'Vấp' định giá thương hiệu: Doanh nghiệp chậm cổ phần hóa

Minh Phương 24/07/2017 08:25

Nhiều doanh nghiệp (DN) đã phải chi một số tiền không nhỏ cho việc định vị lại thương hiệu, đây là một cản trở lớn đối với tiến trình cổ phần hóa của nhiều DN, tập đoàn lớn.

Xây dựng thương hiệu vẫn là vấn đề khó với doanh nghiệp Việt.

Nhiều điểm nghẽn

Xây dựng, phát triển và định giá đúng giá trị thương hiệu là nhu cầu thiết thực đối với mọi loại hình DN.Trên thực tế đã có một số DNNN được các tổ chức uy tín quốc tế ghi nhận giá trị thương hiệu cao, tạo được uy tín trên trường quốc tế.

Song nhiều thương hiệu lọt vào top đầu thế giới nhưng lại chưa được xác định giá trị tài sản DN tại Việt Nam. Điều này khiến Nhà nước có thể bị thất thoát lớn trong quá trình cổ phần hóa (CPH), DN thiệt thòi trong quá trình cạnh tranh, nhượng quyền thương mại, mua bán, sáp nhập...

Ông Đặng Quyết Tiến- Phó Cục trưởng Cục Tài chính DN, Bộ Tài chính cho biết, Luật Sở hữu trí tuệ quy định, đăng ký quyền sở hữu trí tuệ, tên thương mại hay nhãn hiệu, gắn liền với chủ sở hữu và đăng ký đó.

Nếu chủ sở hữu đó thành lập DN, coi như DN đó bỏ vốn ra, nhưng một DN có gắn thương hiệu sản phẩm, tên thương mại gắn liền pháp nhân đó, nếu pháp nhân này mang đi góp vốn và từ bỏ quyền chủ sở hữu thành nhận cổ phiếu góp, vô hình trung cái tên đó được tồn tại hay không là điều rất khó.

Bộ Tài chính đã từng cấp giấy phép cho một liên doanh Hàn Quốc với Công ty Fafilm của Việt Nam trước đây. Khi chưa có Luật Sở hữu trí tuệ, Việt Nam ấn định tên đó một số triệu USD để góp vào, sau này mới điều chỉnh tăng giảm vốn, nhưng lúc này lại nảy sinh vấn đề là giá trị thương hiệu đó tăng lên bao nhiêu…

Theo ông Tiến, Luật DN không quy định việc rút vốn góp bằng thương hiệu. Tuy nhiên, nếu xét theo tính logic thì khi đã được góp vốn bằng thương hiệu thì cũng có thể được rút vốn góp bằng thương hiệu.

Cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ trường hợp cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết không được nhượng cổ phần đó cho người khác và cổ phần của cổ đông sáng lập trong thời hạn 3 năm mới thành lập.

Cùng với đó, theo đề án tái cơ cấu, tập đoàn, tổng công ty sẽ thoái vốn ở một số công ty thành viên, trong đó có cổ phần góp vốn bằng giá trị thương hiệu. Thế nhưng, việc thoái vốn góp bằng giá trị thương hiệu chưa có hướng dẫn nên các DN chưa thực hiện được việc thoái vốn.

Việc này sẽ ảnh hưởng đến tiến độ thoái vốn của DN theo đề án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo Quyết định 929/2012/QĐ-TTg.

Chính vì vậy, cho đến nay, việc xác định giá trị, nhượng quyền sử dụng thương hiệu, góp vốn liên doanh, liên kết... bằng giá trị thương hiệu đối với các DN thuộc mọi thành phần kinh tế ở nước ta vẫn còn là một khoảng trống bỏ ngỏ.

Giải tỏa điểm nghẽn

Vẫn theo ông Đặng Quyết Tiến, trong quá trình CPH việc định giá thương hiệu đã gặp phải một số vướng mắc. Theo đó, trước khi chuyển đổi thành công ty cổ phần, nhiều tập đoàn, tổng công ty lớn, DN cũng rất quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu, nhưng khi DN chuyển đổi mô hình, thì phần giá trị này chưa được định giá chính xác.

