Động lực cổ phần hóa
Đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa các tập đoàn, tổng công ty - đó là chỉ đạo kiên quyết của Chính phủ. Tuy nhiên, thời gian qua, tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước vẫn rất chậm. Trước tình hình đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp nhấn mạnh, Chính phủ sẽ xem xét trách nhiệm của lãnh đạo bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp chậm trễ, không hoàn thành nhiệm vụ đổi mới, sắp xếp, cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp. Về vấn đề này, nhiều chuyên
Ảnh minh họa.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp yêu cầu, dứt khoát phải phấn đấu để hoàn thành kế hoạch năm 2017, thậm chí vượt mức số lượng doanh nghiệp cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước. Đặc biệt, Chính phủ sẽ xem xét trách nhiệm của lãnh đạo bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp chậm trễ, không hoàn thành nhiệm vụ đổi mới, sắp xếp, cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp. Động thái này sẽ khiến nhiều “ông lớn” phải đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa nếu không muốn bị xử lý.
Đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa (CPH) đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhiều lần đốc thúc. Sở dĩ Thủ tướng phải sát sao với tiến độ CPH là bởi CPH diễn ra quá chậm chạp. Do đó, nhiều giải pháp đẩy nhanh tiến trình CPH đã được đưa ra như, giao trách nhiệm cá nhân cho lãnh đạo từng bộ, ngành, địa phương phải thực hiện được lộ trình CPH.
Theo đó, quá trình sắp xếp CPH, thoái vốn nhà nước, mục tiêu quan trọng nhất là phải bảo đảm lợi ích cao nhất cho Nhà nước, nghĩa là bán đúng giá trị thị trường thời điểm bán đã được đưa ra, nhưng vẫn còn mắc nhiều cơ chế.
Bởi, muốn bán đúng giá trị nhưng không có người mua liệu có thoái vốn nhà nước được? Muốn làm được điều này, cần hoàn thiện quy định nhằm nâng cao chất lượng và trách nhiệm của tổ chức tư vấn trong việc xác định giá trị vốn, tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp (DN) để CPH, thoái vốn nhà nước, kể cả việc thuê tư vấn quốc tế.
Đi kèm với điều kiện mang tính mở như vậy phải tăng cường kiểm tra thanh tra, giám sát, kiểm toán để không thất thoát vốn doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Đồng thời có cơ chế phù hợp để thu hút các nhà đầu tư chiến lược, có năng lực, giảm tỉ lệ sở hữu Nhà nước xuống mức đủ để thay đổi quản trị DN một cách thực chất.
Cơ chế đã rất mở nhưng có vẻ tiến độ CPH vẫn rất chậm chạp. Phó Chủ nhiệm VPCP Lê Mạnh Hà thông tin, tiến độ CPH, thoái vốn nhà nước tại DN diễn ra chậm, đạt tỷ lệ thấp trong 6 tháng đầu năm. Việc bàn giao các DN sau CPH về SCIC cũng chậm, đăng ký giao dịch trên sàn chứng khoán chưa thực hiện nghiêm túc.
Nguyên nhân của sự chậm trễ này, theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chính là sự chỉ đạo, điều hành của một số bộ ngành địa phương tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước chưa thật quyết liệt trong công tác CPH, thoái vốn.
Bởi “đâu đó còn tâm lý thận trọng, chờ đợi, e ngại một số vụ việc trước đây bị thanh tra, kiểm tra, nên có chuyện đùn đẩy, hỏi ý kiến lên tận Chính phủ. Thẩm quyền của bộ, địa phương nhưng không dám quyết, đưa lên Chính phủ hỏi ý kiến cho an toàn, nhưng Chính phủ quyết lại không đúng luật.
“Chính phủ sẽ xem xét trách nhiệm của lãnh đạo bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty chậm trễ, không hoàn thành nhiệm vụ đổi mới sắp xếp DN CPH và thoái vốn DN theo Chỉ thị số 04 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XII về sắp xếp, đổi mới DNNN sau khi đã gỡ vướng mắc về thể chế, tạo mọi điều kiện để bộ, ngành địa phương hoàn thành mục tiêu CPH”- Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói.
