Nhà thơ Việt Phương: Tin vào lớp trẻ
Nhà thơ Việt Phương đã trút hơi thở cuối cùng vào sáng ngày 6/5/2017. Tang lễ của ông được cử hành vào sáng 10/5 tại Hà Nội. Như một nén tâm nhang, xin giới thiệu lại một phần nội dung cuộc trò chuyện với ông cách đây 10 năm (2007).
Nhà thơ Việt Phương.
Thực dụng, đó là một lời khen!
Hồng Thanh Quang: Thưa nhà thơ Việt Phương, nhìn ông tôi lại nhớ ngay tới những câu: “Ta đi yêu người ta yêu nhau/ Người ta cũng là ta khác đâu/ Ta yêu tình yêu người ta lắm/ Say đắm bao nhiêu cái hôn đầu. Ta đi yêu người ta yêu nhau/ Đêm chớ về khuya, hương đượm lâu/ Gió ơi, gió hãy vừa đủ lạnh/ Cho những lứa đôi chụm mái đầu... Đừng có bao giờ dứt bỏ nhau/ Yêu nữa, người ơi, chưa đủ đâu/ Đôi nào cần nối tình dang dở/ Đây trái tim ta hiến nhịp cầu...”. Nói thực, có lúc, tôi đã từng nghĩ rằng chỉ có Puskin mới đủ sự vị tha trong tình yêu để viết “Cầu em được người tình như tôi đã yêu em...”. Xin phép được hỏi rằng, phải chăng mọi trí thức trẻ ở mọi thời, ở mọi nơi đều mang trong mình tinh thần lãng mạn đầy vị tha như thế?
Nhà thơ Việt Phương: Thời nào thì thanh niên cũng lãng mạn, ở đâu thì thanh niên cũng lãng mạn. Không chỉ riêng tại Việt Nam ta mà ở khắp thế giới cũng thế thôi. Thế hệ trẻ nào cũng đều có ấp ủ hoài bão, đều có những khát vọng đầy lãng mạn. Chỉ có điều chất lãng mạn ấy không hoàn toàn giống nhau ở những thời, những nơi khác nhau.
Theo ông, chất lãng mạn của người thanh niên Việt Nam thế hệ ông có gì khác chất lãng mạn của lớp thanh niên hiện nay, khi mà rất nhiều thứ trong xã hội ta đã thay đổi rất mạnh trong hơn nửa thế kỷ qua?
- Chất lãng mạn nào cũng có bao hàm một phần ảo tưởng. Chất lãng mạn của thế hệ mình nhiều ảo tưởng hơn so với chất lãng mạn của thế hệ trẻ bây giờ.
Phải chăng chính vì thế nên một số người đã khẳng định rằng, những thế hệ bắt đầu cuộc Cách mạng Mùa thu 1945 hồn nhiên hơn, trong sáng hơn, dâng hiến hơn so với thế hệ trẻ bây giờ? Tất nhiên, lớp trẻ bây giờ nhìn chung cũng có hướng thiện, cũng ham muốn giúp đỡ những người khác, giúp cho xã hội trở lên nhân bản hơn, con người đỡ phải khổ sở hơn, tình yêu đẹp đẽ hơn... Nhưng sự dâng hiến của lớp thanh niên bây giờ không thể bằng thế hệ trước, đơn giản vì những bài học trường đời của thế hệ cha anh và thực tế nhỡn tiền bắt buộc lớp trẻ bây giờ phải tỉnh táo hơn, vị kỷ hơn?
- Nói thực là những ý kiến tương tự như thế thì tôi đã nghe rất nhiều lần rồi. Rất nhiều người đã nói như thế với tôi. Tuy nhiên, nói thực lòng, tôi không đồng tình với ý kiến này. Thế hệ chúng tôi bị bưng bít thông tin nhiều lắm. Thế hệ trẻ bây giờ là khác... Thông tin hiện nay rất phong phú, rất đa dạng, tất nhiên, trong đó thì những độc tố không thiếu gì. Nhưng thế hệ trẻ thì từng người một đều có khả năng lựa chọn, chọn lọc... Còn với thế hệ bị bưng bít thì đã không có được khả năng lựa chọn, bởi vì tất cả chỉ có loại ấy thôi, chỉ có chiều hướng ấy thôi, hoặc một vài loại ấy thôi, một vài chiều hướng ấy thôi...