Ở khía cạnh pháp lý, giữa các văn bản vẫn chưa có sự thống nhất về phương pháp đánh giá. Từ Nghị định 109/2008/NĐ-CP ngày 10/10/2008 của Chính phủ về bán, giao DN 100% vốn nhà nước đến Nghị định 59/2011/NĐ-CP về CPH DNNN đều xác định lợi thế kinh doanh bao gồm cả giá trị thương hiệu.

Điều này lại không phù hợp với chuẩn mực kế toán Việt Nam số 04, “Giá trị thương hiệu” hay “Nhãn hiệu hàng hóa” được coi là tài sản cố định vô hình.

Do vậy, theo quy định hiện hành, nhiều DNNN khi thực hiện CPH, có thể do kinh doanh hiệu quả thấp, nên phần giá trị thương hiệu không thể xác định được rõ ràng, hoặc nếu có cũng rất thấp, thậm chí nhiều trường hợp còn không có, dù trên thực tế giá trị này vẫn tồn tại.

Đây cũng là những băn khoăn mà nhiều DN, bao gồm các DN thẩm định giá bày tỏ sự quan tâm và kỳ vọng sớm được giải quyết để hỗ trợ cho quá trình xác định giá trị DN khi tiến hành cổ phần hóa, thoái vốn hiện nay.

Nhằm xóa bỏ “điểm nghẽn” này, đại diện Cục Tài chính DN cho biết, các cơ quan chức năng đã có một số định hướng, bổ sung các quy định pháp lý, đặc biệt là tiến hành sửa đổi Nghị định 59/2011/NĐ-CP về chuyển DN 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần... trong đó chú trọng hơn vào việc xác định giá trị DN, giá trị lợi thế kinh doanh.

Cụ thể, dự thảo nghị định quy định, giá trị lợi thế kinh doanh của DN CPH gồm giá trị thương hiệu, tiềm năng phát triển. Dự thảo cũng quy định rõ, giá trị thương hiệu được xác định trên cơ sở các chi phí thực tế cho việc tạo dựng và bảo vệ nhãn hiệu, tên thương mại trong quá trình hoạt động của DN trước thời điểm xác định giá trị DN 5 năm, bao gồm chi phí thành lập DN, chi phí đào tạo nhân viên, chi phí quảng cáo, tuyên truyền trong và ngoài nước để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, giới thiệu công ty; xây dựng trang web...

Đồng thời, giá trị tiềm năng phát triển được tính vào giá trị DN CPH là tiềm năng phát triển của DN được đánh giá trên cơ sở khả năng sinh lời của DN trong tương lai, khi so sánh tỷ suất lợi nhuận của DN với lãi suất trái phiếu chính phủ.

“Vấn đề định giá giá trị thương hiệu, Nhà nước sẽ không quy định mà để cho thị trường quy định. Nhà nước chỉ đưa ra một phép tính để thị trường thẩm định về giá trị của thương hiệu này.

Bộ chỉ đưa ra nguyên tắc và phương pháp. Việc còn lại là DN trao cho công ty tư vấn căn cứ tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam, các thông lệ quốc tế về thẩm định giá tài sản, và đề xuất ra phương pháp tính ngoài phương pháp theo quy chuẩn”- đại diện Bộ Tài chính cho biết.

Khi có phương pháp mới các công ty tư vấn sẽ tính toán, tư vấn cho ban chỉ đạo hoặc chủ sở hữu quyết định giá trị, nhưng người quyết định cuối cùng là chủ sở hữu. Khi chủ sở hữu quyết định xong sẽ đưa ra bán đấu giá trên thị trường. Lúc đó thị trường sẽ xác định DN giá trị bao nhiêu.

Minh Phương