Xung quanh vấn đề này, ĐĐK ghi nhận một số ý kiến:
Ông Nguyễn Đình Cung.
TS Nguyễn đình cung - Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế TƯ: Đừng vừa chạy vừa nhìn xuống chân mình
Việc được giao quyền quản lý tài sản nhà nước và DNNN là quá lớn, có cơ hội để nhiều người trục lợi. Từ đó dẫn đến tình trạng nhiều cá nhân không muốn thay đổi, trì hoãn quá trình tái cơ cấu, đặc biệt là tái cấu trúc quản trị. Điển hình là việc thực hiện chủ trương tách chức năng đại diện chủ sở hữu ra khỏi các bộ ngành, ủy ban nhân dân. Hệ quả của việc trì hoãn này là tiến trình CPH quá chậm dù đã được giao chỉ tiêu cụ thể.
Tôi nghĩ việc CPH DNNN nói đủ rồi, giờ hãy hành động và hành động bằng các giải pháp hành chính và thị trường. Ví dụ như việc CPH 2 tổng công ty bia rượu nước giải khát Hà Nội và Sài Gòn cần làm ngay và có nhiều người sẵn sàng mua. Hãy để thị trường quyết định, Nhà nước không nên can thiệp.
Trừ 103 DNNN nắm giữ 100% vốn, các DN còn lại đều có CPH và thoái vốn. Đặc biệt dứt khoát thoái vốn ở những DN, ngành nghề mà nhà nước không nắm giữ cổ phần chi phối đều thuộc loại cổ phần hoá hết. Điều này có nghĩa là việc thoái vốn, CPH bây giờ không còn nằm trong tay các Bộ, UBND thành phố trực thuộc Trung ương nữa. Chính phủ đã quyết và trở thành một danh mục phải làm.
Để thoái vốn thành công cần phải có sự thay đổi về nhận thức xã hội cũng như nhận thức quản lý. Bởi dù công khai, minh bạch theo cơ chế thị trường, không làm thất thoát vốn nhà nước nhưng khi thực hiện vẫn phải có sự linh hoạt. Giá bán là một ví dụ. Việc thoái vốn DNNN có thể hiểu như bán một món hàng, nếu hôm nay không ai mua thì để kích cầu, có thể giảm giá xuống.
Hoặc tuỳ theo tình hình thực tế bán với giá rẻ hơn vì đang cần gấp một khoản vốn đầu tư nhanh trong một khoảng thời gian, về lâu về dài sẽ tạo ra lợi lớn hơn. Để thực hiện được như vậy, người thoái vốn phải có quyền linh hoạt hạ thấp giá xuống. Đừng sợ mất vốn, cần phải nhìn vào cái tổng thể chứ không phải là những hành vi cụ thể.
Bởi nếu nhìn tiểu tiết, không toàn cảnh thì không khác gì vừa chạy vừa nhìn xuống chân mình. Ví dụ làm 100 dự án, thành công 95 cái, thất bại 5 cái thì thanh kiểm tra chỉ tập trung vào 5 cái thất bại. Trong đầu tư, làm được như vậy đã là thành công lớn. Cần phải có cái nhìn tổng thể chứ đầu tư thì không tránh khỏi được mất mát, rủi ro.
Ông Trần Hoàng Ngân.
Đại biểu quốc hội Trần Hoàng Ngân: Quan trọng nhất là niềm tin
Chậm CPH là vì chưa giao việc và quy trách nhiệm cụ thể. Nghị quyết 15 mới ban hành, giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành địa phương, tổng công ty… có trách nhiệm đôn đốc giám sát quá trình tái cơ cấu. Tôi nghĩ đây là động thái quyết liệt. Dù quyết định này không phải là mới nhưng đạt được sự đồng thuận cao.
Thực tế quá trình cổ phần hóa DNNN đã thực thi gần 20 năm qua và đã có hơn 4.000 DNNN được CPH. Qua đó cũng có quá nhiều bài học. Thế nhưng trong 3 năm gần đây mỗi năm CPH chỉ được 30 DNNN.
