Kiểm toán 'bắt bệnh' ngân hàng

T.Hằng 25/07/2017 09:30

Một số ngân hàng trốn tránh trích lập dự phòng rủi ro, hoạt động tín dụng phạm nhiều sai phạm... là một trong những nội dung mà bản báo cáo kết quả kiểm toán năm 2016 và kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán năm 2015, của Kiểm toán Nhà nước vừa đưa ra.

Tăng cường giám sát để hoạt động tín dụng hiệu quả. Ảnh minh họa.

Nợ khó đòi tồn đọng nhiều năm

Theo Kiểm toán Nhà nước (KTNN), một số ngân hàng thương mại (NHTM) gặp sai phạm trong hoạt động tín dụng, còn tồn đọng nhiều khoản cho vay, công nợ khó thu hồi do lãnh đạo ngân hàng cố ý làm trái, vi phạm pháp luật, việc xử lý hết sức khó khăn và tỷ lệ thu hồi rất thấp.

Báo cáo của KTNN cũng cho biết, Công ty quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) chưa chủ động xử lý nợ xấu mà chủ yếu thông qua các tổ chức tín dụng bán nợ tự thực hiện với kết quả thấp. Tổng thu hồi nợ từ năm 2013 đến 2015 của VAMC là 22.902 tỷ đồng, chiếm 10,4% dư nợ đã mua. Việc cân đối vốn của ngân hàng chính sách xã hội rất khó khăn, trong đó nhiều khoản vay từ Kho bạc Nhà nước, chính Ngân hàng nhà nước phải gia hạn hoặc khoanh nợ.

Theo Báo cáo của KTNN, đối với việc thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011 - 2015, hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) bước đầu đã được cơ cấu lại, NHNN đã kiểm soát và từng bước xử lý các TCTD yếu kém; tình trạng tài chính và năng lực hoạt động của các TCTD bước đầu đã được củng cố và lành mạnh hóa; mức độ an toàn và hiệu quả hoạt động của các TCTD được cải thiện, nguy cơ đổ vỡ, gây mất an toàn hệ thống các TCTD giảm đáng kể…

Song chính kết luận của KTNN cho biết, một số TCTD chưa được phê duyệt phương án tái cơ cấu; cơ chế, chính sách hỗ trợ tái cơ cấu, xử lý nợ xấu còn nhiều bất cập; hoạt động của các TCTD còn nhiều tồn tại và tiềm ẩn rủi ro như: tỷ lệ nợ xấu theo báo cáo của NHNN chưa phản ánh đúng thực chất tình hình nợ xấu của các TCTD. Việc xử lý nợ xấu chưa hiệu quả còn một số TCTD bị kiểm soát đặc biệt hoặc tình hình tài chính rất yếu kém.

Đặc biệt nhiều TCTC đang tạo và sử dụng lợi nhuận từ doanh thu không chắc chắn (lãi dự thu của các khoản nợ chưa được cơ cấu lại).

Thực tế một số ngân hàng huy động và cho vay không đúng quy trình, quy chế đã dẫn đến sai phạm trong việc cấp tín dụng cũng như các khoản đầu tư cho khách hàng. Giới chuyên gia cũng cho rằng, liên quan đến hoạt động tín dụng, nếu đơn vị chủ quản tăng cường việc kiểm tra, giám sát hàng năm, hàng quý hoặc định kỳ thì đã có thể ngăn chặn nợ ở giá trị thiệt hại nhỏ và trách nhiệm cán bộ tín dụng cũng chỉ chịu ở mức thấp.

Đến giai đoạn hiện tại, năm 2017, nợ xấu theo báo cáo của NHNN đang có xu hướng giảm xuống nếu xét theo tỷ lệ, ngân hàng cũng đã tích cực trích lập dự phòng rủi ro hơn song khi so sánh tổng quy mô nợ xấu, tại nhiều ngân hàng liên tục gia tăng, kể cả nhiều ngân hàng lớn. Chính vì vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, năm 2017, gánh nặng lớn nhất của các ngân hàng vẫn là chi phí dự phòng rủi ro.

Để tránh các vết xe đổ từng gặp, đứng trước yêu cầu tăng cường công tác quản trị rủi ro từng bước phù hợp với các chuẩn mực và thông lệ quốc tế, cùng với yêu cầu tuân thủ Basel II của NHNN, thời gian này nhiều NHTM đã và đang tích cực triển khai lộ trình thực hiện và bước đầu củng cố khuôn khổ quản trị rủi ro ngân hàng trong các lĩnh vực chủ chốt như rủi ro tín dụng, thị trường.

Công ty tài chính cũng dính “chàm”

Không chỉ vạch sai các NHTM, các công ty đầu tư tài chính danh tiếng cũng bị KTNN chỉ yếu kém. Một số đơn vị tồn tại nhiều khoản công nợ phải thu tồn đọng trong nhiều năm, và chưa thu hồi và xử lý dứt điểm. Chẳng hạn Bảo hiểm xã hội Việt Nam chưa thu hồi được 769 tỷ đồng nợ gốc và 735,56 tỷ đồng lãi. Một số khoản đầu tư tài chính hiệu quả quá thấp.

KTNN đưa dẫn chứng: Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước SCIC đầu tư vào 14 doanh nghiệp với tổng số tiền 6.705 tỷ đồng, lợi nhuận được chia năm 2015 là 211 tỷ đồng với tỷ suất sinh lời là bình quân/ vốn đầu tư là 3%. Hay PIT đầu tư vào 3 công ty liên kết 122,64 tỷ đồng với cổ tức bình quân chỉ 1,34%

Riêng Tổng công ty cổ phần Bảo Minh đầu tư vào Công ty tài chính cổ phần Sông Đà 80 tỷ đồng, sau khi sáp nhập vào NHTM cổ phần Quân đội cho kết quả lỗ 26,18 tỷ đồng.

Tại SCIC, các khoản đầu tư vào Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên, Công ty Bột giấy Phương Nam, Công ty cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh, Công ty cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng, Công ty cổ phần Nhiệt điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh cũng không hiệu quả.

Theo kết quả kiểm toán, có 102/198 doanh nghiệp được SCIC tiếp nhận với số vốn đầu tư 1.620 tỷ đồng không có lợi nhuận được chia trong năm 2015.

T.Hằng