Tăng lương tối thiểu vùng 2018: Xem xét 3 phương án
Bộ phận kỹ thuật Hội đồng tiền lương quốc gia đưa ra 3 phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2018.
(Ảnh minh họa).
Theo dự kiến, ngày 20/7, Hội đồng tiền lương quốc gia sẽ họp phiên thứ 2 thương lượng về mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2018.
Trước đó, trong phiên thảo luận đầu tiên hồi đầu tháng 6/2017, nhiều phương án tăng lương tối thiểu vùng được đưa ra thảo luận. Căn cứ vào đời sống người lao động, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam đề xuất mức lương tối thiểu vùng năm 2018 sẽ tăng 13,3% so với năm 2017 (tăng từ 370.000 đồng lên 450.000 đồng). Trong khi đại diện giới chủ - VCCI cho rằng doanh nghiệp đang phải cạnh tranh gay gắt, sản xuất thu hẹp nên đề xuất mức tăng dưới 5% là hợp lý.
Bộ phận kỹ thuật Hội đồng tiền lương quốc gia đưa ra 3 phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2018. Cụ thể, với phương án 1 điều chỉnh bù mức tăng CPI (4%) và tăng thêm 1% theo mức tăng năng suất lao động. Theo đó, lương tối thiểu 2018 tăng từ 130.000 - 180.000 đồng, trung bình là 5%.
Phương án 2 điều chỉnh bù mức tăng CPI (4%) và tăng thêm 2% theo mức tăng năng suất lao động. Theo đó, lương tối thiểu 2018 tăng từ 160.000 - 220.000 đồng, trung bình là 6%.
Phương án 3 điều chỉnh bù mức tăng CPI (4%) và tăng thêm 2,8% theo mức tăng năng suất lao động. Theo đó, lương tối thiểu 2018 tăng từ 180.000 - 250.000 đồng, trung bình là 6,8%.
Sau các phiên họp ấn định mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2018, Hội đồng tiền lương quốc gia sẽ trình Chính phủ ban hành Nghị quyết tăng lương tối thiểu vùng sẽ áp dụng từ 1/1/2018.
Năm ngoái, lương tối thiểu vùng năm 2017 được chốt tăng 7,3% ( 180.000 - 250.000 đồng) sau hai phiên thảo luận của Hội đồng tiền lương quốc gia. Theo tính toán của bộ phận kỹ thuật, mức tăng này đáp ứng được khoảng 93% mức sống tối thiểu của người lao động.