Từng bước hạn chế phương tiện cá nhân
Với mục đích giải quyết bài toán giao thông đô thị ở TP HCM trong tương lai (tới năm 2030), Sở GTVT thành phố đã phối hợp với Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải tổ chức hội thảo trong ngày 14/7.
Các phương tiện cá nhân tham gia giao thông ở TP HCM.
Trong đó, nhiều ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý được đưa ra nhưng tựu trung lại, hạn chế các phương tiện cá nhân được cho là biện pháp tốt, bền vững nhất để có được một hệ thống giao thông đô thị thông thoáng.
Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP HCM cho biết, trong tương lai gần, thành phố chưa có phương án cấm, hạn chế các phương tiện cá nhân nhưng sẽ có lộ trình và cải cách mạnh mẽ các phương tiện công cộng. Mục tiêu để người dân thấy được lợi ích của các dịch vụ giao thông công cộng hơn hẳn các phương tiện cá nhân, và có sự thay đổi, thay vì ban hành các biện pháp hạn chế. Ngoài ra, ông Cường cũng nhấn mạnh, mục tiêu hạn chế phương tiện cá nhân (nhưng không cấm) là mục tiêu lâu dài, cần sự kiên trì.
“Từ nay tới năm 2030, hệ thống giao thông công cộng ở TP HCM sẽ có những thay đổi mạnh mẽ. Lúc này, bức tranh giao thông công cộng sẽ bao gồm nhiều phương tiện (metro, xe buýt, xe buýt nhanh, đường trên cao…) thay vì chỉ có xe buýt đơn độc như hiện nay. Vì thế, bản thân người dân sẽ tự hạn chế các phương tiện cá nhân của mình, khi các phương tiện và thói quen di chuyển công cộng trở lên phổ biến, dễ dàng, tiện lợi hơn”, ông Cường cho biết.
Theo tiến sỹ Trần Anh Tuấn, bức tranh giao thông TP HCM tới năm 2030 sẽ có nhiều thay đổi nhưng đó cũng là áp lực buộc phải có những thay đổi, tính toán chi tiết, tỉ mỉ ngay từ bây giờ. Ngoài các đề án xây dựng hạ tầng giao thông như cầu, đường, phương tiện… thì các yếu tố như nguồn vốn đầu tư, dân số, việc làm, thu nhập, thói quen… cũng cần phải được nghiên cứu một cách chi tiết.
Nói tóm lại, để thay đổi hệ thống giao thông của thành phố gồm hàng chục triệu người, không chỉ riêng của ngành giao thông mà cần phải phối hợp của nhiều bộ ngành, với nhiều chương trình cụ thể. Nếu cần, có thể bắt đầu bằng việc ghi nhận ý kiến của người dân, thông qua từng hộ gia đình cụ thể để nắm bắt được chính xác nhu cầu của người dân.
Trong khi đó, tiến sỹ Lương Hoài Nam cho biết, với đặc điểm của đô thị như ở TP HCM, học hỏi những mô hình giao thông công cộng ở các đô thị lớn, phát triển trên thế giới là rất cần thiết. Nhưng cần chọn lựa những mô hình phù hợp với năng lực thành phố, nhu cầu người dân để áp dụng mới mang lại hiệu quả cao nhất.
Có thể nói, trong bức tranh giao thông đô thị nói chung, ở TP HCM nói riêng hiện nay đang tồn tại nhiều nghịch lý, chứ không riêng gì việc phát triển các hệ thống công cộng. Ở đó, phần đông người dân đều mong muốn có một môi trường giao thông tốt, thông thoáng nhưng phần đông lại không muốn chung tay cắt giảm những hệ lụy gây ùn tắc giao thông, là các phương tiện của bản thân. Vì thế, việc chung tay của người dân, bên cạnh những nỗ lực xây dựng hệ thống giao thông công cộng trong ít năm tới sẽ quyết định lớn đến môi trường giao thông ở TP HCM.