Phân biệt sốt xuất huyết, sốt phát ban
Sốt xuất huyết đang hoành hành dữ dội tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, song nhiều phụ huynh không biết cách phân biệt căn bệnh nguy hiểm với các loại sốt thông thường.
Theo Bộ Y tế, sốt xuất huyết là bệnh do muỗi truyền và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Tại Việt Nam, hiện lưu hành 4 tuýp virus sốt xuất huyết do virus Dengue gây ra. Bệnh lây qua trung gian muỗi vằn và không có miễn dịch chéo nên một người có thể mắc nhiều tuýp.
Do miễn dịch được tạo thành sau khi mắc bệnh chỉ có tính đặc hiệu đối với từng tuýp nên một người có thể mắc bệnh 2-3 lần. Muốn phân biệt được bệnh, cần phải theo dõi quá trình sốt, đồng thời nhận biết các dấu hiệu đặc biệt để phát hiện và điều trị kịp thời.
TS Nguyễn Minh Tuấn- Trưởng khoa sốt xuất huyết, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM) cho biết SXH thường khởi phát sau 3-6 ngày từ khi bị muỗi truyền virus.
Triệu chứng ban đầu gồm sốt cao 39-40 độ C; đau đầu vùng thái dương; mỏi các cơ, khớp; nôn mửa; ở trẻ em có thể kèm đau bụng, rát họng. Sau đó, xuất hiện chấm xuất huyết dưới da. Dấu hiệu gợi ý bệnh chuyển nặng là triệu chứng đau bụng và nôn ói nhiều, sốc, tay chân lạnh, chảy máu cam, chảy máu chân răng, vết bầm tím chỗ tiêm, đi cầu phân đen do xuất huyết nội tạng…
Sốt siêu vi: Biểu hiện ban đầu giống với sốt xuất huyết, sốt từng cơn, thân nhiệt cao 38-39 độ C, có lúc 40-41 độ C. Khi sốt siêu vi, đầu và cơ thể có cảm giác đau mỏi, sau đó chảy nước mũi, hắt hơi, họng đỏ, viêm đường hô hấp; khu vực quanh cổ - mặt - đầu thường có dấu hiệu sưng to; mắt đỏ và chảy nước.
Sốt phát ban: Hầu hết bắt đầu bằng triệu chứng sốt cao từng cơn (39-40 độ C). Sau đó ho, đau họng, chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi, mệt mỏi; các hạch khu vực đầu, mặt, cổ thường sưng to, đau, có thể nhìn hoặc sờ thấy. Hầu hết từ ngày thứ 4 trở đi, người bệnh sẽ hết sốt, ăn được, da có thể nổi ban 3-5 ngày rồi lặn.
Ngoài ra, bệnh còn có triệu chứng nổi ban đỏ giống sốt xuất huyết. Để phân biệt, dùng ngón tay cái và trỏ cùng bên căng vùng da quanh nốt phát ban. Nếu thấy chấm đỏ mất đi, buông tay ra thì chấm đỏ hồi phục ngay, là sốt phát ban. Còn nếu vẫn thấy chấm li ti, hoặc sau 2 giây màu đỏ mới xuất hiện lại, là sốt xuất huyết.
Nếu thấy sốt 2-3 ngày dù không có triệu chứng liên quan đến sốt xuất huyết (bầm máu dưới da, ho ra máu, đi tiêu ra máu...), thì vẫn phải dè chừng. Tốt nhất nên chủ động thăm khám để bác sĩ xét nghiệm máu và chẩn đoán bệnh.