Tuyên truyền về an toàn thực phẩm trong nhân dân đạt hiệu quả cao
Sáng 14/7, tại Đà Nẵng, diễn ra Hội nghị trao đổi kinh nghiệm về công tác vận động và giám sát đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) của Cụm thi đua 5 TP trực thuộc Trung ương là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ với sự tham dự của Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP các TP này cùng 100 đại biểu là đại diện các cấp, ngành liên quan.
Quang cảnh Hội nghị.
Phát biểu tại Hội nghị, bà Đặng Thị Kim Liên, Chủ tịch Ủy ban MTTQ.TP Đà Nẵng đồng thời là Cụm trưởng Cụm thi đua của 5 TP đề cập: ATTP đang là vấn đề nóng bỏng khiến dư luận xã hội hết sức băn khoăn, lo lắng.
Tháng 3/2016; Chính phủ và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã ký chương trình phối hợp số 90 về vận động và giám sát bảo đảm ATTP giai đoạn 2016 – 2020 nhằm tăng cường trách nhiệm của Mặt trận các cấp cũng như cơ quan quản lý nhà nước về ATTP.
Trên cơ sở Chương trình phối hợp được ký kết giữa Chính phủ và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; từ cuối năm 2016 UBND và Ủy ban MTTQ các địa phương đã ký kết Chương trình phối hợp vận động, giám sát, bảo đảm ATTP và tổ chức thực hiện.
Sau hơn 1 năm thực hiện Chương trình phối hợp vận động, giám sát bảo đảm ATTP; 5 TP trực thuộc Trung ương trong Cụm thi đua đã đạt được những kết quả bước đầu đáng phấn khởi.
Bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ.TP Hồ Chí Minh cho biết, tháng 4/2017 Ban Thường trực Ủy ban MTTQ.TP Hồ Chí Minh đã ký kết kế hoạch liên tịch phối hợp với các đoàn thể chính trị - xã hội và Liên minh HTX.TP về tuyên truyền, giám sát bảo đảm ATTP đến năm 2020.
TP Hồ Chí Minh cũng tập trung tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận trong nhân dân và các đơn vị sản xuất, kinh doanh về thực hiện bảo đảm ATTP; tuyên truyền để nhân dân biết nhận diện và truy xuất nguồn gốc thực phẩm.
Mặt trận và các tổ chức thành viên ở TP Hồ Chí Minh cũng nỗ lực tuyên truyền, vận động nhân dân tố giác hành vi vi phạm ATTP để cơ quan chức năng tiến hành xử lý.
Quá trình thực hiện Chương trình phối hợp giám sát ở TP Hồ Chí Minh cũng phát hiện những bất cập, khó khăn, vướng mắc để kiến nghị Bộ - ngành Trung ương sửa đổi, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về ATTP.
Tham luận do Chủ tịch Ủy ban MTTQ.TP Cần Thơ Phan Thị Hồng Nhung tại hội nghị, đã nêu bật hiệu quả của công tác tuyên truyền. Theo đó, Mặt trận và các tổ chức thành viên ở Cần Thơ đã tuyên truyền, vận động nhân dân phát hiện, tố giác các hành vi vi phạm ATTP; công khai số điện thoại của cơ quan nhà nước tại địa phương, hộp thư điện tử của các cấp chính quyền và lập đường dây nóng để người dân và báo chí phối hợp cung cấp, trao thông tin.
Đến nay, cơ quan chức năng của TP Cần Thơ đã xử lý trên 3.000 vụ vi phạm ATTP; xử phạt và thu nộp ngân sách 79,4 tỷ đồng.
Ông Vũ Hồng Khanh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ.TP Hà Nội cho biết, từ tháng 8/2016, Ủy ban MTTQ.TP cùng UBND.TP Hà Nội đã ký kết Kế hoạch liên tịch nhằm thực hiện Chương trình phối hợp tuyên truyền, vận động và giám sát bảo đảm ATTP giai đoạn 2016 – 2020.