Vâng, nếu bị định hướng chặt chẽ như thế thì cũng khó có gì hơn để lựa chọn…
- Thế hệ trẻ bây giờ phải xử lý cùng một lúc rất nhiều thông tin nên có nhiều sự lựa chọn. Còn thế hệ trẻ của bọn mình bị bưng bít lắm...
Do yếu tố chủ quan hay khách quan?
- Có cả hai. Vì thế nên bọn mình đã không có khả năng lựa chọn và dễ bị ngộ độc thông tin...
Ngộ độc vì thiếu thông tin, vì “mây trôi một chiều, chim kêu một giọng” như thơ Hoàng Nhuận Cầm đã viết? Nhưng có ý kiến cho rằng, lắm khi có nhiều thông tin quá, lại chưa được thanh lọc thì lại càng dễ bị ngộ độc thông tin...
- Khi có nhiều thông tin mà anh vẫn bị ngộ độc thì là do anh chọn sai, lỗi ở anh. Còn thế hệ bọn mình không có nhiều thứ để lựa chọn...
Chung quy cũng là do hoàn cảnh, chứ không hẳn là do thế hệ này kém thế hệ khác...
- Cách đây độ khoảng 15 năm, khi đó tôi đã 64 tuổi rồi, tôi cùng mấy người bạn có làm cuộc điều xã hội học nhỏ với câu hỏi về đánh giá của thế hệ chúng tôi về lớp trẻ hiện tại. Có gần 100 người trả lời. Chúng tôi yêu cầu là mỗi người nói rất ngắn thôi, chỉ vài từ thôi, đánh giá về thế hệ trẻ hơn chúng tôi. Kết quả là hơn 90% cho rằng lớp trẻ hiện tại “thực dụng”! Chúng tôi mới hỏi tiếp, các ông dùng từ “thực dụng” với nghĩa nào? Câu trả lời là dùng với nguyên nghĩa gốc của từ, tức là không có sắc thái biểu cảm xấu.
Tức là không có sắc thái tiêu cực?
- Không có! Cái mà người ta gọi là chủ nghĩa thực dụng tức là rất công bằng và sòng phẳng, rất thiết thực và đầy nhạy cảm đối với mối quan hệ công hiến và hưởng thụ, mua và bán, phục vụ và trả công, chi phí và hiệu quả... Tôi cũng nghĩ rằng, từ thực dụng theo nguyên nghĩa gốc của nó là một lời khen, chứ không phải là một lời chê, dành cho lớp trẻ…
Có vẻ như ông ở lứa tuổi này vẫn rất lạc quan về lớp trẻ?
- Phải nói thẳng thế này, nếu không như thế thì thế hệ của chúng mình không còn lẽ sống nữa. Thế hệ chúng mình vẫn đang sống là nhờ còn niềm tin vào thế hệ trẻ đấy. Tất cả lẽ sống là ở đấy...
Tốt vẫn nhiều hơn xấu
Theo tôi hiểu, nếu thế hệ trẻ hôm nay không bóp nát cam trong Hội nghị Diên Hồng và không sớm cầm gươm đi diệt giặc như Trần Quốc Toản thì chỉ vì hôm nay không cần phải làm như thế để bày tỏ lòng yêu nước. Nếu hôm nay các nữ sinh viên Hà Nội không viết những dòng nhật ký như Đặng Thùy Trâm thì chỉ đơn giản là vì bây giờ chúng ta đang được sống trong những điều kiện hòa bình yên ấm, chứ không phải không có tinh thần Đặng Thùy Trâm trong các thiếu nữ thời nay. Và triển khai tiếp ý này, có thể nói rằng, không có thế hệ trẻ nào hay hơn hoặc tồi hơn tiền nhân hoặc hậu thế. Và vì vậy, chúng ta luôn có thể tin vào sự phát triển và trường tồn của dân tộc mình?
- Tôi nói điều này không phải sách vở gì đâu. Theo tôi, nếu ngày hôm nay chúng ta muốn đi tìm những tấm gương rất cao rất đẹp thì cũng không thiếu gì cả. Tôi rất tiếc là công việc này hiện hơi bị nhẹ đi trên các phương tiện thông tin đại chúng của ta. Còn quá ít những chuyên mục nói về người tốt, việc tốt, nói về những tấm gương người đương thời xứng đáng được tụng ca hay noi theo. Trong khi đó có vẻ như báo chí lại nói về các mặt tiêu cực đậm quá. Không chỉ về dung lượng hay thời lượng dành cho những việc ấy là áp đảo đâu...
