Công tâm vì doanh nghiệp

Duy Khang (thực hiện) 16/07/2017 10:10

61.000 doanh nghiệp thành lập mới và 15.000 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 6 tháng đầu năm 2017 là những con số khá ấn tượng cho thấy những chuyển biến rõ rệt trong môi trường kinh doanh hiện nay. Có được điều này là nhờ những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ với hàng loạt các động thái nhằm “cởi trói” thủ tục hành chính, tạo lực đẩy cho khu vực kinh tế tư nhân. Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, muốn tăng trưởng bền vững, nhất định phải xây dựng khu vực kinh tế

Bà Phạm Chi Lan.

PV:Số liệu thống kê cho biết, 6 tháng đầu năm 2017 có nhiều doanh nghiệp (DN) thành lập mới và nhiều DN quay trở lại hoạt động. Liệu đây có phải là một tín hiệu tốt từ sự quyết tâm của Chính phủ trong mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh hiện nay, thưa bà?

Bà Phạm Chi Lan: Không phủ nhận những nỗ lực của Chính phủ trong việc cải thiện môi trường kinh doanh đã làm thay đổi môi trường kinh doanh rất nhiều theo hướng tốt lên, điều này được thể hiện ở số DN thành lập mới trong 6 tháng đầu năm 2017, lên đến hơn 61 ngàn DN.

Nếu tính cả số DN phục hồi trong thời gian này, tổng số DN thành lập mới và phục hồi là trên 76 ngàn DN. Tuy nhiên, nếu nhìn vào con số 15.000 DN phục hồi trong 6 tháng đầu năm 2017 so với 70.000 DN ngừng hoạt động trong năm 2016, thì số ngừng hoạt động vẫn cao hơn số phục hồi rất nhiều.

Đây là điều rất đáng phải xem xét, thông thường chúng ta chỉ khen về con số mới thành lập và con số mới phục hồi, nhưng không tính trừ đi số DN đã rút ra khỏi thương trường là một con số không nhỏ.

Tôi cho rằng, việc quan trọng nhất lúc này là thực hiện các cam kết Chính phủ đã có mà Thủ tướng rất tâm huyết từ Nghị quyết 19 đến Nghị quyết 35 để gỡ khó và tạo điều kiện cho DN phát triển.

Trong xu thế nền kinh tế hội nhập hiện nay, điều đáng buồn là, các nước trên thế giới đang tìm mọi cách để tạo thuận lợi cho sự phát triển của DN thì Việt Nam lại vẫn ở thế “ngược dòng” khi còn đang loay hoay gỡ khó, cải thiện môi trường kinh doanh cho DN.

Nhìn vào con số tăng trưởng, có thể thấy rõ khoảng cách tăng trưởng giữa quý I và quý II đã được kéo giãn do nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ, vậy điều này có tạo niềm tin cho DN từ nay đến hết năm không, thưa bà?

- Vấn đề cơ bản nhất là tập trung thực hiện những cải cách cần thiết như tái cơ cấu lại nền kinh tế, đặc biệt với DN nhà nước (DNNN), hệ thống ngân hàng, đầu tư công…

Tất cả đều phải được “siết lại” một cách kiên quyết, để từ đó có thêm cơ hội cho khu vực kinh tế tư nhân và DN nhỏ và vừa (DNNVV) phát triển. Chỉ khi khu vực DN này phát triển mới có thể tạo ra khả năng tăng trưởng bền vững cho đất nước.

Bà đánh giá thế nào về vai trò của khu vực kinh tế tư nhân hiện nay, thưa bà?

- Ở bất kỳ quốc gia nào cũng đều coi kinh tế tư nhân là động lực của nền kinh tế. Do vậy, tôi cho rằng, hướng đến nền kinh tế tư nhân bây giờ không còn sớm, song cũng chưa phải là quá muộn.