Sở dĩ chậm như vậy một mặt cũng là phải hoàn thiện thể chế.Nay thể chế đã được hoàn thiện đảm bảo quá trình CPH không gây thất thoát vốn nhà nước, tránh chồng chéo kiểu vừa đá bóng vừa thổi còi trong các cơ quan quản lý với các DNNN.
Việc giao trách nhiệm cho từng bộ, ngành, các bộ trưởng chắc chắn phải thực thi. Vấn đề còn lại là tăng cường việc giám sát và các đại biểu Quốc hội sẽ căn cứ vào đó thể hiện phiếu tín nhiệm của mình trong quá trình CPH DNNN tại các bộ.
Thời gian gần đây Chính phủ đã phải đẩy nhanh, tiếp tục hoàn thiện thể chế để tách bạch quyền sở hữu và quyền quản lý để làm rõ hơn trách nhiệm của người đứng đầu trong các tập đoàn, DNNN đó.
Việc tái cơ cấu DNNN thành công sẽ tăng uy tín trong điều hành của Chính phủ rất cao và tạo sự đồng thuận của xã hội, qua đó sẽ tăng sức mạnh tổng hợp cho phát triển kinh tế.
Ông Nguyễn Minh Phong.
TS Nguyễn Minh Phong: Không để thất thoát tài sản công
Việc đẩy mạnh công tác sắp xếp, đổi mới và CPH DNNN thời gian tới cần gắn với yêu cầu đột phá hơn nữa về cơ chế thu hút các nhà đầu tư chiến lược có năng lực; xây dựng chiến lược hoạt động kinh doanh phù hợp cho từng DN. Cần xác định đúng và đầy đủ giá trị thương hiệu và đất đai vào giá trị doanh nghiệp khi CPH, tránh thất thoát tài sản công.
Theo đó, cần kiện toàn và nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ quản lý, nhất là người đại diện phần vốn nhà nước tại DN, đồng thời tăng cường năng lực, quyền hạn, trách nhiệm của kiểm soát viên và kiểm toán nội bộ; tiếp tục hoàn thiện cơ chế quản trị và kiểm soát DN bảo đảm công khai, minh bạch, đúng pháp luật về các nguồn đầu tư, tài chính, mua sắm, phân phối thu nhập và tuyển dụng, bổ nhiệm, bãi miễn, đãi ngộ lãnh đạo DN và người lao động gắn với kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN.
Đặc biệt, cần sớm nhận diện, xử lý kịp thời và nghiêm khắc cả về tài chính, hành chính và hình sự các lãnh đạo, người đại diện phần vốn nhà nước tại DN không nghiêm túc thực hiện, hoặc thực hiện không đúng quy định, sai mục đích, kém hiệu quả, gây thất thoát, thua lỗ vốn và tài sản của Nhà nước trong quá trình sắp xếp, CPH, thoái vốn nhà nước tại DN và nhiệm vụ được giao trong quản lý, điều hành DN.
Đồng thời, tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, xử lý vướng mắc trong quá trình thực hiện các phương án sắp xếp, đổi mới DNNN và đề án sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả công ty nông, lâm nghiệp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt…
Thực tế cho thấy, quá trình sắp xếp, đổi mới và CPH DNNN chỉ được đẩy nhanh, đúng hướng và đạt hiệu quả cao nhất khi và chỉ khi có đột phá cơ chế phù hợp trên tinh thần thượng tôn pháp luật, bảo đảm nguyên tắc thị trường và xử lý hài hòa lợi ích, trong đó thật sự coi trọng mục tiêu phát triển bền vững quốc gia.
Ông Dominic Scriven - CEO Quỹ Dragon Capital nói rằng, nhà đầu tư nước ngoài cực kỳ quan tâm đến quá trình cổ phần hoá tại Việt Nam. Theo ông D.Scriven, Chính phủ Việt Nam đang mạnh tay giảm rõ nét vai trò của Nhà nước trong hoạt động kinh tế mà thay vào đó là để cho doanh nghiệp làm. Chính phủ đã “cởi trói” khi tạo khả năng để thành phần kinh tế tư nhân làm những gì mà họ có thể làm được. |