Cảnh giác với ngộ độc nấm
Vừa qua, nhiều trường hợp ăn phải nấm độc bị ngộ độc dẫn đến hậu quả đáng tiếc do đang rấy lên mối lo ngại trong xã hội. Mới đây, vụ ngộ độc nấm ở Sơn La khiến 12 người nhập viện trong tình trạng khó thở, đau bụng dữ dội và tiêu chảy càng khiến dư luận thêm băn khoăn.
Nấm trong tự nhiên có màu sắc bắt mắt lại thường có độc tố. Ảnh minh họa.
Nhận biết nấm độc?
Theo các chuyên gia y tế, nấm là loại thân mềm, mọc tự nhiên ở khắp nơi, song tập trung nhiều ở rừng và những vùng ẩm thấp có cây cối rậm rạp, ít ánh sáng. Nấm rất phong phú về chủng loại, tuy nhiên nấm sử dụng ăn được và an toàn cho con người thì rất ít.
Từ xưa, nấm đã được con người dùng làm thức ăn và được coi là một thực phẩm có nhiều chất dinh dưỡng. Nước ta có nhiều loại nấm ăn tốt dùng làm thực phẩm hàng ngày, như nấm hương, nấm mỡ, nấm rơm, nấm rạ, nấm mối, nấm tràm, nấm trứng, mộc nhĩ...
Trong thiên nhiên có nhiều loài nấm quý, nhưng cũng có không ít nấm độc, ăn nhầm phải có thể chết người. Những loài nấm này thường mọc trong rừng, ven rừng, trên các bãi cỏ. Để phân biệt nấm ăn được với nấm độc, người ta cho rằng nấm độc có màu sặc sỡ, có mùi hắc... nhưng thực tế không hoàn toàn đúng như thế. Có những nấm màu trắng dịu, vị thơm ngon mà vẫn rất độc như loại nấm tán độc trắng.
Vì vậy không thể nhìn bề ngoài để phân biệt nấm độc với nấm ăn, mà cần có kinh nghiệm và sự hiểu biết kỹ về các loài nấm. Việc người dân, bà con dân tộc cho rằng nấm bị côn trùng ăn thì có thể ăn được là quan niệm sai lầm và rất nguy hiểm. Nấm có sâu bọ ăn hoặc cho gà, chó ăn không chết nhưng vẫn có thể gây độc với người.
Để đề phòng ngộ độc nấm, tốt nhất ta chỉ ăn những loại nấm đã quen biết, chắc chắn là nấm ăn được, tuyệt đối không ăn những nấm lạ, nấm hoang dại kể cả nấm mầu trắng, nấm có đủ các phần của thể quả (mũ, phiến nấm, cuống, vòng cuống và bao gốc) đặc biệt là những loại nấm có đầy đủ vòng cuống, bao gốc thường là nấm độc.
Bên cạnh đó, một số loài nấm ăn được cũng có thể trở nên độc trong những trường hợp nấm bị ôi thiu, nấu không kỹ, hoặc khi có rượu trong máu. Do đó, chúng ta không nên ăn nấm bị giập nát, những nấm đã ôi thiu; phải cẩn thận khi chế biến nấm, đồng thời không nên uống rượu khi ăn nấm vì rượu làm tăng thẩm thấu độc tố nấm vào máu. Mỗi lần chế biến không nên dùng nhiều loại lẫn lộn mà chỉ nấu một loại duy nhất. Ngoài việc đề phòng lẫn nấm độc, còn vì nhiều loại nấm nấu cùng sẽ gây phản ứng hóa học, không độc cũng trở thành độc.
Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, trên thế giới hiện nay có trên 10.000 loài nấm đã được xác định danh tính, trong đó có hàng trăm loại nấm độc. Những loại nấm có đủ mũ, phiến, cuống, vòng và bao gốc hầu hết là nấm độc. Loại nấm độc nhất là nấm lục (hay nấm độc xanh đen), có hình thức hấp dẫn nhất, ngộ độc nặng nề, diễn biến ngộ độc không thể lường trước được và là nguyên nhân tử vong của hầu hết các trường hợp ngộ độc nấm xảy ra hàng năm ở nước ta.
Các loài nấm thuộc nhóm có các độc tố khác nhau nhưng đều gây ra các triệu chứng buồn nôn và nôn, đau bụng, tiêu chảy, mệt mỏi... Triệu chứng đầu tiên xuất hiện từ 30 phút đến 3 giờ sau khi ăn nấm và các triệu chứng rối loạn tiêu hoá thường kéo dài 2 - 3 ngày (tuỳ theo loài nấm và số lượng nấm đã ăn). Những trường hợp bị ngộ độc nặng có thể xuất hiện những dấu hiệu mất nước và chất điện giải dẫn đến tử vong do trụy tim mạch.
