Nhà thơ Nguyễn Phong Việt: Một câu nói cũng có thể hủy hoại cả sự nghiệp
Nhà thơ Nguyễn Phong Việt, không chỉ là nhà thơ đã tạo nên hiện tượng xuất bản của Việt Nam, khi mỗi tập thơ của anh đều bán được hàng chục ngàn bản, anh còn là một chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực truyền thông chia sẻ.
Nhà thơ Nguyễn Phong Việt.
PV: Từ câu chuyện không hay của ca sĩ Hương Giang Idol và nghệ sĩ Trung Dân vừa qua, ngay sau đó, anh đã đưa quan điểm rõ ràng của mình trên Facebook cá nhân, khi không đồng tình với câu nói của Hương Giang đối với bậc cha chú mình?
Nhà thơ Nguyễn Phong Việt: Tôi nghĩ đó là một câu nói không có văn hoá. Đặc biệt là khi nghệ sĩ Trung Dân đã một lần nhắc lại cho Hương Giang để cô ấy nhận thức mình đang nói sai và cần phải thay đổi đáp án. Tuy nhiên Hương Giang vẫn kiên quyết bảo vệ đáp án của mình thì hành vi ấy không thể nói là bồng bột hay không biết người đang là mục tiêu của đáp án hướng tới là ai. Tôi nghĩ là tôi cũng sẽ phản ứng bằng cách rời bỏ khỏi game show ngay lập tức. Nhất là khi sau đó đã chấp nhận chờ đợi phản ứng từ phía ekip sản xuất nhưng đổi lại thì tất cả đều im lặng.
Không ít người đã cho rằng nghệ sĩ Trung Dân đã phản ứng thái quá, khi đã nhận lời tham gia gameshow đó, thì ông cũng nên lường được tính chất cần có yếu tố câu khách giải trí từ chương trình?
- Tôi cho rằng đó là một phản ứng phù hợp, và thậm chí là cách ứng xử sau đó của nghệ sĩ Trung Dân cũng có chừng mực chứ không thái quá khi rời bỏ trường quay. Đặc biệt với một nghệ sĩ lớn tuổi, khi nghe một nghệ sĩ trẻ đáng tuổi con cháu mình nói như thế mà vẫn tương đối bình tĩnh trong cách ứng xử thì rõ ràng không phải là chuyện dễ dàng.
Câu chuyện phát ngôn thiếu suy nghĩ của ca sĩ Hương Giang cũng đã đủ cho cô ấy một sự nhận thức nghiêm túc có trách nhiệm hơn với mỗi phát ngôn của mình, khi cô ấy đã khóc, xin lỗi và nhận được sự tha thứ của nghệ sĩ Trung Dân. Còn với anh, cũng là một người của công chúng, nhưng dường như anh chọn "gây sốc" với độc giả bởi những tập thơ (bài thơ, câu thơ) của mình hơn là phát ngôn ngoài thơ?
- Riêng về chuyện sáng tác, tôi luôn nghĩ độc giả họ nhớ đến mình bằng tác phẩm. Tôi dù nói hay đến thế nào mà tác phẩm mình dở thì khác nào lấy gậy đập lưng mình. Ngay cả việc tôi chủ ý viết tên của mình bằng chữ thường trên bìa sách cũng là ngụ ý, độc giả quan trọng là họ đọc được gì từ những cuốn sách của tôi, còn tôi chỉ đơn giản là chiếc cầu nối của cảm xúc từ trang viết đến người đọc.
Anh là người luôn giữ thận trọng với mỗi phát ngôn của mình trước công chúng?
- Tôi đã có thâm niên 15 năm làm báo, đặc biệt là trong mảng showbiz. Nên thú thật là đủ hiểu được sức mạnh của ngôn từ đến mức nào. Đôi khi một câu nói có thể huỷ hoại sự nghiệp của một con người. Tôi nghĩ ông bà mình nói : “Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói” thì trong showbiz chắc phải uốn lưỡi gấp đôi số lần như vậy thì hãy nói. Đặc biệt là bây giờ sức mạnh của mạng xã hội rất khủng khiếp. Tôi chỉ nói những gì tôi hiểu và tin là nó có sự chừng mực vừa phải khi chia sẻ với người khác. Ngay cả trong tranh luận, tôi cũng chưa bao giờ dùng từ ngữ miệt thị người khác hay dùng từ ngữ dung tục.
