Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa phê duyệt Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025”.
Từng bước nâng cao đời sống, tinh thần và học vấn cho phụ nữ dân tộc.
Mục tiêu của Đề án là nâng cao nhận thức của phụ nữ về chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước về khởi nghiệp, thúc đẩy hiện thực hóa các ý tưởng kinh doanh, góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia về phát triển doanh nghiệp và Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới. Phấn đấu đến năm 2025 đạt được 5 mục tiêu.
Cụ thể, phấn đấu đến năm 2025, 90% cán bộ Hội chuyên trách các cấp tham gia triển khai Đề án được nâng cao nhận thức, phương pháp hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh doanh; 70% hội viên phụ nữ được tuyên truyền, nâng cao nhận thức về việc làm, khởi nghiệp; hỗ trợ 20.000 phụ nữ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp; phối hợp, hỗ trợ thành lập 1.200 tổ hợp tác/hợp tác xã do phụ nữ quản lý; 100.000 doanh nghiệp của phụ nữ mới thành lập được tư vấn, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.
Đối tượng của Đề án là phụ nữ, trong đó quan tâm hỗ trợ phụ nữ có ý tưởng, có nhu cầu khởi nghiệp, các tổ hợp tác/hợp tác xã, doanh nghiệp mới thành lập do phụ nữ làm chủ. Ưu tiên phụ nữ thuộc hộ nghèo, khó khăn, phụ nữ là người dân tộc thiểu số, phụ nữ khuyết tật, phụ nữ sống tại địa bàn khó khăn, địa bàn chuyển đổi đất nông nghiệp.
Một trong các nhiệm vụ của Đề án là hỗ trợ phụ nữ đổi mới sáng tạo phát triển kinh doanh và khởi nghiệp, lựa chọn các ý tưởng, mô hình khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh khả thi để hỗ trợ thực hiện, nhân rộng, nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp nữ mới thành lập. Xây dựng các mô hình thí điểm tuyên truyền tại cộng đồng ở 10 tỉnh đại diện cho vùng miền, tổng kết rút kinh nghiệp để triển khai trên diện rộng.
Kinh phí thực hiện Đề án được bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước theo quy định, lồng ghép với các chương trình, đề án của Chính phủ, các bộ ngành, các địa phương và các nguồn kinh phí hợp pháp khác (nếu có).
Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam có trách nhiệm chủ trì thực hiện Đề án, xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai các hoạt động của Đề án ở cấp Trung ương; phối hợp đồng bộ với các bộ, ngành, cơ quan trong quá trình thực hiện Đề án.
Trước đó, Ủy ban Dân tộc đã phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức Diễn đàn phát triển dân tộc thiểu số năm 2017 với chủ đề “Hợp tác, kết nối hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số khởi nghiệp”.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho biết, những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ phát triển toàn diện vùng dân tộc và miền núi, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, từng bước nâng cao đời sống vật chất cho đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, đến nay tỉ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số và miền núi vẫn còn 23,1% (cao gấp 3,3 lần mức bình quân chung của cả nước), cá biệt có nhóm dân tộc có tỷ lệ hộ nghèo trên 50%.
Cụ thể là hỗ trợ để đồng bào lập nghiệp, khởi nghiệp phát triển sản xuất - kinh doanh, làm giàu từ chính tiềm năng, lợi thế của địa phương mình. Theo đó, diễn đàn lần này là cơ hội rất tốt để các nhà nghiên cứu, các nhà hoạch định chính sách, các đối tác hỗ trợ khởi nghiệp, các tổ chức quốc tế và chính các doanh nghiệp lập nghiệp, khởi nghiệp của người dân tộc thiểu số cùng chia sẻ, thảo luận để tìm kiếm những giải pháp kết nối, hỗ trợ tốt hơn cho mục tiêu phát huy nội lực, khắc phục khó khăn, vươn lên làm giàu của cộng đồng các dân tộc thiểu số Việt Nam.