Tích cực xây dựng những xã nông thôn mới kiểu mẫu
Tỉnh Thái Nguyên đang dồn lực để sớm hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới (NTM). Đến nay, đã có 56/140 xã được công nhận hoàn thành đủ các tiêu chí.
Ông Nguyễn Đức Minh.
Từ kết quả bước đầu đạt được, tỉnh đã chủ động nâng cao chất lượng xây dựng NTM bằng việc xây dựng những xã/xóm NTM kiểu mẫu. Điều này thể hiện một tầm nhìn dài hạn trong việc xây dựng NTM, nâng cao chất lượng cuộc vận động cũng như đời sống người dân. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đức Minh - Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Thái Nguyên về vấn đề này.
PV:Ông có thể cho biết Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh” đang được triển khai trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên như thế nào?
Ông Nguyễn Đức Minh: Chúng tôi cũng đang tích cực triển khai các phong trào thi đua, các CVĐ. Điển hình như CVĐ “Toàn dân đoàn kết xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh”. Tính đến hết năm 2016, Thái Nguyên đã có 56/140 xã đạt Nông thôn mới. Năm 2017, Ban chỉ đạo xây dựng NTM cấp tỉnh đặt ra mục tiêu có thêm 10 xã hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM.
Các bước để triển khai thực hiện đã được cụ thể hóa đến cơ sở, trong đó có áp dụng tiêu chí xây dựng NTM cho giai đoạn 2017 – 2022 là cao hơn so với giai đoạn trước. Các tiêu chí như giao thông, nhà văn hóa, đặc biệt tiêu chí giao thông, cảnh quan môi trường cao hơn tiêu chí trước khá nhiều.
Mới đây, Ban chỉ đạo cấp tỉnh họp, phân công thành viên BCĐ cũng như tìm kiếm sự đồng thuận của các doanh nghiệp để 11 xã xây dựng chỉ tiêu NTM năm 2017 sẽ được các doanh nghiệp hỗ trợ, đồng hành.
Nhân dân ở những xã này, qua khảo sát 6 tháng đầu năm chưa kể hiến đất thì phần đóng góp bằng công sức, tiền bạc chiếm khoảng hơn 30% trong tổng giá trị đầu tư NTM ở cơ sở. Nếu tính thêm cả hiến đất nữa thì sự đóng góp của nhân dân có lẽ chiếm gần 40% giá trị đầu tư.
Vậy khi triển khai CVĐ này, diện mạo NTM trên địa bàn tỉnh đã có sự thay đổi theo hướng tích cực như thế nào, thưa ông?
- Đối với CVĐ “Xây dựng NTM, đô thị văn minh” đã được nhân dân đồng tình, hưởng ứng cao. Việc này đã góp phần thiết thực làm thay đổi bộ mặt nông thôn cũng như đô thị và cũng tạo ra một giá trị vật chất cao hơn bởi khi xã đó, huyện đó được đầu tư, được công nhận NTM thì những giá trị như đất, các tài sản khác trên đất tăng cao và các hoạt động giao lưu để phát triển kinh tế - xã hội tốt hơn trước rất nhiều.
Nhận thấy được ưu điểm đó cho nên đã có rất nhiều những tấm gương của các hộ gia đình tham gia hiến đất, vận động nhân dân thực hiện phong trào.
Hàng năm, tỉnh Thái Nguyên cũng tổ chức tổng kết, biểu dương những gia đình tiêu biểu trong xây dựng NTM. Việc làm này đã tạo ra động lực, tạo ra các phong trào thi đua trong xã hội.
Tỉnh cũng đang hoàn thành các thủ tục để đề nghị Ban chỉ đạo Trung ương, đề nghị Chính phủ công nhận hai đô thị là thành phố Thái Nguyên và Thành phố Sông Công hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM ở đơn vị cấp huyện, thành phố.
Trong quá trình triển khai CVĐ này vai trò của cán bộ Mặt trận cơ sở rất quan trọng, ông đánh giá như thế nào về vai trò của họ khi triển khai công việc tại cơ sở?
