Cựu quan chức an ninh Mỹ: Cần có các cuộc thảo luận về Triều Tiên
Theo Asahi.com, cựu Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ, Phó Cố vấn an ninh quốc gia dưới thời Tổng thống Barack Obama, ông Tony Blinken cho biết sự khan hiếm thông tin về các lãnh đạo cấp cao của Triều Tiên là một lý do cần có một cuộc thảo luận quốc tế về khả năng sụp đổ của chế độ tại Bình Nhưỡng.
Ông Tony Blinken phát biểu trong một cuộc họp báo tại thủ đô Washington, DC.
Trong cuộc phỏng vấn riêng với báo Asahi Shimbun, ông Blinken dự đoán một sự sụp đổ có thể xảy ra tại Triều Tiên.
Ông cho biết khi còn làm việc cho Tổng thống Obama, ông đã có dịp tiếp xúc với người đồng cấp Trung Quốc để thảo luận về vấn đề này, tuy nhiên, phía Trung Quốc "chỉ nghe mà không thật sự muốn dính líu" vì gần như Bắc Kinh sẽ không muốn chống lại Triều Tiên.
Ông Blinken cũng cho hay, Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có vẻ như đang củng cố quyền lực bằng việc thanh lọc một số vị trí được cho là an toàn trong chính quyền của ông. Tuy nhiên, theo ông, chế độ tại Triều Tiên "vẫn có thể sụp đổ bất cứ lúc nào."
Cựu quan chức an ninh cho rằng điều quan trọng là các quốc gia cần có những cuộc thảo luận về việc phải làm gì khi những sự kiện như vậy dẫn tới sự sụp đổ của chế độ Kim Jong-un vì có những vấn đề quan trọng cần phải giải quyết như việc siết chặt các vị trí hạt nhân của Triều Tiên, việc triển khai quân đội từ các quốc gia khác nhau cũng như việc cai trị Triều Tiên sau khi chế độ cũ sụp đổ.
Khi mà Trung Quốc không quan tâm tới các cuộc thảo luận về vấn đề này, ông Blinken cho biết có một cách tiếp cận khác là tổ chức các cuộc thảo luận với Nhật Bản và Hàn Quốc nhằm thiết lập một kế hoạch cơ bản, sau đó đề nghị Trung Quốc tham gia.
Ông cũng chỉ ra tầm quan trọng của các biện pháp khác nhằm gia tăng khả năng hợp tác của Bắc Kinh trong việc giải quyết vấn đề vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng.
Một số biện pháp khác được ông Blinken đề cập là áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế riêng biệt lên các công ty Trung Quốc liên quan tới Triều Tiên, cũng như tăng cường hợp tác quốc phòng giữa Mỹ và Hàn Quốc, bao gồm việc triển khai toàn bộ Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại Hàn Quốc.