Bất chấp nguy hiểm, hàng chục hộ dân quay lại sống vùng sạt lở
3 tháng sau khi tỉnh An Giang công bố tình trạng khẩn cấp, đồng thời di rời gấp rút 106 hộ dân ra khỏi vùng sạt lở nguy hiểm tại xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới hồi tháng 4/2017, hàng chục hộ dân buộc phải bất chấp nguy hiểm, quay trở lại vùng sạt lở để sinh sống vì khu dân cư vượt lũ mà tỉnh chủ trương xây dựng để di dời những hộ dân này vẫn nằm trên giấy.
Nhiều người dân quay lại sinh sống khu vực sạt lở bất chấp nguy hiểm.
Sau hơn 3 tháng xảy ra vụ sạt lở nghiêm trọng nhất tỉnh An Giang từ trước tới nay, chúng tôi quay trở lại xã Mỹ Hội Đông để tìm hiểu về cuộc sống của những hộ dân bị ảnh hưởng bởi vụ sạt lở kinh hoàng.
Có 2 điểm di dời tạm những hộ dân bị ảnh hưởng bởi vụ sạt lở, chúng tôi có mặt tại Trường Tiểu học “A” Mỹ Hội Đông, nơi đây có khoảng hơn chục hộ dân được cho mượn tạm 2 hay 3 phòng học để sinh sống, tranh thủ thời gian trường đang nghỉ hè.
Bà Tạ Hồng Cúc (47 tuổi) là nạn nhân của vụ sạt lở, mặc dù nhà chưa bị sạt lở xuống sông nhưng đang nằm trong tình trạng báo động. Hơn 3 tháng quá gia đình bà có 7 người đang sống tạm tại trường, mọi sinh hoạt từ ăn, ngủ, cúng bái cũng đều gói gọn trong căn phòng học chật chội, thiếu thốn đủ thứ.
Bà Cúc cho biết: “Gia đình tôi không có đất đai sản xuất, nên từ hôm xảy ra sạt lở cho đến nay tôi được địa phương vận động di dời và bố trí sống tạm trong trường này để chờ khi nào xây xong khu dân cư vượt lũ sẽ sắp xếp cho chúng tôi vào trong đó sinh sống. Tuy nhiên tôi và nhiều hộ dân ở trong này lo lắng từ khi xảy ra sạt lở đến nay đã hơn 3 tháng qua nhưng chưa thấy dự án triển khai hay xây dựng gì. Tôi đang lo mẹ già tôi hiện đã 72 tuổi rất yếu, rất muốn tìm được chổ ở ổn định, cho bà nghỉ ngơi, chứ ăn nhờ ở đậu bức bối dữ lắm”.
Qua trao đổi với bà Cúc cũng như một số hộ dân đang sống tạm ở trường này, họ đều lo lắng khi mà thời gian nghỉ hè đã gần hết, các em trở lại đi học, phải di dời đi nơi khác không lẽ chiếm chỗ của tụi nhỏ hoài.
Một số hộ dân do không chịu được cảnh sống tạm bợ đành phải quay lại khu vực sạt lở để sinh sống bất chấp nguy hiểm đang chực chờ.
Như bà Phan Thị Kim Tươi (48 tuổi) nhà cách điểm sạt lở 15m là hộ bắt buộc phải di dời nay đành phải dọn đồ lại để sinh sống, bà Tươi chia sẻ: Do không còn nhà nào để ở nên sau hôm sạt lở, chính quyền vận động di dời tôi đành phải dựng tạm cái lều trên cái nền bỏ hoang cách đó không xa để làm chỗ che mưa, nắng cho cha già nay đã 92 tuổi ở tạm. Ở vậy chứ sinh hoạt bất tiện lắm tội ông già quá buộc lòng phải quay trở về nhà cũ ở “liều mạng” luôn chứ biết sao, chủ yếu để có chỗ nấu cơm, giặt giũ. Buổi tối không dám ngủ lại, sợ đêm có chuyện gì xử lý không kịp.
