Bỏ hạn mức tín dụng: Dựa trên thực lực ngân hàng
Chỉ tiêu tín dụng của ngành ngân hàng năm 2017 là 18%. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã cấp “quota” tín dụng xuống từng ngân hàng thương mại, có ngân hàng 14%, có ngân hàng hơn 14%, nhưng mặt bằng chung là dừng ở con số 16%. Liệu biện pháp này có còn thích hợp nữa hay không? Nhiều kiến nghị đưa ra, NHNN cần bỏ biện pháp hành chính cấp mức tín dụng?
Giảm lãi suất sẽ đem lại cơ hội cho nhiều đối tượng kinh tế.
Hạn mức tín dụng được NHNN đưa ra vào đầu năm và căn cứ vào sức khỏe, cũng như thể trạng của từng ngân hàng. Việc cấp hạn mức tín dụng đã được NHNN áp dụng năm 1994 nhằm kiểm soát tăng trưởng tín dụng quá đà. Chính sách này đã bị bãi bỏ năm 1998. Đến năm 2011, biện pháp hành chính này lại được NHNN tái sử dụng do tín dụng giai đoạn đó tăng trưởng quá nóng.
Phía NHNN nhà nước cho biết, thời điểm này tín dụng đang tăng cao hơn so với cùng kỳ những năm 2015 - 2016. Điều này đã hỗ trợ tích cực cho sản xuất, kinh doanh trong điều kiện giải ngân vốn đầu tư công chưa được đẩy mạnh những tháng đầu năm. Hiện nhiều ngân hàng đang tích cực đẩy mạnh cho vay. Theo báo cáo của Uỷ ban Giám sát Tài chính Quốc gia, tín dụng tháng 6 tiếp tục tăng trưởng tích cực. Ước tính đến hết tháng 6/2017, tín dụng tăng gần 8% so với cuối năm 2016.
Giới chuyên gia cho biết, tín dụng tăng cao nhất trong vòng 6 năm trở lại đây. Đặc biệt, tín dụng tăng nhanh chủ yếu trong những tháng của Quý II cho thấy quyết tâm của Chính phủ trong việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng. Có nhiều câu hỏi được đặt ra vậy có cần tiếp tục giới hạn tín dụng tới từng ngân hàng; nên quản lý hệ thống bằng phương pháp thị trường thay vì hành chính?
Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, trong bối cảnh hiện nay nên bỏ việc giao chỉ tiêu tín dụng đối với từng ngân hàng thay vào đó sẽ kiểm soát chặt chẽ các nhà băng bằng hệ số an toàn vốn CAR. Bởi, tử số của hệ số này chính là vốn chủ sở hữu và mẫu số là tín dụng và đầu tư, theo đó, kiểm soát được hệ số này thì sẽ khả thi hơn và không mang tính hành chính quá nhiều.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Thành nhận định, trái ngược với năm 2016, tín dụng trong nửa đầu năm 2017 tăng trưởng nhanh trong khi tăng trưởng huy động giảm khiến chênh lệch huy động - tín dụng bị đẩy lên cao. Tuy nhiên, tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công khiến lượng tiền gửi của Kho bạc Nhà nước vào hệ thống ngân hàng thương mại gia tăng. Qua đó, thanh khoản trên thị trường vẫn dồi dào giúp giảm áp lực lên mặt bằng lãi suất.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, thay vì quản con số tín dụng NHNN nên giám sát chất lượng tín dụng, đảm bảo vốn chảy đến khu vực sản xuất kinh doanh. Phía cơ quan quản lý khẳng định, sẽ tiếp tục tập trung nguồn vốn cho các lĩnh vực ưu tiên, đặc biệt là nông nghiệp, nông thôn. Luôn luôn chú ý gắn tăng trưởng với đảm bảo chất lượng tín dụng; cạnh tranh lành mạnh, nhất là về lãi suất; thực hiện tiết kiệm chi phí để có điều kiện giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp. Thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của NHNN về tăng cường các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng.