Thừa Thiên - Huế: Sớm ổn định vị trí đặt mộ bà Tài nhân
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã quyết định phải di dời mộ bà Tài Nhân, vợ vua Tự Đức để khỏi ảnh hưởng tới dự án bãi đỗ xe tham quan di tích lăng Tự Đức và lăng Đồng Khánh ở phường Thủy Xuân, TP Huế.
Phó Giám đốc Sở VHTT Thừa Thiên - Huế Nguyễn Thiên Bình.
Ngày 19/7, trả lời Phóng viên báo Đại Đoàn Kết xung quanh việc nên hay không nên di dời mộ của bà Tài nhân họ Lê, thụy là Thục Thuận, vợ vua Tự Đức để khỏi ảnh hưởng tới dự án bãi đỗ xe tham quan di tích lăng Tự Đức và lăng Đồng Khánh ở phường Thủy Xuân, ông Tôn Thất Viễn Bào - Chủ tịch Hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc cho biết: “Ngày 11-7, HĐTS Nguyễn Phước Tộc đã gửi đơn kiến nghị lên UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế để yêu cầu giữ lại lăng mộ ở vị trí cũ nhưng đến nay chúng tôi vẫn chưa nhận được trả lời”. Ông Tôn Thất Viễn Bào khẳng định: “Đến khi có văn bản chính thức của UBND Thừa Thiên - Huế chúng tôi mới làm việc với UBND TP Huế”.
Trong khi đó, trả lời báo chí trong buổi họp báo thường kỳ diễn ra chiều 18/7, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Dung khẳng định: UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã quyết định phải di dời ngôi mộ và giao cho UBND TP Huế chủ trì thực hiện việc này.
Và ông Võ Lê Nhật, Phó Chủ tịch UBND TP Huế cũng khẳng định với chúng tôi: Ngày 18/7, Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Huế có tổ chức buổi làm việc với các đơn vị,ban ngành và đại diện HĐTS Nguyễn Phước tộc về việc khảo sát, thống nhất vị trí di dời lăng mộ bà Tài nhân họ Lê, thụy là Thục Thuận để thực hiện dự án bãi đổ xe. Tuy nhiên, Chủ tịch HĐTS Nguyễn Phước Tộc là ông Tôn Thất Viễn Bào không tham dự.
Như vậy là kể từ ngày 19/6, khi UBND Thừa Thiên Huế cho phép Công ty CP Tư vấn đầu tư Phát triển Chuỗi Giá Trị tiến hành san ủi mặt bằng nhằm triển khai dự án bãi đỗ xe phục vụ khách tham quan Lăng Tự Đức và Lăng Đồng Khánh tại phường Thủy Xuân (dự án có quy mô 1,5 ha trên khu vực nghĩa địa đã có từ nhiều đời) theo hình thức xã hội hóa, phát hiện ngôi mộ và bia mộ thì tranh cãi về việc tiếp tục đặt hay di dời ngôi mộ của bà Tài nhân chưa có sự thống nhất.
Trước khi di dời, Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Huế đã thông báo trên truyền hình, niêm yết công khai khu vực cộng đồng dân cư.
Đối với số mồ mả chưa có thân nhân kê khai, Trung tâm Phát triển Quỹ đất TP đã thông báo nhiều lần nhưng không có thân nhân đến nhận nên Trung tâm Phát triển Quỹ đất TP đề nghị Chủ đầu tư thực hiện các thủ tục cất bốc phần mồ mả và hiện chỉ còn 3 trường hợp thuộc dự án đang thẩm định điều chỉnh bổ sung giá trị bồi thường, hỗ trợ về đất.
Vì chưa giải quyết xong nên Trung tâm Phát triển Quỹ đất TP chưa xác nhận và bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư. Tuy nhiên, trong khi chưa nhận bàn giao mặt bằng cũng như chưa có đầy đủ thủ tục pháp lý về thuê đất và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì công ty đã tiến hành san ủi. Và sự việc này đã gây tranh cãi là có vi phạm xâm hại mồ mả hay không.
Ông Nguyễn Thiên Bình, Phó giám đốc Sở VHTT Thừa Thiên - Huế cho biết: sau khi rà soát lại toàn bộ hệ thống di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia, cấp tỉnh và danh mục 153 di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được UBND Thừa Thiên - Huế ra quyết định bảo vệ thì bia đá và ngôi mộ nêu trên không nằm trong danh sách các di tích được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xếp hạng, kiểm kê bảo vệ theo quy định của pháp luật hiện hành về Di sản Văn hoá.
Ông Bình nêu quan điểm: Bảo tồn để phát triển, bảo tồn không ngăn cản sự phát triển và phát triển để quay lại phục vụ công tác bảo tồn tốt hơn. Do đó, những cái gì mang giá trị thì cần ưu tiên giữ lại để bảo tồn, cái cần phải di dời để phục vụ phát triển kinh tế, chỉnh trang đô thị thì phải chấp nhận di dời, không thể chỉ vì một yếu tố theo các nhận định mà phải tạm hoãn dự án.
Trong quá khứ, tỉnh Thừa Thiên - Huế có một số di chỉ khảo cổ học có giá trị tầm cấp quốc gia và khu vực chứng minh cả một nền văn minh của đất nước thời kim khí nhưng phải khai quật để nghiên cứu và lựa chọn hiện vật có giá trị để bảo tồn và hoàn trả mặt bằng để phục vụ tuyến giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội (di chỉ Cồn Ràng, di chỉ Chân Mây); nhiều ngôi mộ có giá trị về kiến trúc, lịch sử và văn hóa tại Phú Bài, Hương Sơ, Thủy An, Thủy Biều... cũng phải di dời để phục vụ tái định cư và chỉnh trang đô thị. Còn Phó Chủ tịch UBND Thừa Thiên - Huế Nguyễn Dung nói: “Vua Tự Đức có 103 phi tần, chỉ có hoàng hậu được táng trong lăng, còn lại nằm rải rác trên nhiều địa bàn.
Không phải chỉ có vua Tự Đức mà Thừa Thiên - Huế còn có cả triều đại nhà Nguyễn với 13 vị vua, rồi các chúa Nguyễn, triều đại Tây Sơn, rồi các quan lại, đại thần các triều đại…
Theo đó có tới hàng chục ngàn ngôi mộ. Vậy chúng ta phải có cách ứng xử như thế nào vừa công bằng, vừa nhân văn nhưng cũng vừa đảm bảo phát triển kinh tế xã hội là điều lãnh đạo tỉnh rất trăn trở”.
Theo ông Nguyễn Phước An Hòa (một người trong dòng tộc Nguyễn Phước): Nên di dời ngôi mộ bà Tài nhân sang gần mộ bà Học Phi (cũng là vợ vua Tự Đức, gần vị hiện tại) vì không nên để ngôi mộ có 40 m2 giữa bãi đỗ xe rộng 17.000m2.