Đùa với tính mạng
Sau nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) thảm khốc đối với xe khách, điều tra của cơ quan chức năng cho thấy, có không ít người cầm lái trong khi chưa có giấy phép lái xe (GPLX). Sự liều lĩnh của những người này không chỉ gây mất ATGT, tạo nguy hiểm cho các phương tiện cùng lưu thông trên đường, mà còn là sự đùa giỡn với tính mạng của bản thân và hàng trăm hành khách trên xe. Điều đó lý giải vì sao thời gian qua xảy ra nhiều vụ TNGT thảm khốc khiến nhiều người chết và bị thương.
Xe đầu kéo toác đầu sau tai nạn. Ảnh: Zing.
Theo “xếp hạng” thì loại GPLX được phép điều khiển xe khách có “thứ hạng” khá cao (D & E), bởi nó liên quan đến tính mạng của khá nhiều người trên xe. Theo quy định của luật, GPLX từ hạng D trở lên không được phép học để lấy bằng trực tiếp, mà phải được “nâng cấp” từ các bằng lái xe B1, B2, C.
Theo đó, nhiều người dù đã có bằng lái xe ở hạng B1, B2, C cũng sẽ không được phép ngồi sau tay lái xe khách. Vậy nhưng trong thời gian qua, có một số người dù chưa có bất cứ bằng lái xe loại nào cũng vẫn “hiên ngang” cầm vô lăng xe khách, dẫn đến những thảm cảnh đau lòng.
Dư luận có quyền đặt câu hỏi: Vì sao trong các văn bản quy phạm pháp luật, cả dân sự và hình sự đều có quy định và chế tài rất nghiêm khắc về hành vi liều lĩnh điều khiển xe ô tô khi chưa được cấp GPLX, nhưng vẫn có không ít người bất chấp pháp luật?
Vì sao ngoài lực lượng CSGT của Cục CSGT đường bộ, đường sắt (Bộ Công an), còn có lực lượng CSGT công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các quận, huyện, thị xã, chưa kể đến các lực lượng TTGT, CSGT... mà vẫn không thể ngăn chặn nổi những người liều lĩnh cầm lái xe khách khi chưa có bằng?
Theo quy định của Luật Giao thông đường bộ và Nghị định 46 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, hành vi điều khiển phương tiện khi chưa có bằng lái sẽ bị phạt tiền rất nặng.
Cụ thể, tại Điểm b, Khoản 7, Điều 21, Nghị định 46 quy định: Người điều khiển xe mô tô có dung tích xi lanh từ 175 cm3 trở lên, xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm không có GPLX hoặc sử dụng GPLX không do cơ quan có thẩm quyền cấp, GPLX bị tẩy xóa... sẽ bị phạt tiền 4-6 triệu đồng.
Nếu người không có GPLX điều khiển phương tiện gây TNGT sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 260, Bộ luật Hình sự 2015. Với hành vi điều khiển phương tiện ô tô không có GPLX, người cầm lái ngoài bị phạt tiền còn phải chịu hình phạt tù khá nặng.
Cụ thể, tại Điểm a, Khoản 2, Điều 260, Bộ luật Hình sự quy định: Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về ATGT đường bộ thuộc trường hợp không có GPLX sẽ bị phạt tù 3-10 năm. Nếu lái xe gây TNGT mà làm chết từ 2 người trở lên còn bị tăng nặng mức phạt tù tùy theo mức độ vi phạm.
Luật, văn bản dưới luật đã đầy đủ, kín kẽ, nghiêm minh nhưng vì sao vẫn không thể kiểm soát nổi hành vi liều lĩnh đùa với tính mạng của không ít người? Câu hỏi này đặt ra thật khó để các cơ quan chức năng có thể trả lời trong một sớm một chiều.
Song, theo logic thì chỉ có thể giải thích theo 2 nhẽ, đó là sự buông lỏng quản lý, bất chấp quy định pháp luật của các doanh nghiệp vận tải, cá nhân sở hữu xe ô tô, cùng với đó là sự lơi lỏng trách nhiệm của các cơ quan chức năng được giao nhiệm vụ tuần tra kiểm soát trên đường, các BQL bến bãi...
Lỗ hổng lớn trên cần sớm được bịt lại để giảm thiểu số vụ TNGT, hạn chế tối đa thiệt hại về người, tài sản và giảm nhẹ gánh nặng cho xã hội do các vụ TNGT gây ra. Vậy câu hỏi được đặt ra là bịt bằng cách nào, bởi suốt thời gian qua dù các ngành chức năng đã nỗ lực rất nhiều, hành lang pháp lý để xử lý cũng khá đầy đủ, song vẫn xảy ra không ít trường hợp không có GPLX vẫn cầm lái xe khách rồi gây tai nạn?
Để ngăn chặn tình trạng này, Dự thảo Nghị định 86/CP về điều kiện kinh doanh vận tải đã bổ sung thêm quy định: Lái xe khách buộc phải có thẻ nhận dạng trên cơ sở dữ liệu của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các Sở GTVT (thẻ định danh).
Cụ thể, sẽ có một đầu đọc thẻ gắn trực tiếp vào hộp đen trên xe ô tô, trước khi xuất bến, lái xe phải quẹt thẻ để lưu lại các thông số theo quy định với cơ quan quản lý trực tiếp, từ đó sẽ kịp thời phát hiện những trường hợp không đủ điều kiện để điều khiển phương tiện.
Tiện ích của việc “quẹt thẻ” còn giúp các cơ quan chức năng kiểm soát được việc các lái xe buộc phải chấp hành đúng quy định đổi tay lái sau 4h lái xe liên tục, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho hành khách trên xe và các phương tiện khác đang lưu thông trên đường.
Theo đó, việc một lái xe “không có danh tính” trong cơ sở dữ liệu của cơ quan quản lý sẽ lập tức được thông báo tới các đội, trạm tuần tra kiểm soát trên đường để kịp thời ngăn chặn, xử lý, đảm bảo an toàn cho hành khách trên xe cũng như những phương tiện giao thông khác.
Song dù công nghệ có hiện đại đến đâu thì cũng vẫn cần sự “để mắt” của con người mới có thể hoàn thiện. Do vậy, dù có buộc các lái xe phải “khai báo danh tính” thì lấy gì đảm bảo họ sẽ không gian dối bằng cách cho nhau mượn thẻ định danh để qua mắt cơ quan chức năng?
Vậy nên vẫn không thể thiếu sự thực thi công vụ nghiêm túc của lực lượng CSGT, TTGT và các cơ quan chức năng khác thì mới không có ai còn dám đùa với tính mạng của mình và của người khác nữa.