sử dụng cát, sỏi; tăng cường công tác truy quét hoạt động khai thác, vận chuyển, tập kết cát, sỏi trái phép.