Mua bán - sáp nhập ngân hàng: Những tín hiệu mới

Thúy Hằng 22/07/2017 08:05

Tại thời điểm này, hoạt động của các tổ chức tín dụng diễn ra khá sôi động. Giới quan sát cũng cho rằng, trong tình thế đó thì việc mua bán - sáp nhập ngân hàng đang chờ những thay đổi tích cực.

Hoạt động mua bán - sáp nhập ngân hàng đang có dấu hiệu tăng nhiệt trở lại. Ảnh: TL.

Ngân hàng ngoại đánh tiếng

Một số cuộc đàm phán trong lĩnh vực ngân hàng đang diễn ra. Chẳng hạn như ĐôngÁ Bank cũng đang trong quá trình tìm hiểu một đối tác ngân hàng nội trong nước. Đáng chú ý hơn là Oceanbank đang đàm phán với ngân hàng ngoại.

Nhiều nguồn thông tin cũng khẳng định, hiện đang có nhiều ngân hàng nước ngoài “ngỏ ý” muốn tham gia sâu hơn vào quá trình tái cơ cấu 3 ngân hàng 0 đồng của Việt Nam.

Trong thời gian gần đây, hoạt động mua bán - sáp nhập ngân hàng có dấu hiệu tăng nhiệt trở lại. Nhiều thương vụ mua bán một phần tài sản, hay mua lại một mảng kinh doanh của ngân hàng đang diễn ra khá gấp gáp. Commonwealth Bank of Australia vừa bán lại cho VIB; Techcombank mua lại 19,41% cổ phần, tương đương hơn 172 triệu cổ phiếu của HSBC; ANZ Việt Nam mới cho biết đã bán toàn bộ mảng dịch vụ ngân hàng bán lẻ tại Việt Nam cho Shinhan Việt Nam…

Ông Bùi Huy Thọ, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Quản lý cấp phép các tổ chức tín dụng (TCTD) và hoạt động ngân hàng, Cơ quan Thanh tra Giám sát NHNN cho biết, Ngân hàng Oceanbank đã có một nhà đầu tư nước ngoài muốn mua lại, hiện đang ở trong giai đoạn 2 với sự đánh giá lại toàn diện hoạt động của nhà băng này. Và cũng được biết, nhà đầu tư này ở khu vực châu Á, và dự chi 8.000 tỷ đồng.

Còn tại hai ngân hàng Dầu khí Toàn cầu - GPBank và Xây dựng – CBBank, nhà đầu tư trong và ngoài nước bước đầu đặt vấn đề tham gia tái cơ cấu. Phía NHNN đã đồng ý cho tiếp cận. Ban đầu là xây dựng thông tin, đánh giá, sau đó mới có những bước đi tiếp theo.

Trên thực tế việc mua hoàn toàn lại một TCTD không phải chuyện đơn giản. Do ngân hàng có mạng lưới chi nhánh, hay các phòng giao dịch trải dài khắp cả nước, có hoạt động tín dụng, hoạt động bảo lãnh... nên đối tác cũng cần có nhiều thời gian để xem xét và đánh giá toàn diện. Chưa kể, khi mua lại, các nhà đầu tư ngoài tiềm lực tài chính, am hiểu thị trường tài chính Việt Nam cũng phải có kinh nghiệm rất sâu trong việc xử lý tài sản đảm bảo, xử lý nợ xấu.

“Trong quá trính soát xét, nhà đầu tư nước ngoài rất nghiêm túc và mong muốn thương vụ thực hiện thành công”- ông Bùi Huy Thọ nói.

Chuyên gia kinh tế TS Võ Trí Thành nhận định, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang kỳ vọng Việt Nam sớm mở cửa thị trường tài chính - ngân hàng sau năm 2018 theo cam kết WTO để có thể thành lập chi nhánh, ngân hàng con 100% vốn ngoại tại Việt Nam. “Sóng M&A sớm hình thành hay không phụ thuộc rất nhiều vào mức độ mở cửa thị trường ngân hàng của Việt Nam”- theo TS Thành.