Và cần phải nhớ rằng, đây là lĩnh vực xương sống của nền kinh tế, do đó không chỉ từ nay đến cuối năm mà về lâu dài nền kinh tế Việt Nam phải dựa vào khối DN tư nhân và DNNVV, kể cả DNNN nhưng với điều kiện DNNN phải cải cách để kinh doanh có hiệu quả hơn. Khối DN trong nước phải là nền tảng chính quyết định sự phát triển của nền kinh tế.

Ý của bà là, vai trò của DNNN lâu nay vẫn mờ nhạt?

- Tôi không phủ nhận vai trò của DNNN, bởi khối này đang sở hữu nguồn lực lớn của đất nước, chỉ cần cải thiện một phần cũng có thể làm nền kinh tế “bật lên” rất nhanh. Theo tính toán, tài sản của khối DNNN khoảng 300 tỷ USD, DN tư nhân khoảng 200 tỷ USD. Nếu 300 tỷ USD tăng 1% thì đã có thêm 3 tỷ USD cho nền kinh tế, còn khối tư nhân tăng 1% thì có thêm 2 tỷ USD.

Như vậy, khối DNNN vẫn đang nắm giữ tài sản rất lớn, nếu khối DN tư nhân muốn cải thiện mà khu vực DNNN vẫn ì trệ thì chỉ có được phần nhỏ nhoi 2 tỷ USD của khối DN tư nhân.

Tuy nhiên, có một thực trạng các cơ quan quản lý nhà nước vẫn đang gây khó khăn cho DN tư nhân và DNNVV nhiều hơn là tạo điều kiện, hỗ trợ. Với những DN tư nhân lớn còn “dễ thở”, bởi họ đã có sẵn tiềm lực và mối quan hệ tốt với các cơ quan quản lý, kể cả thân hữu thì không bị nhũng nhiễu.

Nhưng với DN tư nhân và DNNVV là khối tạo ra nhiều công ăn việc làm mà không nhận được được sự hỗ trợ tốt từ chính sách thì sẽ vô cùng khó khăn. Bên cạnh đó, có một phận DN nữa cũng rất đáng được quan tâm, đó là khối DN siêu nhỏ, đây cũng là khu vực tạo ra nhiều công ăn việc làm.

Tôi đồng ý về tầm quan trọng của những khối DN này, nhưng chỉ “nhìn nhận” và sẻ chia thì chưa đủ, điều quan trọng là những người chịu trách nhiệm thực hiện các chính sách của Chính phủ phải làm việc công tâm và vì DN, Chính phủ phải thật mạnh tay với những “công thần” này, nếu không tất cả những lời hứa cải thiện môi trường kinh doanh cũng chỉ là khẩu hiệu.

Vậy theo bà, bằng cách nào để có thể gỡ khó, tháo bỏ rào cản cho cho cộng đồng DN, khu vực kinh tế tư nhân, đặc biệt các DNNVV hiện nay?

- Về chính sách không cần ban hành thêm, điểm lại từ nghị quyết của Đảng, luật pháp do Quốc hội ban hành, nghị định, chính sách của Chính phủ…đã có rất nhiều và khá đầy đủ.

Điều đáng tiếc là phần tốt nhất trong các nghị quyết, nghị định lại chưa được cấp dưới thực hiện nghiêm túc, dẫn đến hiệu lực gần như không có. Ở đây thể hiện kỷ cương pháp luật của chúng ta còn bộc lộ nhiều lỏng lẻo.

Nếu ai đó đặt vai trò của DNNVV và DN tư nhân có thể trở thành trụ cột của nền kinh tế hay không, tôi đánh giá 2 khối này sẽ dần chiếm lĩnh và giữ vai trò trụ cột, vấn đề chỉ còn là thời gian.

Vì hiện nay khối DN này đang chịu 2 sức ép từ DNNN và DN FDI, nhưng sớm hay muộn thì nền kinh tế cũng phải dựa vào DNNVV, DN tư nhân vì đây là khu vực tạo ra nhiều công ăn việc làm và bám sát thực tiễn đất nước.

Trân trọng cảm ơn bà!

Duy Khang (thực hiện)