Ông Tô Văn Ngào chồng bà Tươi tiếp lời: Thấy chính quyền bảo xây dựng khu tái định cư mà chờ mãi không thấy đâu. Cả gia đình đang ngóng từng ngày để có thể dời nhà về trên đó ở, có đất cất tạm cái ngủ tạm cũng yên tâm nữa.
Cách đó không xa, bà Nguyễn Kim Trinh (45 tuổi), đang loay hoay chất đống củi chuẩn bị đem đi bán lấy tiền trang trải, gặp chúng tôi bà Trinh buồn bả nói: Sau khi xã vận động di dời khẩn vì sợ bị sạt lở, tôi đi ngay nhưng được khoảng 2 tháng đành quay trở về nhà ở, đến nay cũng được hơn một tháng rồi. Do trước có buôn bán củi, ăn rồi ở không 2 tháng không có tiền chi tiêu nên đành quay lại. Buổi ngày thì ở vậy chứ đêm đâu có dám ngủ ở nhà đâu, sợ sạt lở tiếp xử lý không kịp, nên tối xuống dưới ghe ngủ cho chắc ăn.
Người lớn trẻ em vẫn đi lại nơi rất nguy hiểm.
Theo bà Trinh, đến thời điểm này đã có khoảng 15 hộ dân không chịu được cảnh ăn ở tạm bợ đành phải quay trở lại vùng sạt lở để sinh sống bất chấp nguy hiểm đang chực chờ.
Trong khi đó 16 ngôi nhà, hộ dân cuốn trôi ở vụ sạt lở đã được bố trí nơi ăn chốn ở tạm tương đối ổn định thì hàng chục hộ dân khác nằm trong vùng bị ảnh hưởng vẫn phải ở tạm bợ trường học và ở một ngôi chùa gần đó. Những hộ dân này mong muốn chính quyền địa phương sớm xây dựng khu dân cư vượt lũ để người dân có chỗ ở ổn định.
Trao đổi với phóng viên, về tiến độ thực hiện dự án tái định cư bị chậm trễ, ông Lâm Quang Thi, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết: “Dự án khu dân cư vượt lũ chậm tiến độ là do thiếu cát. Vì dự án nạo vét thông luồng ở Cù Lao Giêng đã vướng phải sự phản ứng của người dân nên tỉnh đã tạm cho dừng nạo vét.
Hiện nay, việc tìm nguồn cát khác cũng đang gặp nhiều khó khăn. Trong khi chủ trương của tỉnh không cho cấp phép khai thác cát mới.
Ông Thi cho biết thêm: Dự kiến khoảng 3 tháng nữa, dự án sẽ hoàn thành. Hiện đã cho bơm cát, lực lượng chức năng đang khẩn trương triển khai. Đối với một số hộ dân trở về nơi sạt lở sinh sống tỉnh đã yêu cầu địa phương vận động người dân không nên quay trở lại vì đây là vùng đặc biệt nguy hiểm, không đảm bảo an toàn.
Tỉnh sẽ khẩn trương làm khu dân cư sớm cho người dân và đã cân đối nguồn cát cho khu dân cư Mỹ Hội Đông, cụ thể sẽ lấy cát ở một số mỏ cát đang khai thác trên địa bàn tỉnh, ưu tiên công trình khẩn cấp ở Mỹ Hội Đông...
Qua quan sát của chúng tôi, từ khi xảy ra vụ sạt lở kinh hoàng khiến 16 căn nhà bị cuốn trôi, nhưng đến nay chính quyền vẫn chưa có động thái hay có biện pháp ngăn chặn để tránh tình trạng tiếp tục sạt lở ở khu vực này.
Rất mong cơ quan chính quyền sớm có biện pháp, phòng chống hay ngăn chặn sạt lở tiếp tục xảy ra. Nếu không sớm ngăn chặn tình trạng sạt lở tiếp ở khu vực này sẽ diễn ra khốc liệt hơn…