Dự án trăm tỷ không phát huy hiệu quả
Dự án xây dựng Trung tâm sản xuất giống lúa chất lượng cao tại huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình được phê duyệt với nguồn vốn đầu tư lên tới hơn một trăm tỷ đồng.
Hệ thống kênh mương của Dự án xây dựng không phù hợp.
Nhưng thực tế, khi đi vào hoạt động, hiệu quả Dự án mang lại khá yếu ớt, khiến người nông dân tham gia trồng lúa giống tỏ ra bức xúc, bởi đơn vị đứng ra bao tiêu sản phẩm không giữ đúng cam kết. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng như HTX dịch vụ nông nghiệp lúng túng trong việc giám sát thực hiện ràng buộc giữa người làm lúa giống với đơn vị thu mua.
Chưa thực hiện đúng cam kết
Tại lò sấy lúa giống của Hợp tác xã nông nghiệp Đông Cường, thuộc xã Khánh Cường, huyện Yên Khánh (HTX Đông Cường), gia đình bà Phạm Thị Bảy cùng 5 lao động đang đóng bao gần 60 tấn lúa giống.
Khi gặp chúng tôi, bà Bảy tỏ ra khá bức xúc, bà nói: “Nghe kêu gọi của HTX Đông Cường, gia đình tôi đầu tư sản xuất 10ha lúa giống HN6. Trước khi gieo cấy, Cty Quang Minh, đơn vị liên kết với HTX Đông Cường cam kết thu mua lúa giống cao hơn giá lúa thương phẩm 12 giá. Giá lúa thương phẩm bán 600.000 đồng/tạ thì lúa giống sẽ mua giá 720.000 đồng/tạ. Nhưng thu hoạch xong, Cty Quang Minh không thu mua theo giá cam kết, chỉ mua bằng giá lúa thương phẩm”.
Theo các hộ sản xuất lúa giống tại xã Khánh Cường thì HTX Đông Cường đứng ra ký kết hợp đồng với đơn vị thu mua là Cty Quang Minh về việc bao tiêu lúa giống của người dân. Song khi thu hoạch, Cty Quang Minh đưa ra lí do, giống lúa trộn lẫn các giống khác nên chỉ thu mua bằng giá lúa thương phẩm. Trong khi, quá trình sản xuất lúa giống, người dân mất thêm rất nhiều công chăm sóc làm cho chi phí sản xuất bị đội thêm.
Bà Bảy cho biết thêm: “Kỹ thuật chăm sóc lúa giống khá cầu kỳ, nhiều công đoạn phải thuê nhân công, làm theo mô hình sản xuất lúa giống chất lượng cao, càng khiến chúng tôi vất vả hơn. Đến khi thu hoạch, năm nay lúa được mùa, người dân mừng khấp khởi. Vậy nhưng sau đó, Cty Quang Minh không thu mua theo giá cam kết khiến người làm lúa giống phải gánh chịu thiệt hại”.
HTX Đông Cường là một trong 2 đơn vị hưởng lợi từ Dự án Trung tâm sản xuất lúa giống chất lượng cao xã Khánh Trung và xã Khánh Cường, được đầu tư từ ngân sách nhà nước với tổng nguồn vốn gần 150 tỷ đồng. Ngân sách trung ương hỗ trợ 134,9 tỷ đồng, phần vốn còn lại cân đối từ ngân sách địa phương.
Dự án này do UBND huyện Yên Khánh làm chủ đầu tư; 3 HTX nông nghiệp gồm: Đông Cường, Nam Cường (thuộc xã Khánh Cường) và HTX Kiến Thái (xã Khánh Trung) thực hiện và ký kết với Cty chuyên thu mua, cung cấp lúa giống.
Thực hiện Dự án này, tỉnh Ninh Bình và huyện Yên Khánh ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ về cơ sở hạ tầng như trạm bơm, kênh, cống điều tiết, giống gốc, vật tư nông nghiệp với định mức 2 triệu đồng/ha/vụ. Ngoài ra, huyện Yên Khánh còn hỗ trợ kinh phí tập huấn kỹ thuật, chỉ đạo sản xuất theo kế hoạch hàng vụ, hàng năm.
Cần xem xét trách nhiệm
Mục tiêu của Dự án này đặt ra là hình thành mô hình sản xuất giống lúa thuần chất lượng cao, mang lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân. Tiếp đó, huyện Yên Khánh sẽ cung cấp nguồn lúa giống thuần chất lượng cao ổn định với mức giá thành phù hợp cho sản xuất nông nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh Ninh Bình.
Tỉnh Ninh Bình cũng đặt ra kỳ vọng về việc chuyển dịch cơ cấu, mùa vụ, đẩy mạnh công tác khuyến nông và chuyển giao khoa học, kỹ thuật cho nhân dân, góp phần đẩy mạnh sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Vậy nhưng, thực tế đang diễn ra không như mong muốn.
Ông Nguyễn Xuân Thụy - Chủ tịch UBND xã Khánh Cường nói thẳng: “Dự án này không phát huy được hiệu quả. Diện tích sản xuất không đáp ứng yêu cầu, đầu ra cho sản phẩm của người dân vẫn bấp bênh. Năm đầu thực hiện Dự án đã không hiệu quả nên người dân không còn mặn mà. Tôi nghĩ trong niên vụ tiếp theo, địa phương gặp rất nhiều khó khăn để thuyết phục hàng chục hộ nông dân tiếp tục tham gia Dự án”.
Bên cạnh đó, lãnh đạo HTX Đông Cường cho biết: Dự án do UBND tỉnh và UBND huyện thực hiện, chính quyền địa phương, các HTX và người dân là chủ thể được thụ hưởng. Song, quá trình thi công, đại diện các HTX phát hiện những điểm chưa hợp lý về hệ thống kênh mương, lòng mương nhỏ, không phù hợp nên đã kiến nghị lên chủ đầu tư. Nhưng các kiến nghị không được ghi nhận.
Nói về trách nhiệm của HTX, ông Phạm Văn Hanh - Phó Chủ nhiệm HTX Đông Cường đổ lỗi sang phía người nông dân: “Phần cam kết thu mua sản phẩm đúng là do HTX và Cty Quang Minh ký kết. Nhưng vì lý do kỹ thuật, giống lúa không đạt yêu cầu, bán giá thấp, chúng tôi không biết kêu ai”.
Đây là một trong hai dự án trong lĩnh vực nông nghiệp được đầu tư tại Ninh Bình gần như không phát huy được hiệu quả. Cũng tại tỉnh Ninh Bình, Dự án giống thuỷ sản nước ngọt có tổng nguồn vốn đầu tư 198,6 tỷ đồng hoạt động không đạt hiệu quả như mục tiêu đề ra. Cả 2 dự án này dự kiến hoàn thành, đưa vào sử dụng trong năm 2015, nhưng đến nay Bộ KH&ĐT chưa bố trí đủ kế hoạch vốn.
Cụ thể, Dự án Trung tâm sản xuất giống lúa chất lượng cao thiếu 120 tỷ đồng, dự án giống thủy sản nước ngọt thiếu 110 tỷ đồng. Báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015 cho thấy: Kiểm toán Nhà nước đã yêu cầu Bộ KH&ĐT kiểm điểm và xử lý các cá nhân liên quan trong việc này.
Qua hai dự án trên đặt ra vấn đề về việc đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước cần được cân nhắc kỹ càng, tránh đầu tư dàn trải, không hiệu quả. Đối với các dự án đã triển khai nhưng không hiệu quả cần được ngành chức năng liên quan xem xét xử lý trách nhiệm các cá nhân, đơn vị liên quan.