- Để thực hiện CVĐ này thành công tỉnh cũng đặc biệt lưu ý đến vai trò của UBMTTQ cấp xã cũng như Ban Công tác Mặt trận ở các KDC, tổ dân phố. Bên cạnh việc tuyên truyền chung thì trong những cuộc họp cụ thể cán bộ Mặt trận cơ sở cũng tuyên truyền về quyền và trách nhiệm của người dân đối với CVĐ này. Và người tổ chức ở cơ sở không ai khác là những cán bộ Mặt trận. Bởi vì có rất nhiều nơi Bí thư chi bộ kiêm trưởng ban Công tác Mặt trận.
Mô hình trồng bưởi chất lượng cao tại xã Tiên Hội, huyện Đại Từ (Thái Nguyên).
Vì vậy, vai trò, trách nhiệm tổ chức, động viên, vận động nhân dân và vận động gia đình, dòng họ được tiến hành thưởng xuyên ở các bản, làng. Làm NTM nhưng phải bắt đầu từ chính các hộ dân rồi từng xóm, từng tổ dân phố một vì ở đấy khi người ta tổ chức làm thì phải đầu tư thế nào, phải đóng góp bao nhiêu, tổ chức một ban thi công như thế nào… thì đều do cơ sở làm và việc giám sát làm cũng là của đội ngũ cán bộ Mặt trận để làm sao huy động sự đóng góp tốt nhất nhưng sử dụng lại có hiệu quả nhất, kết quả tốt nhất.
Với mục tiêu như thế, tỉnh Thái Nguyên đang phấn đấu là năm 2017 cho đến 2020 bên cạnh xã đạt NTM thì sẽ xây dựng thêm 9 xã NTM kiểu mẫu và trong xã NTM kiểu mẫu có yêu cầu bắt buộc là có ít nhất một hoặc hai xóm, tổ dân phố là xóm, tổ dân phố NTM kiểu mẫu. Mô hình đang được triển khai ở các cơ sở. Riêng 9 xóm NTM kiểu mẫu thì phấn đấu năm 2017 triển khai thành công.
Vậy KDC nông thôn mới kiểu mẫu đó phải đáp ứng các tiêu chí gì, thưa ông?
- Tiêu chí xây dựng KDC kiểu mẫu đã được tỉnh Thái Nguyên ban hành - nhưng yêu cầu của tiêu chí này phải cao hơn so với những KDC chưa phải kiểu mẫu. Ví dụ, yêu cầu về đường giao thông ngoài được bê tông hóa thì phải rộng rãi hơn, ô tô phải tránh nhau được. Thứ hai, về môi trường cảnh quan phải xanh - sạch - đẹp tiêu chí bình xét cao hơn và phải có điện chiếu sáng… Đối với xã nông thôn mới kiểu mẫu cũng vậy, yêu cầu về chất lượng các tiêu chí cũng phải cao hơn bình thường.
Như ông vừa nói, thành phố Thái Nguyên và thành phố Sông Công đang đề nghị được công nhận thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới? Tuy nhiên, để duy trì được chất lượng các tiêu chí đó, Mặt trận đã có chương trình giám sát như thế nào?
- Trong tiêu chí để công nhận huyện hoặc thành phố nông thôn mới, đô thị văn minh là 100% số xã ở những thành phố này phải được công nhận nông thôn mới, đô thị văn minh. Vừa qua, thực hiện hướng dẫn của UBTƯMTTQ Việt Nam, Mặt trận tỉnh Thái Nguyên cũng đã hướng dẫn Mặt trận các địa phương tổ chức, đánh giá sự hài lòng của người dân đối với nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Kết quả lấy ý kiến của người dân rất tích cực, được nhân dân đồng tình cao. Trong đó, chỉ tiêu thấp nhất cũng được trên 90%. Qua việc này đã chứng tỏ được chất lượng khi triển khai. Trong quá trình bình xét, chúng tôi lấy tiêu chí nhận được sự đồng tình của người dân là một trong những tiêu chí quan trọng nhất bởi vì khi thực hiện việc này nhân dân chính là người trực tiếp góp công, góp sức, tham gia giám sát…
Trân trọng cám ơn ông!