Vào cuộc xử lý nợ xấu
Ngân hàng Nhà nước vừa công bố Chỉ thị số 06/CT-NHNN, quyết tâm cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng và gắn với xử lý nợ xấu. Một lần nữa phấn đấu đến năm 2020 đưa tỷ lệ nợ xấu toàn ngành xuống dưới 3%.
Cơ cấu tín dụng đã đặt trọng tâm vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh.
Để có 1 hoặc 2 ngân hàng thương mại quy mô lớn tại khu vực châu Á
Chủ trương của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), chỉ thị này nhằm triển khai đồng bộ các giải pháp cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) gắn với xử lý nợ xấu tại Đề án 1058, lành mạnh hóa tình hình tài chính, nâng cao năng lực quản trị của các tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật, phù hợp với thông lệ quốc tế; phấn đấu đến năm 2020, các ngân hàng thương mại cơ bản có mức vốn tự có theo chuẩn mực của Basel II; có ít nhất từ 1 đến 2 ngân hàng thương mại nằm trong tốp 100 ngân hàng lớn nhất trong khu vực châu Á.
Thống đốc NHNN yêu cầu cơ quan Thanh tra NHNN, giám sát xây dựng và trình Thống đốc ban hành Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng triển khai Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020; Chỉ đạo từng TCTD xây dựng phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2017 - 2020. Thống đốc đôn đốc công ty quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) xây dựng và triển khai thực hiện phương án xử lý nợ xấu hằng năm và phương án mua, bán nợ xấu theo giá trị thị trường.
VAMC có trách nhiệm tổ chức áp dụng toàn diện các biện pháp quy định tại Nghị quyết 42 để đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu do VAMC đã mua, chưa xử lý; Báo cáo NHNN tình hình xử lý nợ xấu định kỳ hằng thàng.
Đối với từng TCTD, xây dựng phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu cho giai đoạn 2017-2020; trong đó bám sát việc triển khai các chính sách tại Nghị quyết 42 và giải pháp tại Đề án 1058 trình NHNN phê duyệt; có trách nhiệm tổ chức thực hiện phương án sau khi được phê duyệt, trong đó lưu ý tổ chức áp dụng toàn diện các biện pháp quy định tại Nghị quyết 42 để đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, bảo đảm thực hiện mục tiêu xử lý nợ xấu theo phương án đã được NHNN phê duyệt.
Các TCTD phải báo cáo tình hình xử lý nợ xấu định kỳ hằng tháng cho NHNN đồng thời thực hiện có hiệu quả các giải pháp để ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật làm phát sinh nợ xấu tại từng tổ chức tín dụng.
Giao dịch ngân hàng ngày một thuận tiện hơn.
Để đưa vốn đúng nơi
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết: Đến ngày 30/6/2017, tín dụng tăng 9,06% so với cuối năm trước và là mức cao so với cùng kỳ các năm gần đây nhưng vẫn đảm bảo chất lượng tín dụng.
Đặc biệt, cơ cấu tín dụng đã tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh; trong đó, tín dụng đối với một số ngành kinh tế trọng điểm tăng cao hơn so với mức tăng chung của toàn hệ thống, tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro tăng chậm lại.
Sau 3 năm thực hiện Đề án xử lý nợ xấu, hệ thống ngân hàng đã ổn định, an toàn, nhiều TCTD yếu kém được nhận diện...; song vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Mặc dù nợ xấu được kiểm soát dưới 3%, nhưng xét về tổng thể cả nợ xấu và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu còn cao.
Phó Chủ tịch HĐQT Techcombank Đỗ Tuấn Anh cũng nhận thấy việc bên cạnh những hành lang pháp lý, cơ chế cần thiết thì trách nhiệm và năng lực thực tế của mỗi ngân hàng trong công tác xử lý nợ xấu là rất quan trọng. Bản thân các TCTD cần chủ động chuẩn bị nguồn lực, ban hành các văn bản pháp lý phù hợp.
Ông Dương Công Minh- Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cho rằng, việc xử lý nợ xấu sẽ được thực hiện có hiệu quả trên cơ sở có sự thuận lợi khách quan của thị trường bất động sản, về cơ chế, chủ trương cũng như hành lang pháp lý thông qua Nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ xấu và các cơ chế của Đề án tái cấu trúc Sacombank.
Theo các chuyên gia ngành ngân hàng, sau 5 năm tái cơ cấu hệ thống ngân hàng giai đoạn I không có đổ vỡ nào xảy ra, an toàn hệ thống được đảm bảo.
Song phải thẳng thắn nhìn nhận rằng sự yên ổn chỉ là “phần nổi của tảng băng”. Hiện nay, việc xử lý hậu quả khi NHNN mua lại các ngân hàng yếu kém với giá 0 đồng hết sức phức tạp, quy mô nợ xấu và tài sản không sinh lời của các ngân hàng này còn khá lớn.
Nếu nợ xấu không được xử lý đầy đủ, nền kinh tế sẽ bị đình trệ, suy giảm tín dụng, các ngân hàng thương mại hoạt động không hiệu quả.
Theo khẳng định của giới chuyên gia,vì vậy, cần thiết phải có sự hợp tác giữa khu vực công trong việc đẩy mạnh quản lý và xử lý nợ xấu. Vấn đề giải quyết nợ xấu đòi hỏi phải triển khai toàn diện trong thời gian dài và quyết tâm cao.
Trước đó, đoàn công tác của Ngân hàng Thế giới khi làm việc với NHNN Việt Nam đã đề xuất 4 trụ cột chính nhằm hỗ trợ xử lý nợ xấu đối với Việt Nam là: hiện đại hóa khu vực tài chính; củng cố quy định và giám sát ngân hàng; tái cơ cấu và xử lý các ngân hàng và tài sản dưới chuẩn; củng cố giám sát an toàn vĩ mô.
Hiện nay, hơn 70% tài sản đảm bảo của các khoản nợ xấu là bất động sản. Thị trường bất động sản đang có dấu hiệu phục hồi, cộng thêm sự tham gia ngày càng nhiều của các chủ thể mua bán nợ là điều kiện thuận lợi để thị trường mua bán nợ có thể khởi động thành công.
Vấn đề còn lại chỉ còn là cơ chế. Và hiện nay, cơ chế cũng đã được thông qua, Thủ tướng chính phủ đã ký quyết định đề án xử lý nợ xấu, NHNN đưa ra chỉ thị. Kết quả đạt được hay không không chỉ là vấn đề thời gian mà còn phải là cách làm và một quyết tâm rất lớn.
Nếu nợ xấu không được xử lý đầy đủ, nền kinh tế sẽ bị đình trệ, suy giảm tín dụng, các ngân hàng thương mại hoạt động không hiệu quả. Theo khẳng định của giới chuyên gia,vì vậy, cần thiết phải có sự hợp tác giữa khu vực công trong việc đẩy mạnh quản lý và xử lý nợ xấu. Vấn đề giải quyết nợ xấu đòi hỏi phải triển khai toàn diện trong thời gian dài và quyết tâm cao. |