Tỉ lệ tử vong vẫn cao
Nói về tình trạng ngộ độc nấm, TS.BS Nguyễn Tiến Dũng- Trung tâm Chống độc (BV Bạch Mai) cho biết, mỗi năm, Trung tâm tiếp nhận và điều trị hàng trăm ca ngộ độc nấm, con số tử vong cũng khoảng vài chục người. Điều trị ngộ độc nấm chủ yếu bằng các biện pháp hồi sức cấp cứu, giải độc với chi phí tốn kém nhưng tỉ lệ tử vong vẫn cao.
BS Dũng cho biết, người bị ngộ độc nấm thường có những dấu hiện về đường tiêu hóa sau khi ăn bị nôn, ỉa chảy. Những loại nấm độc có những dấu hiệu rối loạn đường tiêu hóa sớm thường không gây nguy hại cho sức khỏe bằng nấm có biểu hiện muộn. Ngộ độc các loại nấm này chỉ cần truyền dịch sẽ khỏi.
“Những loại nấm có những biểu hiện muộn sau 6 tiếng lại rất nguy hiểm dễ mất mạng. Bởi vì, triệu chứng của nó thường mơ hồ có đi ngoài, nôn nhưng tự cầm sau đó. Khi các triệu chứng quay lại có thể gây tổ thương gan, thận suy đa tạng và tử vong. Đã từng có gia đình 5 người tại Thái Nguyên cả nhà nhập viện tỉnh táo.
Nhưng sau đó vài giờ đã có những tổn thương gan”-TS Dũng nói. Trong nấm chất gây ngộ độc mạnh dẫn đến tử vong là do chất amatoxin. Bệnh nhân ăn phải loại nấm có chứa amatoxin sau 6 giờ mới xuất hiện triệu chứng, gây chảy máu, tổn thương gan, chết do suy đa tạng.
Có một số bệnh nhân giai đoạn 1-2 ngày đầu ngộ độc với các biểu hiện nôn nhiều, tiêu chảy liên tục như tả, gây mất nước và rối loạn điện giải, trụy mạch, tiểu ít hoặc vô niệu thì các dấu hiệu này thường hết, càng dễ khiến người bệnh, thậm chí cả thầy thuốc hiểu lầm là đã khỏi.
Tuy nhiên 2-3 ngày sau bệnh nhân sẽ xuất hiện tình trạng vàng mắt, vàng da, chán ăn, đầy bụng, mệt mỏi. Người bệnh sẽ dần mê sảng rồi hôn mê sâu, xuất huyết nhiều nơi và tử vong.
Xử lý ban đầu tránh biến chứng nặng
Theo các chuyên gia y tế, trong khi chờ cấp cứu, bằng mọi biện pháp phải loại nhanh chất độc ra khỏi cơ thể bệnh nhân bằng cách gây nôn, sau đó uống nhiều nước, chú ý chỉ gây nôn khi bệnh nhân còn tỉnh táo. Có nhiều cách gây nôn nhưng theo kinh nghiệm của các bác sỹ, nên gây nôn bệnh nhân bằng cách dùng bàn chải đánh răng đưa sâu vào cuống lưỡi sẽ gây nôn ngay lập tức.
Có thể giải độc bằng than hoạt tính nhưng phải chú ý không để bụi than sặc vào phổi. Uống than hoạt tính: Uống 30g than hoạt tính (2 thìa canh) với 1-2 cốc nước. Than hoạt tính sẽ hấp thụ chất độc, chuyển vào phân để tống ra ngoài. Nếu không có than hoạt tính có thể thay thế bằng carbogast hoặc carbophos 400mg/viên để uống.
Nếu nạn nhân mê man bất tỉnh, cần đưa đi cấp cứu ngay tại cơ sở y tế gần nhất. Nếu người bệnh hôn mê, co giật thì phải cho nằm nghiêng. Khi thở yếu, ngừng thở thì hà hơi thổi ngạt hoặc hô hấp nhân tạo bằng các phương tiện cấp cứu tại chỗ.
BS Nguyễn Trung Nguyên- Trung tâm Chống độc (BV Bạch Mai) cho biết, Việt Nam có khoảng 50-100 loài nấm độc khác nhau, trong đó có những loài có độc tố gây chết người như nấm độc tán trắng, nấm ô tán trắng phiến xanh, nấm độc trắng hình nón. Độc tố nằm trong toàn bộ cây nấm (mũ, phiến, vòng, cuống, bao gốc nấm). Độc tố có thể thay đổi theo mùa, trong quá trình sinh trưởng của nấm, trong môi trường đất đai, khí hậu và thường gây hậu quả nghiêm trọng tới sức khỏe. |