Lương tối thiểu vẫn phải rượt đuổi mức sống tối thiểu
“Đừng đánh giá đời sống công nhân hiện nay trên bàn giấy mà hãy đến những khu nhà trọ để xem họ sống thế nào. Chúng ta không thể đánh tráo khái niệm giữa “tiền lương” và “tiền lương tối thiểu”, viện cớ năng suất lao động thấp để kéo lùi mức sống tối thiểu, đẩy người lao động ngày càng khó khăn hơn”- Đó là khẳng định của PGS.TS Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn với báo Đại Đoàn Kết.
PGS.TS Vũ Quang Thọ.
PV: Trước khi bước vào kỳ họp Hội đồng tiền lương Quốc gia năm nay, Viện Công nhân và Công đoàn Việt Nam đã có đợt khảo sát về thực tế đời sống công nhân. Vậy, trong đợt khảo sát vừa rồi con số nào đáng lưu ý nhất, thưa ông?
PGS.TS Vũ Quang Thọ: Tôi nghĩ rằng Viện Công nhân và Công đoàn theo chỉ đạo của Thường trực Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đã tiến hành khảo sát tương đối công phu, kịp thời cung cấp những số liệu cần thiết để Hội đồng tiền lương Quốc gia xem xét vào đầu tháng 7 vừa qua.
Con số mà chúng tôi cho rằng ấn tượng đó là công nhân lao động với mức tăng mà Chính phủ đã quyết định ở năm 2016 sang năm 2017 được 7,3% có cải thiện nhất định về đời sống nhưng nhìn tổng thể lương, thu nhập và các khoản khác của công nhân lao động vẫn còn thấp so với thực tế.
Cụ thể, nhu cầu của công nhân lao động mới đạt khoảng 73%. Do vậy, chúng tôi vẫn tiếp tục theo đuổi Hội đồng tiền lương Quốc gia cho đến khi nào giải quyết được nhu cầu tối thiểu của công nhân lao động mới thôi.
Theo khảo sát của Viện Công nhân và Công đoàn về đời sống công nhân tại 3 miền Bắc – Trung – Nam, công nhân có lương và thu nhập đáp ứng được những nhu cầu tối thiểu, có nghĩa là có bao nhiêu ăn hết bấy nhiêu chiếm tới 60%. Khoảng 30% rơi vào hoàn cảnh thiếu thốn, lấy cái hôm nay đắp vào cái ngày mai. Nếu chẳng may họ gặp phải rủi ro thì lập tức gia đình công nhân rơi vào cảnh nghèo.
Thưa ông, việc Tổng LĐLĐ Việt Nam đưa ra con số tăng lương 13,3% nhưng phía doanh nghiệp lại nói con số này quá lớn và quá sức chịu đựng của họ, ông đánh giá thế nào về việc này?
- Tôi thất vọng ở con số mà họ đưa ra. Họ nói rằng, đời sống công nhân hiện nay rất khó khăn. Họ nói tăng trưởng của doanh nghiệp là nhờ công nhân lao động. Công nhân lao động có phấn khởi, có tin tưởng, hăng hái làm việc thì doanh nghiệp mới có kết quả tăng trưởng này. Thế mà cuối cùng họ chỉ đưa ra con số quá thấp như thế. Ở trong cuộc họp tiền lương vừa rồi, DN đề nghị năm 2018 không tăng lương.
Sau đó dưới sức ép từ phía Tổng LĐLĐ Việt Nam họ nói rằng nếu có thì tăng khoảng 3-4% thôi. Nói chung là dưới 5%. Trong khi đó Tổ kỹ thuật của Hội đồng tiền lương Quốc gia đề nghị là khoảng trên 6%. Tôi đã nói luôn trong cuộc họp, kể cả 6% cũng vẫn là rất thấp.
Theo đề xuất tăng 13,3% của Tổng LLĐLĐ Việt Nam, mức lương tối thiểu mới đạt 4,2 triệu đồng/tháng đối với vùng I. Trong bối cảnh xã hội hiện nay, với mức thu nhập 4,2 triệu đồng/tháng mà nằm ở vùng I, liệu người lao động có thể có một cuộc sống đúng nghĩa hay không và liệu có ai đủ khả năng nuôi gia đình hay không?
Đời sống công nhân còn gặp nhiều khó khăn do đồng lương eo hẹp.
Đây là câu hỏi Hội đồng tiền lương Quốc gia cần phải có khảo sát cụ thể để tránh việc cứ mỗi phiên họp tăng lương tối thiểu lại xảy ra câu chuyện “kỳ kèo” với người lao động. Đừng đánh giá đời sống công nhân thông qua bàn giấy mà hãy đi đến những khu nhà trọ của công nhân xem thực tế đời sống họ khó khăn thế nào.
Việc tăng lương chắc chắn sẽ được tăng vào năm nay. Ông dự đoán nó sẽ được tăng khoảng bao nhiêu %?
- Tôi cho rằng nếu không đạt được mức tăng do Tổng LĐLĐ Việt Nam đề ra có nghĩa mức lương bằng với nhu cầu sống tối thiếu sẽ kéo dài ra và kéo dài càng lâu thì đời sống công nhân lao động lại càng khó khăn hơn. Lương tối thiểu vẫn phải “rượt đuổi” nhu cầu sống tối thiểu.
Hiện nay, theo con số gần đây nhất mà chúng tôi khảo sát được thì mức tăng trưởng kinh tế của đất nước hiện nay đạt 6,5%. Sở dĩ có mức tăng này là có sự đóng góp của công nhân được phản ánh qua năng suất lao động. Cái này không phải chúng tôi phát minh ra mà là tiêu chí đánh giá của ILO (Tổ chức lao động quốc tế tại Hà Nội) đề xuất và được các bên đều thừa nhận. Chính phủ đã tăng lương tối thiểu 7,3%. Trừ 7,3% này đi, còn lại là tỷ lệ mà Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đề xuất trong phiên họp vừa qua là 13,3%.
Nếu như con số 13,3% được phê duyệt thì mức tăng này sẽ đáp ứng như thế nào trong cuộc sống của người lao động, thưa ông?
- Nếu đạt con số 13,3%, có nghĩa mức lương tối thiểu đã ngang bằng với mức sống tối thiểu. Chúng tôi đề xuất với Hội đồng Tiền lương Quốc gia cố gắng đến năm 2018 phải đạt được mức này. Hội đồng Tiền lương Quốc gia cũng chỉ còn xét 2 thông số còn lại đó là CPI (mức tăng giá) và hai là GDP (năng suất lao động) để điều chỉnh tiền lương nhằm thỏa mãn đời sống của người lao động. Trước hết phải đảm bảo mức sống tối thiểu đã rồi mới bàn đến chuyện năng suất và việc làm.
Trân trọng cảm ơn ông!
Mỗi kỳ họp tăng lương, đại diện cho phía doanh nghiệp luôn “cò kè bớt một thêm hai”, khi đề xuất những mức tăng rất thấp. Kỳ họp Hội đồng tiền lương Quốc gia vừa qua, trong khi Tổng LĐLĐ Việt Nam (LĐLĐ) Việt Nam đề xuất tăng 13,3%, thì đại diện phía doanh nghiệp mặc dù không đưa ra con số cụ thể nhưng chỉ muốn tăng dưới 5%. |