Vậy như anh nói, người nghệ sĩ (người của công chúng) với phát ngôn thiếu suy nghĩ dĩ nhiên sẽ gây ra rất nhiều hậu quả đáng tiếc…?
- Hậu quả đầu tiên đương nhiên là các đồng nghiệp sẽ đánh giá không tốt về con người đó, dẫn đến những hệ luỵ sau này về công việc. Và quan trọng hơn là khán giả nhận ra họ phải làm như thế nào để không còn “những con sâu làm rầu nồi canh” như thế nữa. Khán giả chính là người tạo dựng nên vị trí của nghệ sĩ. Hãy luôn nhớ điều đó.
Tuy nhiên, trên thực tế tôi thấy, không ít bạn trong giới showbiz lại sử dụng phát ngôn gây sốc như một sự muốn làm nổi bản thân không màng tai tiếng?
- Điều này hầu hết đều đến từ sự ảo tưởng về sức mạnh nổi tiếng trong thời đại mạng xã hội và báo online lên ngôi. Nhưng thông tin bây giờ như dòng chảy, nổi tiếng được vài ba ngày thì sau đó sẽ bị thay thế bằng thông tin khác. Tuy nhiên, hãy luôn nhớ một điều, khi bạn sử dụng phát ngôn gây sốc để tạo nên sự nổi bật thì cái giá phải trả cho nó không chỉ là hiện tại mà cả trong tương lai. Vì những gì bạn nói theo cách nào đó chính là phản ảnh tư chất con người bạn.
Có một số ý kiến lại cho rằng, vấn đề gây ra "sảy miệng" từ người của công chúng, nhất là trên một chương trình gameshow, lỗi lại từ phía công chúng/khán giả, những người ưa sự giải trí dễ dãi, lố lăng? Vai trò của nhà sản xuất trong những sự việc như thế này theo anh là gì?
- Tôi đồng ý đôi khi kinh nghiệm của các nghệ sĩ trẻ chưa nhiều nên sẽ có lúc “sảy miệng”. Sai thì sửa và nhận lỗi đó là chuyện bình thường của con người, và đặc biệt không ai đi trách người trẻ về chuyện đó. Nhưng sai rồi mà vẫn cố chấp bảo vệ quan điểm và đổ thừa cho người khác thì không nên dung thứ. Trong những vấn đề rắc rối mà game show gây ra, lỗi lớn nhất là đến từ phía nhà sản xuất. Họ đã rất bị động hoặc có khi là cố tình để cho mọi việc xảy ra mà không giải quyết nó một cách rốt ráo. Chính xác thì họ là “chủ nhà”, nhưng mà luôn tìm cách chơi chiêu để cho “khách” tạo ra những ồn ào giúp cho game show của họ nổi tiếng. Tất nhiên tôi không vơ đũa cả nắm tất cả các game show nhưng phần lớn là như thế.
Là một người giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực truyền thông, theo anh, làm thế nào để người của công chúng giữ được hình ảnh đẹp, lời nói đẹp trước công chúng?
- Tôi nghĩ những nghệ sĩ ít scandal hầu hết đến từ những người có sẵn lòng tự trọng, hoặc là họ đã đi qua nhiều sóng gió để đủ giác ngộ về cách ứng xử với người khác. Việc ứng xử là việc học cả đời. Lỗi lớn nhất của các scandal hầu hết đến từ sự tự tin thái quá của người gây ra lỗi. Mãi cho đến khi hậu quả xảy ra vượt ngoài tầm khống chế thì bắt đầu mới hối hận hay xin lỗi. Và đặc biệt tôi nghĩ các nghệ sĩ VN hầu hết vẫn xem nhẹ vai trò của một người định hướng về truyền thông, trong khi đây là một trong những vai trò tối quan trọng giúp hình ảnh người nghệ sĩ có thể “đẹp và bền bỉ” hơn trong mắt khán giả qua thời gian.
Xin cảm ơn anh về những chia sẻ hữu ích này.