Phim sitcom Việt: Mỏi mắt tìm phim hay
Phương án mua kịch bản từ nước ngoài rồi Việt hóa, phim sitcom Việt dù gia tăng về số lượng nhưng về mặt chất lượng, thể loại phim này vẫn chưa tạo được đột phá…
Gia đình vui nhộn, bộ phim sitcom đang được chú ý hiện nay.
Rộ mốt?
Sitcom hay phim hài tình huống là một thể loại hài kịch tập trung vào một số nhân vật cố định. Sitcom có nhiều tập với những tình huống hài hước được lồng ghép vào nội dung câu chuyện phim. Ban đầu nó có nguồn gốc sản xuất cho radio nhưng ngày nay sitcom chiếm sóng truyền hình. Tại Việt Nam, phim sitcom được manh nha từ năm 2004 với bộ phim “Lẵng hoa tình yêu”.
Suốt thời gian dài đó, dòng phim này phát triển khá âm thầm. Nhưng trong khoảng 2-3 năm trở lại đây lại bùng lên mạnh mẽ. Sự bùng nổ của sitcom có một nguyên nhân quan trọng là do phim truyền hình ngày càng thoái trào, chất lượng không đáp ứng nhu cầu khán giả. Sitcom với bản chất là hài tình huống (situation comedy) trở thành sự thay thế khá hợp lý và được ưa chuộng khi mang đến những câu chuyện giàu tính chất giải trí, thích hợp với mọi đối tượng khán giả, đặc biệt là đối tượng gia đình.
Hiện tại, phim sitcom có mật độ phủ sóng trên khắp các kênh sóng từ đài trung ương đến địa phương. Kênh VTV3 có thể kể đến: Sắc màu phái đẹp, Phụ nữ là số 1, Cư dân thông thái, Gia đình vui nhộn. Trên HTV đình đám nhất là Gia đình là số 1 cùng với Vợ chúa chồng tôi, Tiệm tóc tình yêu... Trước đó không lâu nhiều phim sitcom cũng vừa lên sóng, phải kể đến: Chuyện gì đang xảy ra, Nè biết gì chưa, Chiến dịch chống ế 1 và 2, Rắc rối là chuyện nhỏ...
Ngoài truyền hình, sitcom còn được phát hành cả trên các nền tảng internet và đây cũng là một “cuộc chiến” âm thầm giữa truyền hình và mạng xã hội. NSƯT Công Lý chia sẻ: “Hiện nay, các nhà sản xuất phim sitcom trên truyền hình đang “đau đầu” để cạnh tranh với các kênh phim trên Internet và mạng xã hội. Với ưu thế nhanh, gọn, lẹ, phim sitcom cũng được đông đảo bạn trẻ tìm trên Internet để xem. Với hàng chục ngàn đến triệu lượt người xem lại các phim sitcom đã khiến nhà sản xuất, nhà đài khấp khởi hướng đến việc khai thác lợi nhuận trên Internet. Hơn nữa, trên mạng xã hội, khả năng tương tác với khác giả cao, doanh thu quảng cáo nhiều nên nhiều đơn vị làm phim đã “nhanh tay, nhanh mắt” đã ký hợp đồng làm phim với Youtube hay trên Facebook để theo kịp trào lưu với nhiều phim sitcom trên thế giới…”.
Bên cạnh các phim sitcom do người Việt sản xuất, trào lưu mua lại bản quyền để thực hiện các bộ phim sitcom cũng là một xu thế tất yếu do thiếu vắng kịch bản chất lượng từ đội ngũ làm nghề trong nước. Hai bộ phim được quảng bá suốt thời gian qua là Gia đình là số 1 và Gia đình vui nhộn. Gia đình vui nhộn được phía BHD mua bản quyền từ Home Improvement của Mỹ trong khi Gia đình là số 1 là bản Việt của series đình đám High Kicks của Hàn Quốc. Thực ra trào lưu này cũng không mới vì cách đây gần 10 năm Cô gái xấu xí và Những người độc thân vui vẻ cũng được thực hiện theo hình thức này.
