Truyền hình trả tiền đạt hơn 13 triệu thuê bao trên toàn quốc
Thống kê của Bộ TT&TT cho thấy, tính đến hết tháng 6/2017, cả nước có 13,1 triệu thuê bao truyền hình trả tiền, trong đó có 82% thuê bao truyền hình cáp.
Ảnh minh họa.
Tính đến hết năm 2016, số thuê bao truyền hình trả tiền đạt 12,5 triệu thuê bao. Doanh thu truyền hình trả tiền năm 2016 đạt 12.000 tỷ đồng. Trong đó riêng SCTV đạt doanh thu 3.420 tỷ đồng.
Số lượng các doanh nghiệp truyền hình trả tiền cũng được quy hoạch lại, chỉ còn 16 doanh nghiệp (giảm 16 doanh nghiệp so với cuối năm 2016). Số lượng các doanh nghiệp truyền hình trả tiền giảm đi là do Bộ TT&TT tiến hành sắp xếp lại các doanh nghiệp truyền hình cáp nhỏ ở địa phương theo hướng mua bán, sáp nhập với các doanh nghiệp truyền hình cáp trên toàn quốc.
Hiện cả nước có 182 kênh chương trình phát thanh, truyền hình quảng bá (gồm 103 kênh truyền hình và 79 kênh phát thanh). Có 73 kênh truyền hình và 9 kênh phát thanh phát sóng trên hệ thống truyền hình trả tiền; 50 kênh truyền hình nước ngoài được cấp phép biên tập trên hệ thống truyền hình trả tiền.
Hiện có 32 đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền với 5 loại hình dịch vụ gồm truyền hình cáp (Analog, Truyền hình số, IPTV), truyền hình mặt đất kỹ thuật số, truyền hình trực tiếp qua vệ tinh, truyền hình di động và truyền hình qua mạng Internet.
Tính đến nay, số lượng thuê bao truyền hình trả tiền khoảng 13,1 triệu, trong đó số lượng thuê bao truyền hình cáp chiếm trên 82%. Con số này cho thấy, ngành truyền hình trả tiền vẫn đang có bước phát triển khá tốt.
Năm 2017 cũng là năm thị trường truyền hình trả tiền xuất hiện các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình OTT mới như: Vietnamnet ICOM hay Clip TV, bên cạnh những gương mặt lão làng trong lĩnh vực truyền hình như VTVcab, SCTV, AVG, VTC, HTVC, Hanoicab, VNPT, Viettel, K+.
Tuy nhiên, sự xuất hiện của truyền hình OTT và truyền hình di dộng đã khiến các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình khá “chật vật” trong việc duy trì thuê bao và doanh thu trong 6 tháng đầu năm 2017.