‘Bác sĩ ơi! Giờ chỉ còn cách đưa chồng tôi về nhà chờ chết thôi à’

PV 18/07/2017 20:47

Chiều 17/7, bệnh nhân nam Nguyễn Văn V. (48 tuổi ở Bắc Kim Nỗ, Đông Anh) được gia đình xin về trong tình trạng hôn mê sâu, các bác sĩ tiên lượng tử vong.

Bệnh nhân ngộ độc methanol tại khoa Hồi sức tisch cực Bện viện E.

Trước đó, 21h tối 14/7, bệnh nhân được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện E trong tình trạng đau đầu nhiều, mờ mắt sau khi uống rượu. Người nhà cho biết, bệnh nhân nghiện rượu nhiều năm, hay uống rượu ở gần nhà (Xóm 3, Bắc Kim Nỗ, Đông Anh, Hà Nội).

Sau khi được hội chẩn tại khoa Cấp cứu, bệnh nhân được chuyển lên khoa Hồi sức tích cực trong tình trạng hôn mê sâu, suy hô hấp, suy tuần hoàn nặng. Các bác sĩ đã cho bệnh nhân thở máy, lọc máu cấp cứu, dùng thuốc giải độc nhưng bệnh nhân vẫn hôn mê sâu, suy đa tạng. Kết quả xét nghiệm cho thấy nồng độ methanol 229,2 mg/dL, vượt ngưỡng ngộ độc hơn 11 lần.

Đến 16h ngày 17/7, do ngộ độc quá nặng, bác sĩ điều trị thông báo tiên lượng tử vong, gia đình đã xin đưa bệnh nhân về nhà.

Trong tuyệt vọng, vợ bệnh nhân liên tục hỏi: “Bác sĩ ơi! Giờ chỉ còn cách đưa chồng tôi về nhà chờ chết thôi à?”

Bệnh nhân V. được gia đình xin về trong tình trạng hôn mê sâu, tiên lượng tử vong.

TS. BS. Vũ Đức Định - Trưởng Khoa Hồi sức tích cực - Bệnh Viện E cho biết, trong vòng 1 tháng qua, Khoa đã tiếp nhận và điều trị 3 trường hợp ngộ độc cấp methanol với mức độ rất nặng. Trong đó một ca đã tử vong tại bệnh viện, một ca tiên lượng tử vong, gia đình đã xin về sau khi được bác sĩ giải thích tình trạng bệnh. Bệnh nhân nhẹ nhất trong 3 trường hợp thì cũng ra viện với di chứng nặng nề về thần kinh và thị lực (Bệnh nhân đã bị giảm và mất thị lực hoàn toàn).

Liên quan đến sự việc, sau khi nhận được thông tin, Sở Y tế Hà Nội đã chỉ đạo các đoàn kiểm tra xuống bệnh viện lấy thông tin và truy xuất nguồn gốc rượu liên quan đến bệnh nhân ngộ độc methanol tại khu vực Đông Anh.

Methanol là một loại cồn công nghiệp, không dùng để uống. Độc tính của methanol cao, nguy hiểm, gây tổn thương nặng nhiều cơ quan và rất dễ tử vong. Tại Việt Nam, bệnh nhân ngộ độc methanol thường do uống phải rượu được pha trộn với cồn công nghiệp bán lậu hoặc trôi nổi ngoài thị trường. Bệnh nhân ngộ độc methanol có khả năng được cứu sống nếu uống với số lượng ít, được chẩn đoán và xử trí kịp thời, tích cực.

PV