Mà có vẻ như một số nhà báo có cảm hứng viết về cái xấu “sôi nổi”, soi mói quá?
- Đúng là ta đang viết về cái xấu đậm đà hơn là viết về cái hay, cái đẹp. Đấy là ý kiến riêng của mình là như thế...
Có cảm giác như những câu thúc, bó buộc của đời sống bây giờ khiến chúng ta dễ nhạy cảm hơn với những tiêu cực và đôi khi việc đề cập quá đậm đặc tới những cái xấu trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng góp phần làm cho người ta ngỡ rằng cái xấu bây giờ có vẻ như ngự trị “hoành tráng” hơn thời trước. Liệu có đúng vậy không, thưa nhà thơ Việt Phương? Hay sự thật là, bây giờ quả thực nhiễu nhương hơn thời trước, có điều một người ở vị thế như nhà thơ Việt Phương ít có điều kiện tiếp cận cuộc sống từ góc độ “dưới đáy” nên mới lạc quan như thế?
- Hồng Thanh Quang à, chúng ta là những người thơ, người thơ chỉ có thể có thơ được ở trong những chi tiết của những cuộc sống thực thôi. Tất nhiên, từ một góc độ, bạn với tôi là đều công chức. Nhưng nếu chúng ta chỉ là công chức thuần túy và chỉ sống đời công chức thuần túy thôi thì có thể chúng ta xa lạ với đời thực. Nhưng may thay, cả Hồng Thanh Quang và Việt Phương đều là những nhà thơ nên chúng ta không có quyền và không bao giờ xa lạ với đời sống thực cả.
Chính vì thế không ai có thể nghi ngờ rằng Việt Phương không nắm được hết các chi tiết đời sống thực? Cũng như không ai có thể nghĩ rằng Việt Phương đã thôi là nhà thơ?
- (Cười) Nói thế thì là hơi quá đi. Nói thế này thì hơn: Việt Phương cũng như những người làm thơ khác dành một phần quan trọng thời gian, tâm trạng và tâm trí của mình để làm bạn với cuộc đời diễn ra hàng ngày với bao nhiêu chi tiết của nó. Thiếu gì những dịp để làm việc này: một lần đi chợ, một lần đi tập thể dục hàng ngày, một lần ra bể bơi, gặp từ người già đến người trẻ... Có rất nhiều dịp như thế và chỉ cần mở mắt ra là nhìn thấy thôi. Thậm chí là tiếng lá rơi, làn gió thổi, tiếng con chó, con mèo vang lên ngày hôm nay cũng nói với mình về rất nhiều điều của đời sống thực đang diễn ra, giúp mình biết tường tận mọi điều...
Tự hào, chứ không hối tiếc
Theo tôi hiểu, mỗi một thời đại, mỗi một giai đoạn có một nhiệm vụ trọng tâm. Nhiệm vụ trọng tâm của thời đại mà ông còn trẻ là phải bằng mọi giá giành lại độc lập tự do cho Tổ quốc, cho dân tộc, tiến tới xây dựng một mô hình xã hội có những tiêu chí tốt đẹp và nhân văn. Đấy là nhiệm vụ cực kỳ nặng nề và muốn hoàn thành nhiệm vụ đó thì cần phải xác lập những quy tắc nhất định để tập trung tinh lực của toàn xã hội, của tất cả mọi người. Định hướng thông tin khi đó cần là vì thế. Và bởi vậy, có lẽ ông cũng như những người đồng lứa hôm nay có thể cảm thấy mình đã không uổng phí cuộc sống khi đã phải ở trong điều kiện thiếu thông tin như thời trẻ? Luật chơi là vậy. Chúng ta không thể không phải chịu đựng những thua thiệt nào đó nếu muốn làm được những việc như chúng ta đã làm được. ông nghĩ thế nào về điều này?
- Anh nói hoàn toàn đúng. Chúng tôi đã không uổng phí đời mình!
Và bây giờ nhìn lại quá khứ là để thấy rõ hơn mọi việc chứ không phải để hối tiếc hay oán trách thời mình đã sống, dù thời ấy là bao cấp, dù thời ấy có quá nhiều khó khăn vật chất, dù thời ấy đã có những hạn chế trong tư duy, trong hành xử?