Tổ chức tập huấn kiến thức ATTP đến các bộ Mặt trận các cấp đồng thời phối hợp với Sở Y tế TP phát hành tờ rơi, tuyên truyền trong nhân dân 10 quy tắc vàng về chế biến thực phẩm an toàn, 10 tiêu chí ATTP đối với kinh doanh thức ăn đường phố, cửa hàng ăn uống cũng như những hành vi bị cấm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm.
Tuyến đường Hồ Nghinh của Đà Nẵng, nơi xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm tại một quán ăn
khiến 17 người phải nhập viện vào tháng 5/2017.
Hiện TP Hà Nội đang xây dựng kế hoạch tổ chức các đoàn giám sát quản lý nhà nước về ATTP trong 6 tháng cuối năm và theo lộ trình phấn đấu đat các mục tiêu đề ra đến năm 2020.
Theo ông Phạm Văn Mợi, Chủ tịch Ủy ban MTTQ.TP Hải Phòng: TP này đã chỉ đạo “làm điểm” tại 1 huyện và 1 xã mô hình “Tuyên truyền, vận động và giám sát bảo đảm ATTP tại cộng đồng dân cư”.
Ủy ban MTTQ.TP cũng phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ xây dựng mô hình điểm “Đội truyền thông thay đổi hành vi; Hội Nông dân thí điểm giám sát việc sản xuất rau an toàn tại các vùng rau chuyên canh. Tổ dân phố với mô hình “Sản xuất kinh doanh vì sức khỏe cộng đồng”.
Đến thời điểm này; 100% quận, huyện và trên 50% xã, phường, thị trấn của TP Hải Phòng ký kết Kế hoạch phối hợp vận động, giám sát bảo đảm ATTP.
Bà Đặng Thị Kim Liên, Chủ tịch Ủy ban MTTQ.TP Đà Nẵng đưa ra con số: Mỗi năm TP Đà Nẵng tiêu thụ hơn 140.000 tấn rau, củ, quả và gần 80.000 tấn sản phẩm chăn nuôi nhưng chỉ sản xuất, chăn nuôi được từ 10 đến 15% nên tình trạng mua bán, sử dụng chất phụ gia thực phẩm, chất bảo quản, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm không rõ nguồn gốc, ngoài danh mục cho phép còn phổ biến.
Ngoài Chương trình phối hợp số 60 về vận động, giám sát bảo đảm ATTP giai đoạn 2016 - 2020 được ký kết giữa Ủy ban MTTQ.TP và UBND.TP Đà Nẵng vào tháng 6/2016; năm 2017 cũng được TP Đà Nẵng triển khai đồng bộ Chương trình “Thành phố 4 an” (an ninh trật tự, an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm, an sinh xã hội).
Đến nay TP Đà Nẵng đã có 100% phường, xã, quận, huyện triển khai tổ chức hoạt động tuyên truyền, vận động và kiểm tra, giám sát ATTP. Từ năm 2017, danh hiệu Gia đình văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”, “Thôn văn hóa”, “Xã đạt chuẩn nông thôn mới”, “Phường đạt chuẩn văn minh đô thị”, phải đi kèm với việc đạt tiêu chí an toàn vệ sinh thực phẩm. Đến nay đã có 11.258 lượt cán bộ từ TP đến khu dân cư tham dự 87 lớp tập huấn về ATTP do Ủy ban MTTQ.TP Đà Nẵng phối hợp với Sở Y tế, Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức.
Trên cơ sở phối hợp giám sát và qua số điện thoại đường dây nóng 1022, đến nay cơ quan chức năng của Đà Nẵng đã thanh, kiểm tra, xử phạt 1.559 cơ sở vi phạm với số tiền trên 3,9 tỷ đồng – bà Đặng Thị Kim Liên cho biết.