Những sứ giả tinh thần tại Đức
Dành những ngày đầu tiên trong chuyến công du CHLB Đức vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm kiều bào với mong muốn cộng đồng người Việt Nam tại Đức phát huy tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau trong cuộc sống, giữ gìn truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc, ngôn ngữ cho các thế hệ thứ hai, thứ ba; tiếp tục là cầu nối hữu nghị giữa hai dân tộc, đồng thời là sứ giả tinh thần của Việt Nam tại Đức.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với kiều bào tại Đức.
Những người nhập cư thành công
Cộng đồng người Việt Nam tại Đức hiện có trên 170.000, con số này sẽ tiếp tục gia tăng và đây là con số không hề nhỏ, bởi hòa nhập được vào xã hội Đức không dễ. Là một trong những quốc gia xét duyệt hồ sơ định cư khó nhất thế giới, người nhập cư muốn vào Đức phải trải qua nhiều vòng xét duyệt khác nhau. Ban đầu sau khi hồ sơ được chấp thuận, sau khi ổn định chỗ ăn, ở trong các nhà đón tiếp, từ 3-6 tháng đầu tiên, họ sẽ được giúp đỡ học tiếng Đức.
Tuy nhiên, nếu để tìm được việc làm chính thức ở Đức, người nhập cư phải đáp ứng được những điều kiện vô cùng ngặt nghèo mà thời gian ngắn nhất để được thừa nhận và chấp thuận sống ở Đức phải từ 3-5 năm. Nếu không họ sẽ bị trục xuất khỏi Đức. Khó khăn như vậy nên đó là lý do khiến không phải người nhập cư nào cũng có thể trụ lại ở Đức. Thế nhưng người Việt thì khác.
Báo chí ở Đức đã từng có nhiều bài viết về “phép lạ Việt Nam”, về “những người nhập cư thành công”- những người nhập cư đến từ Đông Nam Á gương mẫu, chí thú, hiếu học, im lặng hòa nhập và không gây ra một vấn đề gì cho nước Đức. Không chỉ báo chí, các nhà chính trị cũng thường nhấn mạnh rằng người Việt Nam đã hòa nhập vào xã hội Đức một cách tuyệt vời.
Chia sẻ lý do tại sao người Việt lại làm nên những điều tuyệt vời như thế tại Đức, bà Lương Thủy, một nhân viên công tác xã hội ở trường Barnim Gymnasium tại Berlin - Lichtenberg cho biết, các thế hệ người Việt tại Đức rất cần cù, chịu khó, thế hệ thứ nhất chí thú làm ăn và dồn hết tiền của của mình cho con cái và cho việc học hành của chúng.
Cha mẹ người Việt răn dạy con em mình rằng chúng phải học từ sáng đến tối. Tốt nhất là học cả vào cuối tuần để đổi đời. Nhiều trẻ em trong gia đình người Việt rất sợ mang điểm xấu về nhà, sợ không đáp ứng được kỳ vọng của bố mẹ”.
Đối với nhiều phụ huynh Việt Nam, việc quan trọng nhất đối với họ là chu cấp đầy đủ cho con cái về mặt vật chất. Chính vì thế mà họ làm việc rất nhiều. Họ muốn tạo cho con cái mọi điều kiện có thể ở nước Đức. Nhờ đó tỉ lệ lao động trí óc của kiều bào ở Đức ngày càng tăng nhanh, tất nhiên sự cần cù, chịu khó của họ đã được nước sở tại đánh giá rất cao.
Gìn giữ bản sắc văn hóa nguồn cội
Muốn trụ lại ở Đức, bạn phải nói được tiếng Đức mới tìm được việc làm. Tiếng Đức không hề dễ với những người lớn tuổi, nhưng với thế hệ thứ 2, thứ 3 tiếng Đức là ngôn ngữ chính của họ. Thế nên, để con trẻ nói được tiếng Việt, để họ không mất gốc là điều cũng chẳng dễ dàng.
