Đề xuất đối thoại hai miền Triều Tiên đổ bể
Cuộc đối thoại quân sự mà phía Hàn Quốc đưa ra nhằm giảm thang căng thẳng giữa hai miền Triều Tiên dự kiến tổ chức vào hôm 21/7 đã không thể diễn ra sau khi CHDCND Triều Tiên phớt lờ lời kêu gọi này, sự việc được cho là một bước lùi đối với nỗ lực nối lại đàm phán của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in.
Một cuộc gặp giữa giới chức cấp cao hai miền Triều Tiên tổ chức ngày 22/8/2015 tại làng hòa bình Panmunjom. (Nguồn: AP).
Bình Nhưỡng không trả lời
Phía Triều Tiên đã giữ im lặng hoàn toàn trước đề xuất mà Hàn Quốc đưa ra trong hôm đầu tuần, trong đó tổ chức đối thoại về các biện pháp tránh các hành động thù địch dọc đường biên giới chung giữa hai nước.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nhậm chức hồi tháng 5 vừa qua với cam kết sẽ nối lại các cuộc đàm phán với Triều Tiên, cùng lúc gây sức ép với chính quyền Bình Nhưỡng để họ từ bỏ các chương trình phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa. Đề xuất đối thoại xuất hiện sau khi Triều Tiên tuyên bố thử nghiệm thành công lần đầu tiên tên lửa đnạ đạo liên lục địa vào ngày 4/7.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Moon Sang-gyun đã thông báo rằng cuộc đối thoại quân sự đáng lẽ ra được tổ chức vào thứ Sáu đã không thể thực hiện được bởi phía Triều Tiên không đưa ra lời đáp trả.
“Đây là một nhiệm vụ cấp thiết để tái lập hòa bình và sự ổn định trên bán đảo Triều Tiên, đó là nối lại các vòng đàm phán quân sự và giảm thang căng thẳng giữa quân đội Hàn Quốc và Triều Tiên” - ông Moon cho hay.
Trong khi đó, Tổng thống Moon Jae-in nói rằng, phía Hàn Quốc vẫn sẽ giữ nguyên đề xuất đối thoại này, đồng thời thúc giục Triều Tiên đưa ra phản ứng của mình.
Đây là lần đầu tiên mà phía Hàn Quốc đưa ra lời đề nghị đàm phán chính thức đối Triều Tiên kể từ khi mối quan hệ giữa quân đội hai nước dọc đường biên giới bị phá vỡ hồi năm ngoái dưới thời của Tổng thống Park Geun-hye, người đã đơn phương áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Bình Nhưỡng vì các vụ thử nghiệm tên lửa và hạt nhân của nước này.
Triều Tiên đã thực hiện vụ thử nghiệm hạt nhân lần thứ 4 và thứ 5 cùng hàng loạt các hoạt động thử nghiệm tên lửa kể từ đầu năm 2016 cho đến nay, sau khi lãnh đạo Kim Jong-un cam kết sẽ cai thiện mối quan hệ với Hàn Quốc trong bài phát biểu nhân dịp năm mới.
Trước đây Hàn Quốc đã từng có lần đề nghị Triều Tiên tham gia đối thoại để vạch ra cách thức ngừng các hoạt động gây căng thẳng ở khu vực biên giới. Hiện nay, Hàn Quốc vẫn duy trì các dàn loa khổng lồ ở dọc biên giới với Triều Tiên, hàng ngày phát đi các chương trình tuyên truyền, nhạc hiện đại và thông tin thế giới… trong khi phía Bình Nhưỡng cũng có hành động tương tự.
Sự im lặng khó hiểu
Chuyên gia phân tích Park Hyung-joong thuộc Viện nghiên cứu Thống nhất Quốc gia tại Seoul, cho hay ông hoài nghi về khả năng đàm phán được nối lại.
“Chính Hàn Quốc lại đang rất cần tổ chức đối thoại vào thời điểm này chứ không phải Triều Tiên. Mục tiêu của Bình Nhưỡng là tăng cường sức mạnh hạt nhân để họ có thể biến đổi cán cân an ninh và chính trị trong khu vực, họ muốn tạo thêm căng thẳng, trong khi Hàn Quốc lại muốn giảm căng thẳng” - ông Park nói với hãng AP.
Một số chuyên gia trước đó dự đoán rằng, Triều Tiên sẽ chấp nhận đối thoại bởi Bình Nhưỡng từng nhấn mạnh về sự cần thiết phải ngừng các hoạt động thù địch ở biên giới. Trong khi cơ hội tổ chức cuộc đối thoại thứ hai liên quan tới chương trình đoàn tụ gia đình ly tán lại được cho là kém khả năng xảy ra hơn, bởi Triều Tiên liên tiếp nói rằng họ sẽ không tổ chức chương trình này trừ khi Hàn Quốc giao nộp một số kẻ đào tẩu đang sống ở nước này.
Theo giới phân tích, cơ hội đối thoại lần này đổ bể là do chỉ riêng việc hai bên liên lạc với nhau để tổ chức đối thoại cũng đã khó, chưa kể tới đối thoại.
Thứ trưởng Quốc phòng Hàn quốc Suh Choo Suk đã sử dụng một cuộc họp báo được truyền hình trực tiếp để đưa ra đề xuất đối thoại quân sự, thay vì sử dụng đường dây nóng giữa hai bên. Điều này là do đường dây nóng liên lạc xuyên biên giới giữa quân đội hai nước đã bị cắt đứt kể từ sau vụ thử hạt nhân lần thứ 4 của Triều Tiên hồi tháng 1/2016.
Có rất ít khả năng giới chức Triều Tiên sẽ bỏ lỡ thông tin về đề xuất đối thoại này bởi họ luôn theo dõi rất sát sao các động thái lớn của Seoul có liên quan tới họ.
Nhiều nhà phân tích cũng tin rằng không có khả năng chính phủ của Tổng thống Moon sử dụng một kênh bí mật để thông báo về đề xuất đối thoại cho phía Bình Nhưỡng. Bởi điều này có thể làm dấy lên sự phẫn nộ trong giới chính trị gia bảo thủ, những người cho rằng đây là thời điểm để gây sức ép với Bình Nhưỡng chứ không phải là lúc đối thoại.
Trong quá khứ, hai miền Triều Tiên từng vài lần sử dụng các kênh liên lạc bí mật để tổ chức các cuộc đàm phán cấp cao. Nhưng hiện nay, giới chức quốc phòng Hàn Quốc đã bác bỏ khả năng họ cố gắng liên lạc bí mật với Triều Tiên để đưa ra đề xuất đối thoại này.