Theo đánh giá của các chuyên gia, xu hướng được các nhà đầu tư quan tâm trong thời gian tới là các lĩnh vực tài chính cá nhân, tài chính tiêu dùng, hoạt động thẻ, công nghệ ngân hàng… vốn còn nhiều tiềm năng đối với Việt Nam.

Giao dịch ngân hàng đang trong thời kỳ sôi nổi.

Trông chờ nguồn lực nội

Ngành ngân hàng đang triển khai tích cực các chủ trương, định hướng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước về tái cấu trúc hệ thống ngân hàng nhằm mang đến cho thị trường những định chế tài chính lớn mạnh, chuyên nghiệp, cũng như thông qua sáp nhập để giảm bớt số lượng các TCTD hoạt động không còn hiệu quả.

Những năm qua, Chính phủ và NHNN khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước cùng tham gia tái cơ cấu. Có rất nhiều “ông lớn” săn ngân hàng yếu kém. Song thực tế thì tốc độ đàm phán rất chậm. Điều này cho thấy, các nhà đầu tư rất thận trọng. Đối tác ngoại thì muốn biết triển vọng xử lý nợ xấu thế nào. Hơn nữa, khi tham gia vào tái cơ cấu, các đối tác ngoại muốn thay đổi quản trị và kiểm soát được hoạt động của ngân hàng.

Trong khi đó điều điều kiện cần và đủ là tỷ lệ sở hữu buộc phải lớn trên 51%, tuy nhiên Chính phủ cũng chưa có tiền lệ nới room cho các nhà đầu tư ngoại. Tất cả những yếu tố đó khiến M&A ngân hàng phần lớn phải nhờ nguồn lực nội.

Chuyên gia kinh tế Phạm Anh Tuấn cho rằng, ngân hàng là lĩnh vực nhạy cảm mà mở cửa thị trường ngân hàng đến đâu cần phải xem xét rất kỹ. Trong bối cảnh có nhiều nhà đầu tư ngoại tìm hiểu ngân hàng nội, thì Vietinbank hay BIDV cũng đang hỗ trợ nhiều cho các ngân hàng khác trong quá trình tái cơ cấu. Điều này cho thấy, các ngân hàng nội cũng không hề bỏ qua các cơ hội kinh doanh để làm tăng tính hiệu quả.

Thực tế thời gian qua, các ngân hàng trong nước cũng đang lên kế hoạch lấy lại thị phần của mình và tiếp tục tự thân phát triển, sáng tạo để vươn lên. Qua đó, việc chủ động mua bán - sáp nhập với các ngân hàng ngoại cũng được triển khai tích cực.

So với vài năm trước, hệ thống ngân hàng ở thời điểm hiện nay có nhiều yếu tố tích cực như: cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh, tính bình quân tăng trưởng 15 - 16%, hành lang pháp lý thông thoáng hơn. Ngoài việc được các ngân hàng ngoại cũng đánh giá cao thị trường Việt Nam tại một số mảng kinh doanh nhất định, nhiều ngân hàng nội cũng đặt mục tiêu mở rộng và phát triển thị trường.

Giới chuyên gia cho rằng, để hấp dẫn được sự đầu tư của các đối tác chiến lược, hệ thống ngân hàng trong nước cũng cần thay đổi cách thức hoạt động, trở nên linh hoạt và chuyên nghiệp hơn, đồng thời phải tái cơ cấu một cách toàn diện, vững bền hơn.

Sáng ngày 21/7, Ngân hàng Nhà nước tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu và Quyết định của Thủ tướng phê duyệt Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020. Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng khẳng định, cơ cấu tín dụng đã tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh; trong đó tín dụng đối với một số ngành kinh tế trọng điểm tăng cao hơn so với mức tăng chung của toàn hệ thống.

Thúy Hằng