Khủng hoảng Vùng Vịnh: Nhóm Bộ Tứ thất bại trong việc cấm vận Qatar
Arab Saudi và UAE dẫn đầu khối cấm vận đang hiệp lực gia tăng trừng phạt đối với Qatar, nhưng dường như các nỗ lực này không thể giúp họ đạt được mục đích. Thay vào đó, nó càng khiến quan hệ giữa Qatar với các thế lực khu vực như Thổ Nhĩ Kỳ và Iran thêm phần thắt chặt.
Cấm vận đã đẩy Qatar tới gần hơn với các thế lực trong khu vực như Thổ Nhĩ Kỳ và Iran. (Nguồn: Reuters).
Hiện nay, dù đã lôi kéo được nhiều nước trong khu vực cấm vận Qatar, nhưng Arab Saudi vẫn không thể có sự ủng hộ của Oman và Kuwait - hai quốc gia cũng là thành viên của Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC).
Các chuyến hàng cung ứng thực phẩm cùng nhiều mặt hàng khác vẫn dồn dập đổ tới các cảng biển và sân bay của Qatar. Và dù Mỹ đang đưa ra thông điệp lẫn lộn, các nhà ngoại giao của họ dường như đang thúc đẩy đàm phán tái hòa giải giữa các nước Vùng Vịnh, thay vì ủng hộ đồng minh Arab Saudi.
“Trong lúc đang tham chiến tại Yemen, Arab Saudi và UAE dường như quá tự tin vào chiến thắng của họ trong cuộc khủng hoảng này mà không hề có kế hoạch B trong trường hợp mọi chuyện không đi đúng hướng họ mong muốn” - Marc Lynch, chuyên gia phân tích Trung Đông, ĐH George Wahsington, nhận định.
Hồi cuối tuần qua, tờ Washington Post đăng tải bài viết khiến cho khối cấm vận Qatar càng chịu điều tiếng hơn. Bài viết này dẫn lời một số quan chức tình báo giấu tên của Mỹ cho rằng UAE đã giật dây vụ tấn công mạng nhằm vào các hãng tin chính phủ và website mạng xã hội của Qatar, khơi dậy cuộc khủng hoảng Vùng Vịnh.
Sau vụ tấn công mạng hồi tháng 5, bất chấp lời trần tình của Qatar rằng họ chỉ là nạn nhân, Arab Saudi, UAE, Bahrain và Ai Cập lập tức cắt đứt quan hệ với chính quyền Doha và áp đặt lệnh trừng phạt với nước này.
Trong một tuyên bố phản ứng trước thông tin của tờ Washington Post, Đại sứ UAE tại Washington, Yousef al-Otaiba, đã bác bỏ thông tin trên.
“UAE không liên qua tới vụ tấn công mạng như trong bài viết nêu” - ông al-Otaiba nói - “Điều có thực chính là thái độ của Qatar. Rót vốn, ủng hộ những kẻ cực đoan từ Taliban cho tới Hamas… khơi dậy bạo lực, khuyến khích chủ nghĩa cực đoan và làm ảnh hưởng tới sự ổn định của các nước láng giềng”.
Đây không phải lần đầu tiên mà những lời đồn thổi và ám chỉ gây nên căng thẳng ở khu vực Vùng Vịnh. Năm 2014 từng chứng kiến một nguồn thông tin giả nói rằng công dân Arab Saudi và UAE bị cấm cửa khỏi Harrods, một cửa hàng dưới khu chung cư nằm ở thủ đô London (Anh) được sở hữu bởi một quỹ đầu tư của Qatar.
Giới phân tích cho rằng cuộc khủng hoảng hiện tại bắt nguồn từ những bất đồng và căng thẳng lâu dài giữa Qatar và các nước láng giềng. Những bất đồng này bao gồm cáo buộc Qatar hậu thuẫn cho nhiều phe phái trong các cuộc xung đột từ Syria cho tới Libya, xung quanh kênh truyền thông al-Jazeera của Qatar mà Arab Saudi muốn đóng cửa.
Quan trọng hơn là Qatar mong muốn đi theo con đường ngoại giao khác biệt so với các nước láng giềng, muốn là nơi có các văn phòng chính trị đại diện cho các tổ chức như Taliban và Phong trào Hamas để họ có thể đóng vai trò trung gian hòa giải các cuộc xung đột trong khu vực.
“Doha đã trở thành nhà của dòng chiến binh ngoại lai, các nhà lý luận và các nhà tài phiệt, một thành phố trung lập khiến chúng ta nhớ lại hình ảnh Vienna (Áo) trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh” - Declan Walsh, cây viết của tờ New York Times, nhận định.
Hiện nay, cuộc khủng hoảng giữa các nước thuộc Vùng Vịnh vẫn tiếp diễn theo hướng căng thẳng. Hồi tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã thực hiện hàng loạt chuyến thăm tới Kuwait, Qatar và Arab Saudi với nỗ lực gaimr thang căng thẳng. Tất cả các nước này đều là đồng minh của Mỹ - Qatar có căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ tại Trung Đông - và bởi vậy mà Mỹ mong muốn tất cả các bên giảng hòa, tập trung hơn cho cuộc chiến chống phiến quân IS thay vì hiềm khích lẫn nhau.
Tuy nhiên các nỗ lực của Washington dường như chưa mang lại một bước đột phá nào cả, trong khi tình hình tiếp tục trở nên căng thẳng hơn.
Hôm đầu tuần, UAE lên tiếng bác bỏ các cáo buộc liên quan tới vụ tấn công mạng, trong khi Arab Saudi phản bác bằng cách dẫn lại một bình luận của Tổng thống Mỹ Donald Trump trên Twitter, trong đó ông từng lên án Qatar. Điều này cũng cho phản ánh rõ sự lẫn lộn trong cách tiếp cận khủng hoảng Vùng Vịnh giữa Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ.
Tiếp đó, trong hôm 18/7, Ai Cập tuyên bố sẽ ngừng chương trình miễn thị thực cho công dân Qatar nhằm trừng phạt chính quyền Doha vì ủng hộ chủ nghĩa khủng bố. Quyết định này sẽ có hiệu lực từ ngày 19/7, và không bao gồm các sinh viên đang theo học tại các trường ĐH của Ai Cập hoặc con em của công dân Ai Cập.
Trong khi đó, cùng ngày, Thổ Nhĩ Kỳ - nước đã sát cánh cùng Qatar kể từ khi cuộc khủng hoảng bắt đầu - tiếp tục nhắc lại cam kết ủng hộ chính quyền Doha. Ankara cho hay họ sẽ tiếp tục tăng cường hiện diện quân sự tại Qatar bất chấp nsự chỉ trích từ nhóm Bộ Tứ cấm vận.
“Việc xây dựng quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại đó vẫn sẽ tiếp tục, nhằm bảo vệ biên giới và an ninh của Qatar” - Ilnur Cevik, cố vấn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, nói với hãng tin Bloomberg.