Chờ đổi vận

Hồ Hương (thực hiện) 23/07/2017 08:00

Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) chính thức có hiệu lực thi hành từ 1/1/2018. Luật được thiết kế theo hướng các hỗ trợ trọng tâm tập trung cho 3 đối tượng doanh nghiệp, gồm DNNVV được thành lập trên cơ sở chuyển đổi từ hộ kinh doanh, DNNVV khởi nghiệp sáng tạo và DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị. Như vậy, DNNVV chờ thời gian để bước sang trang mới.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn chờ cơ hội bứt phá.

Ông Tô Hoài Nam- Phó Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam, cho rằng, DNNVV sẽ được hỗ trợ mạnh mẽ, từ giảm thuế đến tiếp cận tín dụng, thuê mặt bằng sản xuấ với chi phí thấp, được tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, cùng các thủ tục hành chính thuận lợi.

PV: Thưa ông, trong các cuộc tiếp xúc ngân hàng và DN, hay các cuộc đối thoại giữa cơ quan quản lý với DN, đa số DN vẫn than rằng gặp rất nhiều khó khăn? Với vai trò đại diện tiếng nói DN, ông có nắm được điều này?

Ông Tô Hoài Nam: DNNVV đang rất khó khăn, trong đó có 6 khó khăn dai dẳng vẫn đeo bám như: tiếp cận mặt bằng sản xuất, tín dụng, nhân lực, công nghệ, thị trường, khả năng tuân thủ các quy định hành chính pháp luật.

Nhiều DN có công nghệ, có nhân lực, nhưng không tiếp cận được mặt bằng sản xuất, tín dụng, nên cũng không phát triển được. Sự ra đời của Luật Hỗ trợ DNNVV với những hỗ trợ cơ bản và toàn diện là vô cùng cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

Luật Hỗ trợ DNNVV có hiệu lực từ ngày 1/1/2018. DN đang chờ thời vận mới. Ông đánh giá gì về Luật mới này?

- Luật có nhiều điểm đột phá, trong đó có 3 hỗ trợ trọng tâm, mang tính đột phá lớn.

Một là, hỗ trợ chuyển đổi hộ kinh doanh sang DN, điều này sẽ tạo nên lực lượng DN lớn trong thời gian tới.

Hai là, hỗ trợ các DN đổi mới sáng tạo, việc chuyển đổi từ mô hình kinh doanh dựa vào khai thác tài nguyên và lao động giá rẻ sang hiệu suất cao hơn, mà trọng tâm là sử dụng các nghiên cứu khoa học đổi mới sáng tạo, cách làm này phù hợp với ngành công nghiệp phụ trợ sẽ phát triển trong tương lai.

Thực tế trên thế giới ngành công nghiệp phụ trợ chủ yếu là do các DNNVV đảm đương. Như vậy sẽ khuyến khích được khối DN này phát triển.

Ba là, hỗ trợ chuỗi liên kết: Nếu không tham gia chuỗi chúng ta không có thị trường ổn định, khi tham gia vào quá trình hội nhập, DN không có thị trường ổn định rủi ro rất cao.

Bên cạnh đó, thực hiện chuỗi liên kết sẽ huy động thêm các nguồn lực xã hội, tổ chức cá nhân. Đây là nguồn lực rất quan trọng, bởi vì trên thực tế ngoài việc tăng cường nguồn lực tiềm năng, nguồn lực hỗ trợ về ngân sách thì tăng cường được nguồn lực sử dụng kinh phí khác ngoài ngân sách hiệu quả hơn, thực tế hơn và chống lãng phí.

Dẫu vậy, Luật Hỗ trợ DNNVV sẽ tác động đến một số đạo luật khác. Do đó, phải sửa một số luật để phù hợp với luật này như Luật Thuế, Luật Đất đai, Luật các tổ chức tín dung… với lộ trình sửa từ này đến năm 2019 để đảm bảo sự thống nhất về mặt hỗ trợ.

Có nhiều ý kiến cho rằng, về vai trò của Hiệp hội được đưa ra trong Luật hơi mờ nhạt, quan điểm của ông như thế nào?

- Tiếc là trong Dự thảo Luật nhiệm vụ của các tổ chức Hiệp hội DNNVV chưa được phản ánh đúng sứ mệnh. Khi nhắc đến Hiệp hội là nghĩ đến tư duy pháp lý. Tuy nhiên sứ mệnh quan trọng nhất của Hiệp hội là mạng lưới, là các hội viên nhưng lại không được đặt vấn đề một cách rõ ràng.

Ông Tô Hoài Nam.

Có thể thấy Luật Hỗ trợ DNNVV là một bước tiến song điều mà cộng đồng DN mong muốn là những hỗ trợ thực tế hơn, ông đánh giá thế nào về điều này?

-Trong đạo luật vừa có luật khung vừa có những hướng dẫn cụ thể. Do đó, cần phải xem xét lại khái niệm về cụ thể. Cụ thể không chỉ là tỷ lệ thuế giảm bao nhiêu, lãi suất bao nhiêu mà còn biểu hiện ở chỗ phân công nhiệm vụ cụ thể.

Trong đạo luật đã đề cập đến phân công nhiệm vụ cụ thể, bước đầu đã có định hướng rõ ràng nhưng phải chờ văn bản hướng dẫn vì có nhiều điểm mới. Ví dụ nói về quỹ hỗ trợ đổi mới sáng tạo, trong đó có yếu tố rủi ro nhiều, nên không thể cụ thể quá được cần phải có giai đoạn để điều chỉnh dần. Còn lại cái gì chín muồi cần phải cụ thể ngay như: hoạt động hỗ trợ đổi mới sáng tạo, cung cấp thông tin…

Theo ông, Luật ra đời sẽ có tác động như thế nào đến cộng đồng DNNVV?

-Tôi cho rằng, sẽ tác động rất nhiều đến cộng đồng DN. Thứ nhất, lần đầu tiên cộng đồng DN sẽ có một văn bản pháp lý quan trọng dựa vào đó để bảo vệ mình. Tác động thứ hai, nhờ chính sách hỗ trợ sẽ làm thay đổi một phần trong các DN. Đó là sự chuyển đổi từ cách làm ăn bài bản hơn dựa vào các khoa học kỹ thuật nhiều hơn.

Dựa vào các nghiên cứu từ viện, trường, DN sang cơ chế thị trường nhờ bộ công cụ hỗ trợ, từ giảm thuế đến tiếp cận tín dụng, thuê mặt bằng sản xuất với chi phí thấp, được tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, cùng vác thủ tục hành chính thuận lợi, đẩy mạnh giá trị gia tăng cho DN. Ngoài ra một số quy định của luật cũng giúp DN đứng vững hơn trên thị trường nội địa.

Theo ông, để Dự thảo có tính hiệu quả nhất cơ quan ban ngành cần giải pháp nào?

-Theo tôi các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương cần phải tập trung triển khai nhanh, khắc phục tình trạng trước đó là chúng ta ra một văn bản rất hay, có ý nghĩa nhưng triển khai không nhanh. Có những nội dung quy định đã ban hành nhưng 2-3 năm sau khi có Luật mới triển khai.

Đơn cử như, năm 2001 ban hành chính sách hỗ trợ DNNVV, nhưng sau 16 năm gần 20 địa phương không triển khai gì, không phê duyệt bất cứ tác động gì. Như vậy, Luật mới phải có sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan liên quan để khắc phục tình trạng có chính sách nhưng chậm triển khai.

Trân trọng cảm ơn ông!

Hồ Hương (thực hiện)