Thành phố Hồ Chí Minh: Bất cập về giao thông thông minh

Đoàn Xá 21/07/2017 09:15

Vấn đề cốt lõi của hệ thống giao thông thông minh là sự đồng bộ, kết nối, ăn khớp của tất cả các ứng dụng. Đây chính là thách thức với không chỉ riêng ở TP HCM mà còn là của nhiều đô thị khác ở nước ta.

Ảnh minh họa.

Là mục tiêu hướng tới của người dân và các nhà quản lý, mô hình giao thông thông minh với sự tham gia của những ứng dụng công nghệ khoa học hiện đại đang từng bước được áp dụng ở các đô thị lớn như TP HCM. Với hệ thống đèn tín hiệu, camera giám sát, biển báo, bản đồ điện tử cùng sự tham gia của các phương tiện công cộng thông minh như taxi uber, grab… mô hình này đang được nhiều đô thị lớn trên thế giới áp dụng. Thế nhưng, cũng không dễ dàng để đưa nó vào vận hành ở một đô thị như TP. HCM dù nơi đây đang hội tụ nhiều yếu tố để phát triển nó.

Ông Võ Khánh Hưng, Phó Giám đốc Sở GTVT cho biết, thời gian qua thành phố đã triển khai và đưa vào ứng dụng nhiều dự án giao thông thông minh như cập nhật tin tức, kẹt xe trên điện thoại. Đưa vào hệ thống giám sát camera nhiều tuyến đường, nút giao chính hay tiến hành ghi hình, phạt nguội các lỗi vi phạm qua camera giám sát… Đây là xu hướng không chỉ của ngành giao thông mà hầu như tất cả các lĩnh vực trong đời sống xã hội khác, khi mà ưu thế của những ứng dụng này đang được nhiều người dân đón nhận, với những tiện ích cực kỳ thiết thực.

Theo đề xuất của Sở GTVT TP HCM, ứng dụng giao thông thông minh ở thành phố tầm nhìn đến năm 2020 sẽ đạt được 10 mục đích, bao gồm: giám sát, điều khiển, cung cấp thông tin, hỗ trợ xử lý vi phạm, điều hành hệ thống công cộng, quản lý vận tải hàng hóa, hỗ trợ thông tin theo yêu cầu, quản lý tài sản kết cấu hạ tầng của giao thông. Và tất cả các thông tin trên đều được tự động cập nhật, theo dõi và kết nối với trung tâm xử lý, trước khi cung cấp ngược lại cho người dân tham gia giao thông.

Lúc này, người dân có thể biết được thông tin kẹt xe, lượng phương tiện xe cộ ở những tuyến đường bất kỳ, vào thời gian nào nhằm có những phán đoán di chuyển cần thiết. Hay các phương tiện vi phạm cũng sẽ được ghi lại, để lực lượng chức năng xử lý một cách dễ dàng.

Trong khi đó, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy Ban an toàn giao thông quốc gia cho biết, với vai trò là một trung tâm kinh tế xã hội lớn nhất cả nước, TP HCM đang từng bước đưa vào và làm chủ các ứng dụng giao thông thông minh.

Theo đó, từ hạ tầng cho tới các dịch vụ, những ứng dụng của khoa học công nghệ đều dần được thay thế, kết nối với nhau. Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi của hệ thống giao thông thông minh là sự đồng bộ, kết nối, ăn khớp của tất cả các ứng dụng. Đây chính là thách thức với không chỉ riêng ở TP HCM mà còn là của nhiều đô thị khác ở nước ta, vì hạ tầng chưa đồng bộ, đang trong giai đoạn phát triển, hoàn thiện.

Theo nhiều chuyên gia giao thông, ở TP HCM, các ứng dụng và vận hành hệ thống giao thông thông minh vẫn còn manh mún, chưa đồng bộ. Lấy ví dụ hệ thống camera giám sát hành trình hiện nay, nhiều nơi có nhưng thống kê chưa đầy đủ, chưa chính xác nên khi truyền dẫn thông tin về trung tâm xử lý của thành phố thì mất tính khách quan, dẫn đến kết quả dự báo sẽ không đúng.

Hay nhiều nơi hệ thống camera này chưa có, chưa đầy đủ, chưa hoạt động nên cũng không hoàn thiện được bức tranh giao thông của thành phố. Vì thế, hoạt động dự báo, ghi nhận hay thậm chí phạt nguội, tố giác tội phạm mà những camera này mang lại vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng đúng kỳ vọng ban đầu.

Đoàn Xá