Hiểu lầm về tên gọi
Tuy nhiên bên cạnh sự gia tăng về số lượng thì xét về mặt thể loại, sitcom rất dễ nhầm lẫn với hài kịch truyền hình và thực tế ở Việt Nam hiện nay nhiều người vẫn đang ngộ nhận như vậy. Theo đạo diễn Văn Công Viễn: “Khi xem qua một số phim đã ra mắt tôi nghĩ nhiều phim chưa thể gọi là sitcom mà chỉ là dạng truyền hình hài bởi nó chưa đáp ứng được các quy chuẩn cơ bản của thể loại”.
Theo đạo diễn, đúng bản chất, mỗi tập phim sẽ phải xây dựng một tình huống trung tâm và từ đó phát triển câu chuyện với các chi tiết phục vụ cho chủ đề đó. Mang danh là một bộ phim sitcom nhưng nhiều đơn vị sản xuất không hiểu đang vô tình hay cố ý lừa khán giả bằng cách cứ cài cắm các câu chuyện hài vào và cho đó là sitcom. Sự đánh tráo về mặt khái niệm cộng với sự dễ dãi trong khâu kịch bản, chọn diễn viên, xây dựng tình huống truyện, dàn dựng bối cảnh... khiến thực tế hiện nay, hầu hết các phim sitcom Việt đều khá nhạt.
Đồng quan điểm này, nhà sản xuất phim Trần Ngọc Tuấn cho biết: “Có một thực tế là kịch bản phim sitcom hiện nay rất khan hiếm, tuy mỗi phim chỉ chiếu khoảng 15 phút nhưng làm thế nào để luôn có đề tài hay, làm khán giả cười mỗi ngày là điều rất khó, vì cười mãi một đề tài, sự kiện rồi cũng nhạt. Có một dạo, các nhà làm phim sitcom còn lấy cả những kịch bản của những sinh viên Đại học Sân khấu Điện ảnh vì thiếu người viết kịch bản phim. Tuy nhiên, cũng có khá nhiều kịch bản hay, nhưng nguồn kịch bản không có nhiều, các nhà làm phim vẫn đi đặt hàng kịch bản phim sitcom…”.
Bên cạnh đó, một yếu tố vừa là ưu cũng là nhược điểm của phim sitcom đó là thời lượng. Dù chưa có một quy chuẩn chính xác mỗi tập phim sitcom phải có độ dài bao nhiêu nhưng theo đạo diễn Văn Công Viễn nên dao động ở mức 20-30 phút để đảm bảo vừa phải cho nội dung mỗi câu chuyện để có thể truyền tải thông điệp một cách tốt nhất. Hiện nay, có một thực tế nhiều phim sitcom được dàn dựng như phim truyền hình (45 phút/tập) và một số lượng không nhỏ thời lượng chỉ trên dưới 5 phút. Thử hỏi, với thời lượng quá dài, đạo diễn và ekip có đủ sức để dàn dựng những tình huống hài đủ logic và không gây nhàm chán. Trong khi đó, với thời lượng quá ngắn, câu chuyện trở nên co cụm, rời rạc và thiếu đi tính kết nối.
Như đã nói ở trên, sitcom bùng nổ và không có sự kiểm soát về mặt chất lượng sẽ dẫn đến tình trạng đi theo vết xe đổ như phim truyền hình thời gian qua. Những người làm nghề tâm huyết cho rằng, sự chỉn chu và tử tế là điều đầu tiên cần được cân nhắc. Đừng nghĩ sitcom là thể loại dễ làm, chi phí ít hơn phim truyền hình mà có tâm lý cẩu thả. Nhưng điều quan trọng nhất, sitcom là hài tình huống và đó là tôn chỉ cao nhất mà mỗi đạo diễn và ekip cần hướng đến. Sự lạm dụng mảng miếng hài về mặt diễn xuất của diễn viên không chỉ làm biến tướng thể loại mà rút cuộc, sẽ góp phần khiến sitcom Việt càng nhanh chết yểu.