Chấm dứt hợp tác với Vietnam Airlines, hãng hàng không Nhật Japan Airlines chuyển sang 'bắt tay' Vietjet Air
Japan Airlines sẽ hợp tác với Vietjet để cùng vận hành những hành trình dự kiến ra mắt giữa Việt Nam và Nhật Bản trong thời gian tới.
Theo thông tin từ tờ Nikkei, Japan Airlines (JAL) sẽ hợp tác với Vietjet để tái thiết lại sự hiện diện của họ ở thị trường Việt Nam. Thỏa thuận này bao gồm việc chia sẻ chuyến bay liên danh(*) và chuyển đổi dặm thưởng tích lũy giữa các hãng. Ngoài ra, Japan Airlines cũng có thể sẽ cùng Vietjet vận hành những hành trình mà hãng này đang kế hoạch ra mắt vào đầu năm nay giữa Việt Nam và Nhật Bản. Những điểm đến thu hút tại Việt Nam như Nha Trang, Đà Nẵng và Phú Quốc cũng đang được hãng nhắm tới.
(*) Chuyến bay liên danh (codeshare flight) trong ngành hàng không dân dụng là tên gọi một chuyến bay định kỳ mà mang tên cùng lúc nhiều hãng hàng không. Bằng hình thức chuyến bay liên danh, các hãng hàng không tham gia có thể khai thác một số chuyến bay phổ biến bằng cách nối chuyến cho nhau, 2 hãng có thể cùng bay trên một tuyến, hoặc trực tiếp khai thác vận chuyển/gián tiếp tiếp thị vận chuyển.
Năm 2016, Vietjet đang nắm 41,5% thị phần hàng không nội địa tại Việt Nam, chỉ đứng sau Vietnam Airlines với 42,5% thị phần. Hãng hàng không giá rẻ này thậm chí được dự đoán có thể vượt Vietnam Airlines trong năm 2017. Thách thức lớn nhất với Vietjet thời điểm hiện tại là việc phát triển ở thị trường quốc tế. Vietjet hy vọng có thể nâng gấp đôi tỷ lệ doanh thu từ những đường bay quốc tế lên mức 40% trong vài năm tới.
JAL đã chấm dứt việc hợp tác với Vietnam Airlines vào mùa thu năm ngoái sau khi All Nippon Airways – công ty mẹ của ANA Holdings (đối thủ của JAL) đã mua gần 9% cổ phần tại Vietnam Airlines với giá 106 triệu USD.
Dịch vụ của Vietnam Airlines đã được cải thiện nhiều kể từ khi hãng này hợp tác cùng ANA và cũng đã có nhiều chuyến bay hơn giữa Nhật Bản và Việt Nam. Cả 2 hãng cũng đã trao đổi nguồn nhân lực và kinh nghiệm cũng như ra mắt các mẫu máy bay mới trong những hành trình này.
Dường như Vietjet cũng đang kỳ vọng có thể xây dựng được mối quan hệ với một đối tác mạnh như vậy để giúp họ cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Trong khi đó với JAL, thỏa thuận này giúp họ định hình lại vị thế tại một trong những thị trường đang phát triển rất nhanh của Đông Nam Á là Việt Nam. Hơn 10 triệu khách du lịch đã ghé thăm Việt Nam vào năm ngoái, tăng gấp đôi so với năm 2010 và con số này thậm chí còn đang được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng gấp đôi trong năm 2020. Lượng khách từ Nhật Bản cũng tăng 10% lên mức 740.000 người vào năm 2016.
Tuy nhiên, dù tăng trưởng là vậy nhưng những năm qua được xem là khá khó khăn với nhiều hãng hàng không. Ngay cả những hãng hàng không giá rẻ tại Đài Loan, nhất là những đơn vị nắm ít thị phần, buộc phải ngưng hoặc chuyển đổi dịch vụ.
Để đối phó với tình trạng khó khăn đó, giải pháp khả thi nhất là hợp tác với những hãng khác vốn đã có vị thế trong ngành hàng không và thường là những hãng cung cấp đầy đủ dịch vụ thay vì một hãng giá rẻ.
4 hãng giá rẻ trong mạng lưới HNA Group của Trung Quốc cũng lập liên minh U-Fly vào tháng 10/2016. Hãng hàng không giá rẻ của ANA là Vanilla Air và 7 hãng khác cũng cho ra mắt Value Alliance vào tháng 5.
Mối hợp tác giữa một hãng hàng không cung cấp đủ dịch vụ cùng hãng giá rẻ như giữa JAL và Vietjet là xu hướng đang thịnh hành. JAL cũng đã hợp tác cùng Jetstar Airways – một chi nhánh của Qantas. Trước JAL, Vietjet cũng đã hợp tác cùng Air India.
Hãng hàng không của Malaysia là AirAsia cũng đã hợp tác cùng ANA để vận hành một liên minh hãng hàng không giá rẻ tại Nhật.