- Chẳng những không uổng phí và không hối tiếc mà còn rất sung sướng và tự hào. Có hai điều làm cho mình vui sống được ngày hôm nay. Một là, những việc gì mà thế hệ mình đã làm trước đây. Hai là, niềm tin ở thế hệ trẻ, những người đã, đang và sẽ đảm nhận được mọi công việc của những thế hệ đi trước để lại; họ có thể làm tốt hơn cả những người đi trước nữa. Bởi vậy, xin nói với nhà thơ Hồng Thanh Quang rằng, tôi bây giờ cảm thấy sung sướng và tự hào, chứ không thấy uổng phí gì cả. Còn về cái sự bị bưng bít thông tin ấy là do đâu mà có? 3 lý do. Một, khả năng chung còn rất hạn chế của loài người thời chúng tôi còn trẻ; tuy rằng khoảng cách từ đó đến nay cũng chỉ chưa đến một đời người nhưng khác biệt xa quá đi rồi. Thứ hai, “chất” của cả thời đại ấy là “chất” của chiến tranh lạnh, là đối đầu giữa hai phe. Chiến tranh lạnh là một sản phẩm do con người tạo nên nhưng cũng chính chiến tranh lạnh ấy lại trở thành ra một hoàn cảnh khách quan đối với con người, làm hạn chế và méo mó thông tin. Điều thứ ba, có một số người lúc ấy mắc vào bệnh giáo điều, mà họ lại là những người có vị trí nên sự giáo điều lại càng gia tăng ảnh hưởng...
Nhưng ngay cả bây giờ, khi khả năng công nghệ của nhân loại gia tăng thì không phải vì thế mà con người không phải đối mặt với khó khăn mới trong thông tin, nếu bản thân chúng ta không biết tự phòng chống những căn bệnh tinh thần mới...
- Người ta bảo rằng thế giới đang bước vào giai đoạn ba của Internet và nhân loại, nhất là ở Âu - Mỹ, đang dần dà trở thành nô lệ của công nghệ thông tin, trước hết là của Internet và điện thoại di động...
Có phải vì thế nên ông không sử dụng điện thoại di động?
- (Cười): Khả năng của nhân loại bây giờ cao hơn ngày xưa rất nhiều, nhưng cũng không thiếu gì những yếu kém và những khía cạnh phản diện. Bây giờ không còn chiến tranh lạnh nữa, nhưng cũng không phải là một cuộc “huê tình ca”, thế giới này còn lâu mới hài hòa hợp tác phát triển, không biết bao nhiêu thứ quyền, thứ lực, thứ lợi đan xen chồng chéo, mâu thuẫn nhau với rất nhiều thứ thủ đoạn... Người ta đã có lý như nói rằng, đừng thần thánh hóa tiến trình toàn cầu hóa cũng như ma quỷ nó làm gì...
Tức là nếu nước ta được kết nạp vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) thì cũng đừng có mừng quá, nhưng cũng đừng có lo âu quá?
- Tôi muốn nói thêm rằng bây giờ cũng không phải đã hết những người mắc bệnh giáo điều. Tuy nhiên, hiện tượng này đã nhẹ đi nhiều so với trước... Và đấy chính là cơ sở để chúng ta có lòng tin mà sống, mà phấn đấu, mà hy vọng vào tương lai tốt đẹp của dân tộc mình, đất nước mình.
Khác một ly, đi... một đời
Có quan điểm cho rằng, từ hàng nghìn năm nay nhìn chung bản tính nhân loại vẫn như cũ. Tính lãng mạn cũng như cũ. Những căn bệnh trầm kha truyền kiếp cũng như cũ. Các hành xử có chút ít thay đổi nhưng những bản năng gốc không khác xưa là mấy... Ông nghĩ thế nào về quan điểm này?
