Không để người bệnh tử vong vì sốt xuất huyết
“Phải lọc bệnh, phân tuyến điều trị sốt xuất huyết”- Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị trực tuyến về công tác phòng chống dịch bệnh diễn ra tại Bộ Y tế chiều 24/7. Đến thời điểm này, đã có ít nhất 17 người trên cả nước tử vong bởi sốt xuất huyết. Ngoài nguyên nhân bệnh nặng, Bộ Y tế cho rằng, số người tử vong cao còn xuất phát từ sự thờ ơ của người dân với dịch bệnh.
Tăng cường phun thuốc diệt muỗi để phòng chống dịch sốt xuất huyết. Ảnh: TTXVN.
Dịch chạm đỉnh dù chưa đến mùa
Thông tin từ Bộ Y tế, hiện sốt xuất huyết (SXH) đang hoành hành trên cả nước với những điểm nóng tập trung tại các thành phố lớn như: TP HCM, Bình Dương, Đà Nẵng, Hà Nội... PSG Trần Đắc Phu- Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, cho biết, tính đến giữa tháng 7-2017 cả nước đã có gần 58.900 trường hợp mắc sốt xuất huyết phải nhập viện điều trị, trong đó 17 ca tử vong được xác định do sốt xuất huyết gây ra.
So với cùng kỳ năm 2016, số trường hợp nhập viện tăng 12,6%, số trường hợp tử vong tăng 3 trường hợp. Tích lũy từ đầu năm đến nay, số mắc nhập viện tăng cao ở khu vực miền Bắc và miền Nam, giảm ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Những ngày gần đây, trời liên tục mưa, tạo môi trường thuận lợi cho lăng quăng, bọ gậy, muỗi phát triển khiến cho công tác phòng chống dịch thêm khó khăn.
Tại Hà Nội, từ đầu năm đến nay, số ca bệnh SXH vào khám tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương khoảng 5.000 trường hợp. Trong khi, tại khoa truyền nhiễm Bệnh viện Bạch Mai, số bệnh nhân cũng SXH tăng vọt, chỉ mới 20 ngày đầu tháng 7 mà số bệnh nhân đã gấp đôi của toàn tháng 6.
Điều đáng nói, mặc dù đến thời điểm này hầu hết bệnh nhân sốt xuất huyết đều mắc các type cũ nhưng đa số các bệnh nhân nặng sốt xuất huyết nhập viện ở độ tuổi trung niên đều có nền bệnh sẵn như đái tháo đường và tăng huyết áp. Một số trường hợp bệnh nhân sốt xuất huyết đã bị biến chứng xuất huyết não, xuất huyết tiêu hóa…
Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng dịch SXH đến sớm và tăng rất nhanh. Trong các tỉnh miền Bắc thì Hà Nội là địa phương có số bệnh nhân SXH cao nhất, chiếm khoảng 90%. Theo ông Hạnh, thông thường, Hà Nội sẽ căng thẳng SXH vào tháng 9 đến tháng 11, nhưng năm nay, mới giữa tháng 7 Hà Nội đã có đến trên 5.000 ca mắc SXH.
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Kính- Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, con số bệnh nhân chắc chắn chưa dừng lại bởi đang là đỉnh dịch đến sớm. Hơn nữa miền Bắc vẫn đang mưa liên tục. Kinh nghiệm cho thấy sau mưa nắng lên, muỗi ào ào phát triển, đẻ trứng, số bệnh nhân SXH sẽ lại tăng lên. “So với cùng kỳ năm ngoái bệnh nhân SXH vào viện khám tăng 4 lần. Chúng tôi đang rất lo sợ ca bệnh vẫn tiếp tục tăng từ giờ đến tháng 9, rồi lại thời kỳ căng thẳng đỉnh dịch tháng 9 đến tháng 11”- PGS Kính bày tỏ lo ngại
“Nuôi” dịch trong nhà
Phân tích nguyên nhân dẫn đến sốt xuất huyết gia tăng, PSG Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho rằng: ngoài những nguyên nhân khách quan từ diễn biến bất thường của thời tiết, sự thích nghi của các chủng vi rút gây bệnh thì nguyên nhân chủ quan dẫn tới sự gia tăng theo chiều hướng nguy hiểm chính là sự thờ ơ của con người.
