Tổng thống Duterte dọa ngừng hòa đàm sau vụ phục kích ở Mindanao
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hôm 19/7 đã cảnh báo rằng ông có thể chấm dứt các cuộc đàm phán hòa bình với các nhóm nổi dậy, chỉ vài giờ sau khi một số phiến quân phục kích tấn công và làm bị thương một số vệ sỹ của ông.
Chiếc xe quân sự chở các vệ sỹ của Tổng thống Duterte bị phục kích ở thị trấn Aracan, Mindanao (Nguồn: AFP).
Các cố vấn của Tổng thống Duterte, 72 tuổi, may mắn không có trong đoàn xe quân sự khi những kẻ có vũ trang xả súng vào 2 trong số đoàn xe an ninh của Tổng thống khi đang di chuyển dọc một tuyến đường cao tốc trên đảo Mindanao, miền Nam Philippines, nơi mà thiết quân luật vẫn đang có hiệu lực.
Chính phủ Philippines sau đó cáo buộc tổ chức Quân đội Nhân dân Mới - một nhánh vũ trang gồm 4.000 thành viên - và cảnh báo rằng họ sẽ ngừng các vòng đàm phán hòa bình, từ khi nhóm vũ trang này chấm dứt các cuộc tấn công nhằm vào binh sỹ chính phủ ở miền Nam Philippines.
“Tổng thống đã ra chỉ đạo cho một ủy ban chính phủ ngừng nối lại các vòng đàm phán hòa bình chính thức, trừ khi những kẻ nổi dậy cam kết chấm dứt các tổ chức các vụ tấn công nhằm vào binh sỹ chính phủ ở Mindanao” - Một tuyên bố mà phủ Tổng thống Philippines đưa ra trong hôm 19/7, nêu rõ.
Theo người phát ngôn quân đội khu vực, ông Ezra Balagtey, một số tay súng của nhóm nổi dậy vũ trang nói trên vào lúc 6h00 (giờ địa phương) đã phục kích các thành viên của lực lượng bảo vệ tổng thống đang kiểm tra an ninh dọc tuyến quốc lộ ở thị trấn Arakan, tỉnh Bắc Cotabato thuộc đảo Mindanao trước thềm chuyến thăm của Tổng thống Duterte.
Các vệ sỹ bị thương đã được đưa tới một bệnh viện ở Arakan trong khi cảnh sát và binh lính được điều động truy bắt những kẻ tấn công đã lẩn trốn sau vụ nổ súng chớp nhoáng nói trên.
Vụ tấn công mới nhất này xảy ra trong lúc mà các lực lượng chính phủ ở đảo Mindanao đang chiến đấu chống lại các nhóm phiến quân thân tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, những kẻ đã tấn công và chiếm đóng thành phố Marawi từ ngày 23/5 đến nay.
Được biết, việc nhóm vũ trang thực hiện vụ tấn công phục kích này đã làm dấy lên tình trạng nổi dậy ở miền Nam Philippines suốt nhiều thập kỷ qua. Vụ tấn công này được cho là hành động phản đối việc ông Duterte có kế hoạch kéo dài thời gian áp dụng thiết quân luật tới cuối năm nay.
Hiện thiết quân luật kéo dài 60 ngày vẫn đang có hiệu lực ở Mindanao, là một phần của chiến dịch quân sự ở thành phố Marawi, tuy nhiên chính phủ của ông Duterte nói rằng họ cần thêm thời gian để hoàn thành nhiệm vụ này.
Nhóm nổi dậy vũ trang này được thành lập từ năm 1968 và giờ hoạt động chủ yếu là ở đảo Mindanao. Đây cũng là nhóm chịu trách nhiệm cho cái chết của khoảng 30.000 người.
Nhóm nổi dậy này vừa đồng ý tham gia đàm phán hòa bình với chính phủ Philippines kể từ khi ông Duterte lên làm Tổng thống hồi năm ngoái. Cả hai bên đều tuyên bố lệnh ngừng bắn đơn phương, nhưng các lệnh ngừng bắn kiểu này thường không kéo dài được lâu.
Tổng thống Duterte từng tạm ngừng các vòng đàm phán hòa bình chính thức hồi tháng 5 vừa qua sau khi cả hai bên không thể giải quyết tranh chấp liên quan tới việc lực lượng nổi dậy này chỉ thị cho các chiến binh dưới quyền gia tăng các vụ tấn công.
Trong nỗ lực phá vỡ thế bế tắc kéo dài suốt 2 tháng liền, Tổng thống Duterte đã lên kế hoạch cử các nhà đàm phán tới một địa điểm bí mật để thảo luận về một thỏa thuận ngừng bắn song phương, tuyên bố của chính phủ nước này cho hay.
Tuy nhiên họ cũng cảnh báo rằng, để nối lại các vòng hòa đàm thì các phe nổi dậy cần phải cam kết “ngừng các chiến dịch chống quân đội và cảnh sát chính phủ, và ngừng tất cả các hoạt động bắt cóc tống tiền”.
Một quan chức quân đội kỳ cựu ở Mindanao, Lữ đoàn trưởng Gilberto Gapay, cho hay nhóm nổi dậy có vũ trang này chính là tổ chức đứng đằng sau vụ tấn công phục kích nhằm vào các vệ sỹ của Tổng thống Duterte.
“Vụ tấn công này là một phần trong lời kêu gọi toàn quốc gửi tới các băng nhóm vũ trang khác chống lại việc áp đặt thiết quân luật. Và chúng thực hiện điều đó bằng cách tăng cường các vụ tấn công nhằm vào lực lượng chính phủ” - ông Gapay nói trên kênh phát thanh DZBB của Philippines.
Trước đó, hôm 18/7, phát ngôn viên của Tổng thống Philippines Duterte cho biết, ông đã yêu cầu Quốc hội tiếp tục gia hạn thiết quân luật ở đảo Mindanao cho đến cuối năm nhằm tận diệt tới cùng lực lượng phiến loạn thân IS.
Tổng thống Duterte từ lâu đã cảnh báo Mindanao phải đối mặt với sự đầu độc tư tưởng của IS. Các nhà phân tích an ninh Philippines cho biết, các phần tử Hồi giáo phía Nam Philippines là nền tảng màu mỡ cho các nhóm tôn giáo tự do tuyển dụng và thâm nhập. Lý do chủ yếu bởi đây là khu vực bị cô lập và bỏ rơi lâu đời ở Philippines.