Gánh nặng môi trường chăn nuôi

T.Hằng 19/07/2017 09:00

Ngành chăn nuôi Việt Nam hiện đang có xu hướng chuyển dịch từ quy mô nông hộ sang chăn nuôi tập trung và mang tính hàng hóa với quy mô. Song cũng từ đây, ô nhiễm môi trường tại các vùng chăn nuôi ngày càng trở nên nghiêm trọng.

47% các hộ dân không có biện pháp xử lý chất thải trong chăn nuôi.

Hiện nay, trên cả nước tỷ lệ các các trang trại áp dụng các biện pháp kỹ thuật xử lý chất thải trong chăn nuôi chỉ chiếm 33%, có đến 47% các hộ dân không có bất kỳ biện pháp xử lý chất thải trong chăn nuôi.

Theo thống kê của Bộ NN&PTNT về chăn nuôi, cả nước hiện có khoảng 12 triệu hộ gia đình có hoạt động chăn nuôi và 23.500 trang trại chăn nuôi tập trung. Trong đó, phổ biến là chăn nuôi lợn (khoảng 4 triệu hộ), gia cầm (gần 8 triệu hộ) với tổng đàn khoảng 362 triệu con gia cầm, 29 triệu con lợn và 8 triệu con gia súc.

Mỗi năm khối lượng nguồn thải từ chăn nuôi ra môi trường là một con số khổng lồ, khoảng 84,5 triệu tấn chất thải rắn và 50 triệu m3 chất thải lỏng trong đó chỉ có khoảng 60% được xử lý. Chất thải của vật nuôi chứa nhiều chất độc hại như nitơ, phốt pho, kẽm, đồng, chì, asen… gây ô nhiễm trực tiếp cho không khí, đất, nước mặt, nước ngầm...

Bộ NN & PTNN cho biết, qua khảo sát thực tế ở Việt Nam, chăn nuôi quy mô trang trại và thâm canh, mặc dù có áp dụng biện pháp xử lý môi trường nhưng vẫn gây ô nhiễm nghiêm trọng. Việc quản lý môi trường chăn nuôi còn nhiều bất cập, bế tắc về công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi quy mô trang trại, thiếu sự quan tâm thỏa đáng của các cấp chính quyền, thói quen lao động chưa gắn chặt với việc bảo vệ môi trường…

Nhiều chủ trang trại cho biết, chăn nuôi quy mô lớn phải có hệ thống xử lý nước thải hoàn chỉnh, nhưng do kinh phí đầu tư không nhỏ (khoảng 20 - 30 tỷ đồng) nên rất ít trang trại có khả năng làm được.

Việc khắc phục triệt để vấn đề ô nhiễm môi trường vẫn đang là bài toán khó nhưng không phải không có lời giải. Giới chuyên gia cho rằng đối với các cơ sở chăn nuôi lớn, địa phương cần rà soát lại quy hoạch phát triển phù hợp với điều kiện sinh thái, số lượng, chủng loại để không gây quá tải. Cũng cần có chính sách hỗ trợ nông hộ xử lý chất thải chăn nuôi quy mô nhỏ hiệu quả hơn như sử dụng biện pháp khí sinh học, kết hợp các công nghệ xử lý.

Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNN), thời gian qua, các công trình khí sinh học đã được sử dụng rộng rãi như một giải pháp về môi trường đối với chăn nuôi. Tính đến hết năm 2016, trên cả nước có tổng số 467.231 công trình khí sinh học (KSH) đã được xây dựng. Chỉ riêng 3 tháng đầu năm 2017, có 286.000 công trình KSH được xây dựng trên toàn quốc.

Theo Viện chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp (Bộ NN&PTNN), việc sản xuất điện bằng khí biogas sẽ góp phần giảm phát thải CO2 khoảng 9,5 tấn/năm. Nếu sử dụng 10.000 bộ hệ thống KSH và máy phát điện, có thể giảm được 95.000 tấn khí thải CO2/năm. Việc này đóng góp đáng kể cho thực hiện chống biến đổi khí hậu của Việt Nam.

T.Hằng