- Nó chỉ có một tý khác biệt thôi thì nó là vô tận khác biệt rồi... Loài người vẫn chưa giải mã được hoàn toàn bộ gen của mình, nhưng những gì đã làm được cũng đủ cho thấy, tất cả các chủng tộc người da trắng, da đen, da vàng gì đấy có tới 99,99... % là giống nhau. Các nhà khoa học cũng đã kết luận rằng chú khỉ đột cũng có tới 99,99...% giống với người (cười). Khác một ly là khác cả một vũ trụ! Tôi nhớ tới tên cuốn sách nói về cuộc trò chuyện giữa nhà thiên văn Trịnh Xuân Thuận với một nhà khoa học khác nữa: Vũ trụ trong lòng bàn tay! Thế đấy, cái nhỏ nhất cũng có thể chứa đựng cái lớn nhất!
Vận mệnh quốc gia có khi lệch đi một tý một teo là có thể đảo lộn khác rất nhiều... Hai chị em nhà Crawford, Cindy và Danielle, chỉ khác nhau mỗi cái nốt ruồi bên mép mà khác nhau cả về số phận...
- Chúng ta giống nhau tới 99,99...% nhưng chúng ta khác nhau vô cùng tận... Nhờ có nhân cách nên chúng ta không như những người máy sản xuất dây chuyền...
Nhân chi sơ, tính... phức tạp
Đôi khi đọc sách về thời đã qua, ngày xưa sao mà hay thế, tốt thế, đẹp thế, văn nghệ sĩ thế hệ trước đối xử với nhau sao mà hay ho thế, chứ không như bây giờ. Theo ông, đó là sự thật hay vì sách vở đã không ghi chép lại trung thực và đầy đủ về thời đã qua, mới qua? Phải chăng là “lòng vả” cũng như “lòng sung” thôi?
- Nếu nói về thế hệ các bạn, thì theo tôi, các bạn cần tự tin hơn... Tôi muốn kể về một cuộc tranh luận mới đây tại một hội nghị quốc tế của các nhà sử học. Có hai luồng ý kiến khác nhau. Một bên cho là loài người không có lịch sử, mà chỉ có cái mà lực lượng này hay lực lượng kia gọi là lịch sử. Những người ủng hộ quan điểm này đưa ra nhiều ví dụ lắm, thậm chí đề cập tới cả cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ của ta. Còn ý kiến thứ hai thì ngược lại, cho rằng có lịch sử chứ không phải là không có, tuy nhiên tìm ra lịch sử không dễ, thậm chí rất khó.
Sự thật luôn tồn tại, nhưng tìm ra sự thật cũng là việc luôn rất khó!
- (Cười):...
Có chân lý, nhưng chân lý lại càng khó tìm... Có thể triển khai ý này ra vô tận...
- Không thiếu gì những sự tô hồng và cho đó là lịch sử. Khi tôi ở tuổi 40, tôi đã viết hai câu thơ như thế này: “Cuộc đời không cần sự ca ngợi một chiều đâu/ Cả sự ca ngợi bán buôn và sự ngợi ca ngờ nghệch”... ở trong những sự tô hồng có cái chân thành nhưng cũng có cái rất tinh khôn và mang tính con buôn...
Tô hồng để cầu lợi. Thời nào cũng có chuyện này...
- Đúng. Nhưng cuộc đời không cần những cái đấy đâu. Cuộc đời thực chính là cái lịch sử khó tìm, chứ không phải là cái dễ dàng tô hồng, vì động cơ này hay động cơ khác. Thời chúng tôi đã có chuyện đó. thời nay cũng chưa hết việc này.
Không chỉ ở nước mình mà tất cả các nước đều có hiện tượng song song tồn tại hai xu thế: một bên là những người rất mệt nhọc và khổ sở nhưng quyết tâm đi tìm lịch sử theo đúng nghĩa của nó; còn bên kia là một số kẻ dễ dãi trình bày cái na ná như lịch sử để cầu lợi cá nhân...
- Còn một lớp người thứ ba nữa, họ rất chân thành, rất trong sáng trong việc tô hồng lịch sử; họ không có động cơ trục lợi mà đơn giản chỉ vì các cái hạn chế về trí tuệ của nhận thức, của hoàn cảnh sống, của nguồn thông tin mà mình nhận được nên mới làm thế. Phải nói rằng, dù thế nào thì cũng vẫn có sự thật, có chân lý, có lịch sử. Khó tìm nó nhưng vì thế nó càng hấp dẫn. Cuối cùng thì sau một quá trình dài, lịch sử nó có sức sống tự thân để tự hiện ra. Sức sống đó chính là sức sống của con người, là cái phần đẹp đẽ ở trong con người. Nó sẽ chiến thắng!