Nhiều người chẳng những khiến môi trường ô nhiễm, mà còn còn né tránh chính nhiệm vụ bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình. Một bộ phân dân cư thậm chí còn thể hiện thái độ bất hợp tác với cơ quan chức năng trong việc phun hóa chất diệt muỗi, quay lưng lại với nỗ lực tuyên truyền của các nhà chuyên môn. Thiếu kiến thức và thiếu cả ý thức phòng chống bệnh đã tạo điều kiện cho muỗi gây bệnh phát triển, khi mắc bệnh thì không nhận biết được dấu hiệu, nhiều trường hợp đến bệnh viện thì đã muộn.
Quang cảnh Hội nghị.
Theo các chuyên gia y tế, SXH đến sớm vì mùa mưa đến sớm hơn. Hơn nữa ở Hà Nội các công trình xây dựng mọc lên khắp nơi, môi trường sống khá tệ ở các khu nhà trọ là nguyên nhân dễ làm SXH lây lan. Thực tế kiểm tra tại các khu nhà trọ, công trường xây dựng tồn tại rất nhiều ổ bọ gậy do có nhiều vật dụng chứa nước đọng.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, sau khi cùng đoàn đã đi thực địa kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân và xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh (TP HCM), ông và đoàn công tác nhận thấy, dù đã được ngành y tế địa phương tuyên truyền, vận động thực hiện các biện pháp diệt muỗi, diệt lăng quăng nhưng tại 2 khu vực trên, trong nhiều hộ dân các vật dụng phế thải vẫn ngổn ngang trong nhà, ngoài vườn trở thành vật dụng chứa nước mưa. Vật dụng phế thải tại các hộ dân được đoàn kiểm tra ghi nhận có nhiều lăng quăng đang sinh trưởng…
Cứu chữa kịp thời cho người bệnh
Nhận định về tình hình bệnh sốt xuất huyết đang diễn ra, các đại biểu tham dự Hội nghị đều nhấn mạnh: SXH đang có những diễn biến phức tạp gây quan ngại rất lớn. Thứ nhất, tốc độ gia tăng của sốt xuất huyết ở mức nhanh hơn so với năm ngoái, mức trung bình chung của toàn quốc là 15% đến 17%. Thứ hai, bệnh đến sớm hơn nếu mọi năm là tháng 8 hoặc tháng 9 bệnh mới tăng cao thì năm nay khoảng cuối tháng 5 SXH đã tăng ở mức đáng lo ngại. Thứ 3, chủng của SXH có 4 loại từ (Dengue I đến IV), mọi năm Dengue II ít nhưng năm nay chủng này đang nổi lên.
Bộ Y tế nhận định bệnh sẽ tiếp tục gia tăng, đặc biệt năm nay có tháng 6 nhuận, cao điểm mùa hè kéo dài sẽ là thời điểm bất lợi trong phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm. Số ca mắc bệnh chắc chắn sẽ tiếp tục tăng cao, nguy cơ trở thành dịch lớn, số người chết vì bệnh do đó cũng chưa dừng lại.
Chỉ đạo tại Hội nghị giao ban trực tuyến, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, trước tình hình dịch SXH đang diễn biến rất phức tạp, Bộ đã chỉ đạo các Vụ, Cục cung cấp cho các địa phương đủ số cơ số thuốc để phòng chống dịch.
Bộ trưởng Y tế nhấn mạnh, vấn đề là cần phải tuyên truyền cho người dân nâng cao cảnh giác phòng chống bệnh, ý thức dọn dẹp nhà cửa, môi trường xung quanh không để các vật dụng có thể chứa nước đọng từ vỏ chai, lon nước , chum vại, phải úp xuống hoặc thả cá… để diệt loăng quăng. Lưu ý người dân khi sốt cao mà không hạ sốt thì phải đến các cơ sở y tế.
“Khi người dân đã mắc bệnh thì phải được cứu chữa kịp thời, không để xảy ra tử vong. Muốn như vậy thì các cơ sở tiếp nhận bệnh nhân phải làm tốt công tác lọc bệnh, phân tuyến điều trị. Nếu bệnh nhân nặng thì phải cấp cứu ngay, nếu nhẹ có thể chuyển xuống tuyến dưới điều trị. Không được để xảy ra quá tải, không để bệnh nhân phải nằm ghép, nếu không sẽ làm tăng tỷ lệ tử vong cũng như lây nhiễm chéo và để lại tâm lý hoang mang cho người dân một cách không cần thiết. Đây là bài học kinh nghiệm trong công tác phòng chống SXH nhiều năm qua tại các tỉnh phía Nam”- Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh.