Bảo tồn, phát huy di sản Phật giáo Trúc Lâm

Đức Quỳnh 19/07/2017 08:00

Là tôn giáo do Phật Hoàng Trần Nhân Tông khai mở, phát triển, hơn 700 năm qua, Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử (Phật giáo Trúc Lâm) với tinh thần nhập thế đã luôn đồng hành cùng dân tộc, thể hiện rõ nét qua các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể được lưu giữ. Đó là kim chỉ nam trong mọi hoạt động “Lợi đạo ích đời” của những người con đất Việt, đã hòa vào dòng chảy văn hóa của nhân loại.

Du khách tham quan vườn tháp Yên Tử.

Hiện tại, di sản văn hóa Phật giáo Trúc Lâm bao gồm di sản văn hóa vật thể như: cảnh quan thiên nhiên, chùa, thiền viện, tĩnh, am, các pho tượng, di vật… và di sản văn hóa phi vật thể như: Lễ hội, giáo lý, phương pháp tu thiền của Phật giáo Trúc Lâm…

Ngược dòng lịch sử, vào thế kỷ XIII, Vua Trần Nhân Tông, vị minh quân của dân tộc ta sau khi làm tròn trách nhiệm với đất nước, Ngài xuất gia tu hành, sáng lập Thiền phái Trúc Lâm. Với tinh thần nhập thế, Phật giáo Trúc Lâm đã dễ dàng thâm nhập vào đời sống xã hội, trở thành tôn giáo vừa gánh vác việc đời vừa hoàn thành tốt chức năng với đạo và chúng sinh.

Người tu hành sống vì đời, hòa nhập với đời nhưng vẫn có thể giác ngộ được niết bàn. Chính điều đó đã góp phần to lớn tạo nên sức mạnh Đại Việt, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc để đánh thắng giặc, xây dựng đất nước thành một quốc gia hùng mạnh. Nói đến Phật giáo Trúc Lâm là nói đến những ngôi chùa cổ: Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn, Hoa Yên hay hệ thống kinh, sách, mộc bản cổ… Trong đó, mộc bản kinh Phật Trúc Lâm (chùa Vĩnh Nghiêm) là mộc bản gốc của Phật giáo Trúc Lâm còn lưu giữ được.

Giá trị văn hóa của Phật giáo Trúc Lâm còn được thể hiện rõ nét trong không gian truyền thống của ngôi chùa, thiền viện; từng bộ phận kiến trúc, từng hiện vật, đồ thờ tự đều là những tác phẩm đạt tới đỉnh cao của giá trị nghệ thuật.

Công tác gìn giữ phát huy di sản Phật giáo Trúc Lâm trong những năm qua đã đạt được nhiều thành tựu. Nhiều di tích chùa, tĩnh, am… đã được tu bổ, tôn tạo hoặc xây mới như: Khu di tích, danh thắng Yên Tử (Uông Bí), chùa Quỳnh Lâm (Đông Triều)…

Đặc biệt với chủ trương phục hưng Thiền phái, sau ngày đất nước thống nhất, Hòa thượng Thích Thanh Từ đã đứng ra vận động xây dựng nhiều thiền viện trong cả nước như: Trúc Lâm Trí Đức (Đồng Nai), Trúc Lâm Yên Tử (Quảng Ninh), Trúc Lâm Tây Thiên (Vĩnh Phúc), Trúc Lâm Bạch Mã (Thừa Thiên - Huế)…

Thế nhưng, thực tế cho thấy, thời gian qua đã xảy ra nhiều hiện tượng gây bức xúc xã hội liên quan đến công tác này. Đó là tình trạng xâm hại di tích, lấy cắp đồ thờ tự; vai trò định hướng, phân cấp quản lý của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương nhiều nơi còn sơ hở, chồng chéo; việc bảo tồn, tu tạo di sản chưa có sự phân công trách nhiệm rõ ràng giữa các cơ quan chức năng; ở một số nơi còn diễn ra tình trạng trùng tu tuỳ tiện, làm sai lệch yếu tố gốc...

Trên cơ sở nghiên cứu thực trạng bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Phật giáo Trúc Lâm, tác giả xin đưa ra một số giải pháp, kiến nghị như sau:

Thứ nhất, các cơ quan chức năng cần sớm xây dựng, trình Thủ tướng phê duyệt Chiến lược bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam; trong đó nhấn mạnh việc bảo tồn di sản phải kết hợp chặt chẽ với phát triển kinh tế, xã hội, du lịch, bảo vệ môi trường và ngược lại, phát triển phải kết hợp chặt chẽ với bảo tồn. Hoàn chỉnh hệ thống văn bản pháp luật về bảo tồn, tu tạo, xã hội hóa hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị của di sản…

Thứ hai, áp dụng thành tựu khoa học, kỹ thuật hiện đại vào bảo tồn và phát huy giá trị các di sản Phật giáo Trúc Lâm như: Xây dựng phần mềm quản lý hệ thống dữ liệu, sử dụng vật liệu hiện đại trong tu bổ, xây mới các hạng mục trong quần thể di sản; xây dựng trang thông tin điện tử quảng bá đối với di sản tiêu biểu, có vị trí quan trọng trong đời sống của nhân dân…

Thứ ba, mỗi di sản văn hóa Phật giáo Trúc Lâm đều gắn với một địa phương hay một cộng đồng nhất định. Do đó, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục các chức sắc, tín đồ và nhân dân ý thức tự giác trong việc bảo vệ, phát huy giá trị của di sản, lòng tự hào đối với di sản;

Thứ tư, tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động bảo tồn, tôn tạo và khai thác giá trị di sản; thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, xử lý nghiêm hành vi phá hoại giá trị di sản; chú trọng bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cán bộ quản lý, bảo tồn và phát huy di sản.

Thứ năm, đề nghị Bộ VHTT&DL sớm hoàn thiện hồ sơ đề nghị Unesco công nhận Phật giáo Trúc Lâm là di sản thế giới và Phật Hoàng Trần Nhân Tông là Danh nhân văn hóa thế giới.

Đức Quỳnh