Nữ đạo diễn và đề tài hậu chiến
Cùng với phim tài liệu “Ta còn gửi lửa trong than”, phim truyện “Mắt biển” của Điện ảnh Quân đội Nhân dân được chọn để chiếu khai mạc Tuần phim kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ vào tối 24/7 tại Phú Thọ. Đại Đoàn Kết đã có cuộc trò chuyện với nữ đạo diễn Đặng Thái Huyền.
Cảnh trong phim “Mắt biển”.
PV: Chị, với tư cách đạo diễn của phim, cảm thấy thế nào khi “Mắt biển” được chọn chiếu khai mạc Tuần phim?
Đạo diễn Đặng Thái Huyền: Rất vinh dự. Đây không chỉ là vinh dự của cá nhân tôi mà còn là vinh dự chung cho toàn bộ êkíp. Tôi mong khán giả sẽ đón nhận bộ phim vì chúng tôi đã gửi gắm trong đó rất nhiều tâm huyết.
Vì sao chị tiếp tục làm “Mắt biển” khi mà dự án điện ảnh trước của chị, “Người trở về”, cũng có bối cảnh chiến tranh, tình yêu của người lính, lòng thủy chung, sự hi sinh của người phụ nữ Việt Nam?
-“Mắt biển” là một trong những dự án nằm trong kế hoạch sản xuất phim hàng năm của Điện ảnh Quân đội. Và tôi đã được lãnh đạo hãng giao nhiệm vụ thực hiện. Tuy nhiên đây cũng là đề tài sở trường và là đề tài tôi luôn yêu thích.
Là một đạo diễn trẻ, chưa từng trải qua cuộc chiến, khi làm phim có yếu tố chiến tranh, đâu là điều chị cảm thấy khó khăn nhất?
-Cái khó đầu tiên là phải tìm hiểu và đặt mình vào bối cảnh lịch sử lúc đó để phân tích xem nhân vật của mình trong hoàn cảnh đó sẽ nghĩ gì và hành động ra sao. Và đương nhiên rồi, tiếp sau đó là phải nghiên cứu về cảnh chiến tranh trong phim của các tiền bối, trong các thước phim tư liệu để có thể tái hiện cảnh bom đạn chân thực nhất. Tuy nhiên điều này với nữ giới luôn là điều không dễ dàng.
Với riêng “Mắt biển”, khó khăn lớn nhất chị phải vượt qua là gì? Kinh phí thấp, tìm diễn viên, hay sự bỏ cuộc vào phút cuối của biên kịch?
-Khó khăn muôn thủa là tìm bối cảnh cho phim trong tình hình tất cả khung cảnh của những năm trước và sau chiến tranh đã không còn, kinh phí phim không đủ để phục dựng lại tất cả. Chúng tôi đã phải cố gắng và nỗ lực rất nhiều.
Thế còn việc khúc mắc trong khi làm việc với biên kịch?
-Cũng là vấn đề muôn thủa, đó là đạo diễn và biên kịch không tìm được tiếng nói chung trong việc tiếp cận và thể hiện câu chuyện. Mà tôi tự nhận thấy, ngoài cuộc sống tôi là người dễ tính và thoải mái nhưng trong công việc lại rất bảo thủ, cực đoan. Tôi luôn bảo vệ đến cùng quan điểm của mình khi đứng trước tác phẩm.
Hoặc là tôi sẽ làm theo ý của tôi, hoặc tôi sẽ dừng lại để chuyển giao công việc đó cho người khác chứ ít khi thỏa hiệp. Nhưng may mắn là từ những phim đầu tay cho tới trước “Mắt biển”, tôi chưa sai với bất kỳ quyết định và sự bảo thủ nào của mình. Còn tính từ “Mắt biển” về sau thì chưa biết. Vì “Mắt biển” chỉ sắp ra mắt khán giả. Tôi chờ sự phản hồi (cười).
Là phụ nữ, lại làm phim về đề tài hậu chiến, hẳn chị sẽ nghiêng về phe nước mắt?
-Tôi không nghiêng mà tôi khẳng định phụ nữ và trẻ em luôn là những đối tượng mà tôi quan tâm và theo đuổi trong sự nghiệp sáng tác của mình. Tôi cho rằng, khi cuộc chiến đi qua, họ là những nạn nhân chịu nhiều thiệt thòi và mất mát nhất.
Đạo diễn Đặng Thái Huyền.
Trong bộ phim “Mắt biển”, chị tiếp tục mời diễn viên Lã Thanh Huyền. Chị không sợ sự lặp lại hoặc sợ tâm lý khán giả thấy nhàm?
-Tôi mời diễn viên mà tôi thấy phù hợp với nhân vật nhưng trên hết đó phải là diễn viên yêu và xả thân vì vai diễn. Tôi tìm thấy điều đó ở Lã Thanh Huyền và trân trọng cô ấy vì những tố chất đó.
Vậy chị đánh giá như thế nào về Lã Thanh Huyền và những diễn viên khác khi phim đã đóng máy?
-Công tâm nhất thì nên chờ sự đánh giá của khán giả. Còn đối với tôi, từ Lã Thanh Huyền cho tới hai diễn viên phía Nam là Khôi Trần và Minh Đức đều khiến tôi hài lòng. Họ nghiên cứu kịch bản và vai diễn rất kỹ. Khi thực hiện cảnh quay, tôi nhìn thấy Ngân, Vỹ, Thành đang ở trước mặt chứ không phải là những diễn viên đang diễn vai của mình.
Phim tiếp theo của chị sẽ tiếp tục về đề tài hậu chiến?
-Sau “Mắt biển”, tôi muốn thử sức mình ở đề tài khác. Nếu không có gì thay đổi, ngày 18/8 tới, tôi sẽ ra mắt bộ phim điện ảnh tâm lý kinh dị “Lời nguyền gia tộc”. Sau đề tài chiến tranh cách mạng đây cũng là đề tài mà tôi yêu thích và nghiên cứu từ lâu. Tôi mong khán giả sẽ theo dõi và đón nhận một bước chuyển mới này của tôi.
Trân trọng cảm ơn đạo diễn!
Bộ phim “Mắt biển” là câu chuyện tình yêu thời chiến éo le giữa Ngân, Thành và Vỹ. Ngân yêu Thành nhưng bố cô lại gả cho Vỹ vì hai gia đình đã có lời ước hẹn từ xưa, khi họ còn là đồng đội ở chiến trường. Dù đã là vợ Vỹ nhưng trái tim Ngân vẫn khắc khoải tình yêu dành cho Thành. Vỹ và Thành cùng ra trận một ngày. Hết chiến tranh, ngày Vỹ trở về trong sự vui mừng của gia đình và làng xóm cũng là lúc gia đình Thành nhận được giấy báo tử. Vỹ nhận ra tình cảm mãnh liệt của Ngân chỉ dành hết cho người đã mất, nên đã “giải phóng” cho Ngân. Còn Ngân, cô vẫn yêu và tin rằng có ngày Thành sẽ trở về. |