Rừng Gia Lai vẫn bị tàn phá
Người dân xã Lơ Pang, huyện Mang Yang (Gia Lai) liên tục trình báo chính quyền địa phương: rừng tại lâm phần do Cty TNHH Lâm nghiệp Kon Chiêng, xã Lơ Pang bị tàn phá; lâm tặc dựng lán trại để khai thác, cây cối đổ rạp... Tiếp nhận thông tin, UBND tỉnh đã chỉ đạo kiểm tra, tuy nhiên huyện này lại báo cáo chỉ có 3 hộ dân phá rừng, xin gỗ để làm nhà.
Lâm tặc chọn những cây gỗ lớn, loại tốt để triệt hạ.
Bao che sai phạm?
Để kịp có báo cáo gửi UBND tỉnh, ngày 8/7, UBND huyện Mang Yang đã thành lập tổ công tác gồm nhiều lực lượng như Công an, Kiểm lâm, Tài nguyên, Đảng ủy, UBND xã Lơ Pang. Và chỉ 2 ngày kiểm tra, huyện đã có báo cáo số 300/BC-UBND, cho rằng: “Trong các đợt truy quét, các cơ quan chức năng của huyện và UBND xã Lơ Pang không phát hiện hoạt động của lâm tặc và số gỗ đã vận chuyển khỏi hiện trường, chỉ còn lại dấu vết của việc phá rừng như: ván bìa, mạt cưa, các gốc cây”.
Đồng thời báo cáo còn cho rằng, qua thông tin từ người dân có 3 hộ dân khai thác gỗ tại khu vực trên để làm nhà ở. Đó là các hộ ông Hinh xây nhà từ ngày 7/7 và hoàn thành vào ngày 10/7; hộ ông Klong xây nhà từ ngày 4/7, hoàn thành vào ngày 6/7 và cuối cùng là hộ ông Thêt khởi công dựng nhà ngày 10/7, hoàn thành vào ngày 12/7.
Dù rằng, 3 hộ dân thừa nhận có phá rừng của huyện để làm nhà, tuy vậy theo dấu vết ghi nhận tại tiểu khu 527, 528 thuộc lâm phần của Cty TNHH MTV lâm nghiệp Kông Chiêng quản lí, rừng ở đây bị tàn phá thời gian dài, mô cưa, ván, bìa nằm rải rác khắp rừng, cây cối nằm ngã rạp, mới cũ trộn lẫn. Lâm tặc công khai dựng cả lán trại, trang bị chăn màn, xoong chảo, gạo, mắm muối cùng xăng, nhớt để phục vụ việc phá rừng. Gỗ ra phách, hộp được tập kết thành bãi với khối lượng hàng chục hộp gỗ dài 3-4m…
Vậy mà khi tổ chức kiểm tra, xác minh sự việc huyện Mang Yang lại có báo cáo kiểu “giản lược thông tin” khiến dư luận nghi vấn về hành vi bao che cho sai phạm. Chính ông Nguyễn Long Sơn - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Mang Yang cũng tỏ ra bất ngờ khi được PV cung cấp hình ảnh phá rừng.
Chủ tịch huyện phải chịu trách nhiệm
Liên quan đến vụ phá rừng trên, Chủ tịch huyện Mang Yang - Nguyễn Như Phi khẳng định sẽ điều tra, xử lí nghiêm. Ông Phi nói: “Trách nhiệm trước hết là của kiểm lâm địa bàn vì không phát hiện ra các đối tượng phá rừng. Thứ hai, là Hạt kiểm lâm huyện buông lỏng quản lý nên mới xảy ra vụ việc. Để xảy ra tình trạng phá rừng, chắc chắn sẽ xử lý Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Mang Yang”.
Ông Trương Phước Anh - Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, Sở đã chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm cùng các đơn vị liên quan thành lập lực lượng truy quét, xử lý. Đại diện Chi cục Kiểm lâm Gia Lai (CCKL) cũng cho hay, phía huyện Mang Yang thông báo là đã đi kiểm tra và có báo cáo gửi lên. “Tuy vậy, Chi cục trả lời là tỉnh chỉ đạo cho Sở NN&PTNT chủ trì kiểm tra thì Sở và Chi cục phải thành lập đoàn đi kiểm tra, truy quét”, một lãnh đạo CCKL nói.
Tại kỳ họp HĐNĐ tỉnh Gia Lai khóa XI, diễn ra từ ngày 10 đến13/7. Chính Giám đốc Công an tỉnh Gia Lai - Đại tá Vũ Văn Lâu thừa nhận rằng: Tình hình mua bán, tàng trữ, vận chuyển lâm sản trái phép vẫn diễn biến phức tạp xảy ra tại các địa bàn nhiều huyện.
Để chấn chỉnh công tác quản lí, bảo vệ rừng, tỉnh Gia Lai đã có văn bản chỉ đạo: “Chính quyền địa phương nơi nào để xảy ra phá rừng, khai thác, lấn chiếm rừng..., thuộc phạm vi, trách nhiệm quyền hạn của mình mà không xử lý kịp thời thì thì Chủ tịch UBND huyện đó phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh”.