Tiếng trống Bo - đô và cây đàn Chapi
Cũng giống như các dân tộc thiểu số khác ở Tây Nguyên, người Xơ Đăng yêu thích ca hát, họ sử dụng nhiều loại nhạc cụ dân tộc phục vụ cho nhu cầu ca múa hát. Nhạc cụ của dân tộc Xơ Ðăng có đàn, nhị, sáo dọc, ống vỗ kloongbút, chiêng, cồng, tù và, ống gõ, giàn ống hoạt động nhờ sức nước… Trong số đó không thể không nhắc tới trống Bo - đô của người Xơ Đăng và đàn Chapi của người Raglai.
Biểu diễn đàn Chapi.
Đàn Chapi
“Ở nơi ấy trên ngọn núi cao/ Có hai người yêu nhau/ Họ đã sống không mùa đông, không mùa nắng mưa/ Chỉ có một mùa yêu nhau/ Ở nơi ấy đàn dê trắng nhởn nhơ quanh đồi/ Một mái tranh nghèo, một nhà sàn yên vui/ Ở nơi ấy họ đã sống cuộc sống yên bình / Ai nghèo cũng có cây đàn chapi/… Ai yêu tự do hãy lên núi nghe tiếng đàn Chapi”… Những ca từ mộc mạc nhưng da diết trong bài hát “Giấc mơ Chapi” của nhạc sĩ Trần Tiến suốt mấy chục năm qua đã đưa cây đàn Chapi của của bà con dân tộc Raglai ở vùng đất Ninh Thuận trở nên nổi tiếng hơn, được rất nhiều người biết đến.
Theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, đối với người Raglai, cây đàn Chapi còn gọi là Mã La thu nhỏ. Với lý do là trong các lời ca tiếng hát, trong các làn điệu dân ca, người ta không thể bỏ quên Mã La được. Do vậy đàn Chapi có tiếng như tiếng Mã La nên rất thuận lợi để người Raglai mang đi nương rẫy, rồi có thể cầm đánh đàn chapi để dạy lớp con cháu sau này. Phụ nữ có thể vừa địu con vừa gảy đàn Chapi. Thành ra cây đàn Chapi cũng là một hệ nhạc cụ của cồng chiêng Mã La của người Raglai.
Đàn Chapi không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa cộng đồng của người Raglai. Tiếng đàn Chapi thay chính là cách để bà con Raglai bày tỏ tấm lòng rộng mở, phóng khoáng của mình, thể hiện những mơ ước đơn sơ trong cuộc sống.
Người Raglai ngày nay vẫn chơi đàn Chapi trong những dịp hội hè, tuy nhiên giờ đây những người người biết làm đàn và biết chơi đàn Chapi còn rất ít. Cuối tháng 6 vừa qua, các nghệ nhân người Raglai đã có mặt ở Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô - Sơn Tây - Hà Nội) để trình diễn cách làm đàn Chapi nổi tiếng. Theo đó, đàn Chapi được người Raglai ở Ninh Thuận làm từ một đoạn cây lồ ô. Lý tưởng nhất là chọn được đoạn ống to có mấu ở hai đầu mà vỏ phải mỏng. Mỗi ống đàn thường có chiều dài chừng hơn 30 cm và đường kính khoảng 10 cm. Sau khi chọn được ống làm đàn, thì dùng dùi sắt nung đỏ để dùi lỗ trên ống đàn. Những lỗ nhỏ có tác dụng chuyển âm khi dây đàn Chapi rung lên. Đàn phải gồm 6 lỗ, 2 lỗ ở 2 đầu để cho tiếng đàn kêu vang, còn các lỗ trên ống để lưu âm âm thanh, các lỗ trên ông này được đục theo hàng cho có âm điệu…
Trống Bo - đô trong Lễ mừng lúa mới của người Xơ Đăng.
Trống Bo - đô
Cũng giống như các dân tộc thiểu số khác ở Tây Nguyên, người Xơ Đăng yêu thích ca hát, họ sử dụng nhiều loại nhạc cụ dân tộc phục vụ cho nhu cầu ca múa hát. Nhạc cụ của dân tộc Xơ Ðăng có đàn, nhị, sáo dọc, ống vỗ kloongbút, chiêng, cồng, tù và, ống gõ, giàn ống hoạt động nhờ sức nước… Trong số đó không thể không nhắc tới trống Bo - đô.
Đây là một loại trống có hai mặt bịt bằng da sơn dương. Tang trống được chế tác từ một khúc gỗ liền có chiều dài 50cm, đường kính khoảng 22cm. Dọc theo tang trống, người Xơ Đăng néo các sợi dây mây để giữ căng hai mặt da. Khi diễn tấu, nghệ nhân ôm hoặc đeo trống, hai bàn tay vỗ trên mặt trống.
Các nghệ nhân người Xơ Đăng ở huyện Nam Trà My (Quảng Nam) cho biết, việc chế tác loại trống này phải trải qua nhiều công đoạn hết sức công phu. Nhất là phải tuân thủ các luật tục, nghi thức thần linh một cách nghiêm ngặt. Để chọn được gỗ làm trống, người Xơ Đăng phải chọn một cây to, thẳng, không bị dị tật, rồi phải tổ chức một lễ cúng để xin báo cáo tổ tiên, ông, bà, xin phép các thần linh cho được chặt cây để làm trống.
Mặt trống bo đô được bịt bằng da của con sơn dương. Da được thuộc một cách thủ công, bằng muối và lá cây, vỏ cây rừng giã ra lấy nước ngâm, ướp khoảng 3 ngày. Cách bịt da vào tang trống là dùng dây néo. Người Xơ Đăng kê tang trống lên gỗ, xung quanh có đóng cọc. Tấm da con sơn dương còn ướt được trùm lên tang trống, xung quanh dùi buộc dây mây hoặc dây bện từ da trâu níu tấm da con sơn dương xuống các cọc gỗ. Các sợi dây này được xoắn lại dần nhiều ngày trong suốt quá trình căng mặt trống.
Trước mỗi lần xoắn dây, tấm da con sơn dương lại được vuốt nước cho mềm. Tấm da con sơn dương được bịt phủ xuống một nửa tang trống chỉ chừa ra một đoạn khoảng 2 đến 3cm đúng vào vị trí đã được đục lỗ tạo móc để treo trống khi di chuyển.
Sau khi da con sơn dương bịt mặt trống đã có độ căng đạt yêu cầu, người Xơ Đăng dùi lỗ quanh tang trống để đóng chốt tre thành một hàng hoặc hai hàng cách mặt trống khoảng 10cm. Khoảng cách này dùng để chèn các nêm tre làm căng lại mặt trống đã bị chùng. Khi diễn tấu, nghệ nhân ôm hoặc đeo trống, hai bàn tay vỗ trên mặt trống.
Với người Xơ Đăng, trống Bo - đô rất mộc mạc, chân thành, khoáng đạt như mơ ước về một cuộc sống thanh bình, no đủ và hạnh phúc của đồng bào.