Anh Trường Giang người Việt ở Đức khi nói về việc duy trì tiếng nói dân tộc trong mỗi gia đình người Việt Nam tại Đức cho biết: Ở Đức, có nhiều lớp dạy tiếng Việt ở thành phố lớn. Gia đình nào quan tâm thì các cháu nói tốt, còn bố mẹ bận mải công việc thì việc dạy con giữ gìn ngôn ngữ tiếng nói cũng có nhiều khó khăn. Nhiều khi bố mẹ bận con cái cũng không đến được các lớp tiếng Việt thường xuyên.
Cô giáo Nguyễn Lan Hương chia sẻ, áp lực công việc nên nhiều gia đình không có thời gian truyền dạy tiếng cội nguồn cho con. Nhưng muốn gìn giữ tiếng nói dân tộc nơi xứ người, các bậc làm cha làm mẹ phải là người truyền dạy cho con trẻ.
Trẻ con đến trường, ra xã hội chúng giao tiếp bằng tiếng Anh, Đức nhưng chắc chắn về nhà các cháu phải nói tiếng Việt. Tất nhiên, việc dạy sẽ linh hoạt, có thể qua giao tiếp, thơ ca, nhạc họa. Nếu mỗi gia đình có ý thức truyền dạy cho con, chúng sẽ biết nói tiếng Việt.
Với mỗi người Việt Nam, giống như cô giáo Hương Lan, gia đình là nhân tố quan trọng trong việc gìn giữ phong tục tập quán, tiếng nói cho con em mình. Chính vì vậy, ngoài thời gian đi làm, các ông bố, bà mẹ vẫn cố gắng giúp các em, thế hệ trẻ sinh ra ở Đức duy trì những sinh hoạt truyền thống từ ăn uống, lễ hội đến ngôn ngữ.
Bà Trần Thị Phương, người Việt sống ở Đức mấy chục năm chia sẻ: Bên này lễ truyền thống, hội truyền thống của người Việt rất lớn. Tổ chức cho các cháu Tết, ngày Trung thu, 1 tháng 6, lớn nhất của nước Đức. Chúng tôi gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc rất tốt, thông qua tổ chức Tết cho người Việt. Chúng tôi thường xuyên luyện tập nói với các con bằng tiếng Việt Nam.
Khối đại đoàn kết không trọn vẹn nếu thiếu kiều bào
Chứng minh bản lĩnh Việt Nam nơi xứ người, hòa nhập sâu vào nước sở tại đồng thời không quên nguồn cội là một trong những thành công lớn của người Việt Nam ở nước ngoài. Mới đây, trong chuyến công du tại Đức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá cao vai trò của cộng đồng người Việt tại Đức trong việc góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Đức.
Thủ tướng bày tỏ vui mừng khi chứng kiến cộng đồng người Việt ở Đức với hơn 170.000 người đang ngày càng chứng tỏ là một trong những cộng đồng hội nhập vào nước sở tại thành công nhất và có nhiều người Việt thành đạt trong các lĩnh vực kinh doanh, khoa học - công nghệ, giáo dục.
Thủ tướng biểu dương và cảm ơn bà con người Việt tại Đức đã có những hoạt động thiết thực hướng về quê hương, gắn kết cội nguồn, giữ gìn bản sắc dân tộc, làm cho các bạn bè Đức hiểu biết nhiều hơn về Việt Nam.
Thủ tướng nhấn mạnh, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận máu thịt không thể tách rời của dân tộc Việt Nam; khẳng định Đảng và Nhà nước rất quan tâm, chăm sóc, bảo vệ lợi ích cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Theo Thủ tướng, khối đại đoàn kết toàn dân tộc không thể trọn vẹn nếu thiếu cộng đồng người Việt Nam tại nước ngoài.
Thủ tướng bày tỏ tin tưởng bằng những tình cảm chân thành hướng về cội nguồn, cộng đồng Việt Nam tại Đức sẽ tiếp tục đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội chung của Tổ quốc, giúp xây dựng Việt Nam vững mạnh, hòa bình và có vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế.