Chuẩn bị tham dự SEA Games 29: Nơm nớp lo doping
Từ trước tới nay, VĐV Việt Nam chủ động dùng doping là chuyện hiếm. Nhưng việc dùng doping một cách thụ động do hiểu biết còn hạn chế lại là một vấn đề hoàn toàn khác. Trước SEA Games 29, vấn đề doping lại trở nên rất nóng, bởi với con số gần 500 VĐV tham dự, chúng ta mới chỉ biết chắc chắn vài chục trường hợp có sử dụng chất cấm hay không, qua việc kiểm tra ngẫu nhiên.
Nhiều VĐV Việt Nam dính doping một cách vô tình.
Kiểm tra … cho có
Theo yêu cầu từ BTC SEA Games 29, đoàn Việt Nam dự kiến kiểm tra doping khoảng 30 mẫu. Trong số này sẽ có một số VĐV chủ chốt như Nguyễn Thị Huyền (đương kim vô địch châu Á 2017, 3 HCV SEA Games 28) hay Nguyễn Thị Ánh Viên (8 HCV SEA Games 28)… Đây là những VĐV thường xuyên đạt thành tích cao tại các giải quốc tế, vì vậy theo lãnh đạo đoàn, việc lấy mẫu doping của họ là thao tác gần như bắt buộc và rất bình thường trong thể thao.
“Vấn đề doping cũng rất nhiều rủi ro, đôi khi chỉ là sơ ý trong ăn uống chứ không hẳn do động cơ từ phía VĐV. Vì vậy chúng tôi yêu cầu rà soát kỹ, cập nhật danh mục để HLV, VĐV các đội tuyển nắm được, tránh mắc trường hợp đáng tiếc nào", Trưởng đoàn Trần Đức Phấn chia sẻ.
Mới đây, để chuẩn bị cho SEA Games 29, Trung tâm Doping và Y học thể thao Việt Nam đã chuẩn bị các phương án kiểm tra ngẫu nhiên các VĐV. Trong 40 mẫu thử được tiến hành tại các Trung tâm HLTTQG, có 25 mẫu dành cho VĐV đang chuẩn bị SEA Games 29.
Con số này quá khiêm tốn so với tổng 470 VĐV Việt Nam dự SEA Games, nhưng thể thao Việt Nam lại không thể làm hơn do chi phí rất đắt đỏ (300 USD/mẫu). Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng từng cho biết, kinh phí là một trong những vấn đề lớn, khiến cho công tác xét nghiệm doping của chúng ta gặp nhiều khó khăn.
Thực tế, trong quá khứ Việt Nam vẫn có những trường hợp bị phát hiện có chất cấm trong máu, đáng chú ý là VĐV Ngân Thương (TDDC), Hoàng Anh Tuấn (cử tạ)… Tuy nhiên, họ đều không có ý dùng doping mà dính một cách vô tình. Lý do bởi thể thao Việt Nam chưa có một đội ngũ chuyên gia dinh dưỡng riêng cho các đội tuyển.
Điều này khiến cho các VĐV vẫn luôn mơ hồ về khái niệm doping. Họ không biết làm thế nào để tránh những chất cấm trong quá trình sinh hoạt, từ việc dùng thuốc cho đến các sản phẩm thực phẩm chức năng hay dinh dưỡng.
Căng thẳng nước rút
Khoảng thời gian 1 tháng trước SEA Games luôn được xác định vô cùng căng thẳng, bởi đây là thời điểm ngành thể thao tập trung toàn lực, các đội tuyển chạy nước rút, còn nhà quản lý thì lo đủ công tác hậu cần, kế hoạch tập huấn, thi đấu, di chuyển... Tất cả sự chuẩn bị ấy, tác động trực tiếp tới thành tích của đoàn thể thao Việt Nam ở đấu trường khu vực trong ít ngày tới đây.
Kể từ đầu tháng 7, tức là trước ngày khai mạc SEA Games 29 khoảng hơn 1 tháng, trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia (Nhổn) chính thức “cấm trại”. Các VĐV không được phép tự ý ra khỏi trong tâm mà không có lý do chính đáng, được các HLV hay quản lý xác nhận. Nội bất xuất, ngoại cũng bất nhập khi ngay cả báo chí cũng chỉ được phép vào trung tâm chiều thứ 6 hàng tuần.
Theo Giám đốc trung tâm Phạm Mạnh Hùng, việc cấm trại là theo thông lệ ở các kỳ đại hội lớn. Thực tế đây là quy định bắt buộc, bởi trong giai đoạn rất nhạy cảm này, các VĐV không được phép mất tập trung. Đó là chưa kể nếu không quản lý chặt, VĐV có thể trốn ra ngoài ăn uống, chơi bời, thậm chí có thể bị tai nạn giao thông.
Trưởng đoàn Trần Đức Phấn cho biết, thời điểm này là giai đoạn nước rút, các đội tuyển đều đang tích cực tập luyện, tập huấn. Công tác hậu cần cũng được các trung tâm và lãnh đạo đoàn chuẩn bị kỹ lưỡng, giúp VĐV có điều kiện cơ sở vật chất đầy đủ và yên tâm trước giờ tranh tài SEA Games 29.
Về di chuyển, đoàn cũng tính phương án thuê máy bay riêng chuyên chở các thành viên đoàn tới Malaysia. Tuy nhiên sau khi tính toán, đoàn quyết định đi máy bay thương mại.
Có một khó khăn rất lớn mà ông Phấn chia sẻ, đó là SEA Games năm nay không có làng VĐV, nên toàn bộ 100% các thành viên đoàn Việt Nam sẽ phải thuê khách sạn. Đại bản doanh của đoàn Việt Nam dự kiến đóng tại khách sạn 5 sao Berjaya Times Square, trung tâm thủ đô Kuala Lumpur (Malaysia). Hiện tại, việc ăn ở, đi lại đã được tính đến sao cho phù hợp với từng bộ môn.
“Bên cạnh vấn đề kinh phí lớn, thì việc thuê được khách sạn đủ tiêu chuẩn, ở gần nơi thi đấu và có an ninh tốt, đang thực sự khiến chúng tôi đau đầu. Gần 700 người chứ có ít gì đâu, đó là kế hoạch tập luyện, thi đấu và rất nhiều công việc quan trọng khác đang được gấp rút chuẩn bị”, ông Phấn lo lắng.
Được biết, đoàn thể thao Việt Nam sẽ làm lễ xuất quân vào ngày 8/8, sau đó sẽ chia thành nhiều tốp di chuyển sang Malaysia. Các VĐV đang tập huấn ở nước ngoài, cũng sẽ tới Malaysia trong thời gian sớm nhất để có sự chuẩn bị tốt.