Nhà văn Di Li: Không thể gây thiện cảm với lời nói phản cảm
Nhà văn Di Li ngoài 15 tác phẩm viết đã phát hành, chị còn là giảng viên tại một số trường đại học chuyên về Quan hệ công chúng, chuyên viên trong lĩnh vực Quảng cáo và PR với thâm niên gần 15 năm. Nhà văn Di Li chia sẻ với Tinh Hoa Việt về việc phát ngôn của những người nổi tiếng và kinh nghiệm bản thân.
Nhà văn Di Li.
Thực ra cái từ “người của công chúng” đồng nghĩa anh thuộc về công chúng, và anh phải chấp nhận việc bị công chúng soi xét. Âu cũng là lẽ công bằng vì công chúng mang lại cho anh danh tiếng, vinh quang và tiền bạc thì họ cũng có quyền “giám sát” anh ở một mức độ nào đó. Tôi đã từng viết trong sách rằng: Nói cái gì không quan trọng bằng Ai nói câu đó và Nói ở đâu. Có những điều chúng ở nói ở nhà, giữa một đám bạn thân thì không sao, thậm chí còn được tán tụng, nhưng ra trước công chúng nhiều khi vẹt mất một góc sự nghiệp chỉ vì một câu nói tưởng như vô thưởng vô phạt. Các ngôi sao showbiz sảy miệng thì chẳng gì khác hơn là sự thiếu chuyên nghiệp. Tôi không phán xét câu nói của họ, tôi chỉ cho rằng thật ngớ ngẩn khi nói những câu đó ở chỗ đông người.
Với những phát ngôn ngoài văn chương của tôi, nhiều phóng viên khi tiếp xúc với tôi trở nên bực bội và có người nói thẳng là trò chuyện với chị tức thật đấy, y như ngồi với một người “quyết không khai” ấy (cười). Ấy là vì họ dùng đủ mọi cách để khiến tôi phải bộc lộ những phát ngôn gây sốc hoặc vén lộ những phần đời tư của tôi cho bài báo hấp dẫn, nhưng tôi khéo léo tránh hết. Tất nhiên là tránh gây sốc nhưng lại vẫn khiến những bài trả lời của mình giữ được cá tính để độc giả muốn đọc thì vấn đề trở nên khó khăn hơn, nhưng tôi cố gắng làm điều đó.
Với việc thận trọng với mỗi phát ngôn của mình trước công chúng, như trên Facebook chẳng hạn, với tôi, mạng xã hội là thứ bộc lộ cá tính con người rõ nhất, nó dễ khiến ta dễ bốc đồng, nó lôi kéo ta vào những cuộc tranh cãi, bình luận hoặc chia sẻ cảm xúc cá nhân. Tôi cũng chả thoát được đâu, nhưng tôi có một cách là khi viết một cái status nào thường để vài ngày sau mới post, rất hiếm khi đẩy lên ngay. Như vậy, tôi có thời gian đọc lại. Bởi sau khi cảm xúc đã lắng lại, đọc lại cái mình viết trong lúc bốc đồng thì chính mình cũng nhận ra có cái gì đó ngớ ngẩn, thế là tôi không post nữa. Những bài viết bỏ đi không post nhiều vô số, thậm chí chiếm… đa số.
Trong cuộc sống thì tôi cũng có tiếng là kiệm lời. Tôi ít khi tham gia vào những cuộc trà dư tửu hậu mà chủ đề chính là bình luận và phán xét người khác. Bởi tôi nghĩ, điều mình nói nếu không thể thay đổi được những sự đã xảy ra rồi, không thể khiến cho mọi thứ tích cực lên, không mang lại lợi ích cho bất kỳ ai và bản thân mình mà chỉ nhằm mục đích sướng miệng thì tôi không nói để làm gì. Có rất nhiều người nệ cái mục đích rằng “điều tôi nói là tốt” nhưng kỳ thực ai cũng biết là họ chỉ nhằm sướng miệng và thỏa mãn cái tôi của bản thân.
“Lời nói không mất tiền mua”. Tôi luôn nhắc nhở các sinh viên ở những lớp tôi dạy bộ môn Quan hệ công chúng về điều đó. Cũng chính vì thứ chả tốn kém phí tổn này mà người ta dễ sảy miệng thiếu kìm chế. Ngoài việc đau đầu mất ăn mất ngủ do bị công chúng phản đối thì danh tiếng và thu nhập của những người “sảy miệng” này cũng bị ảnh hưởng. Quan niệm của tôi là đời chỉ sống có một lần nên hãy luôn cố gắng làm những điều mình thích và đừng sống thay cho người khác, nhưng điều đó không có nghĩa là chỉ vì một câu hứng chí mà ta phải gánh chịu bao nhiêu hậu quả tiếp theo. Trả giá như thế liệu có đáng hay không?
Tuy nhiên, như chị nói, vẫn còn một số người sử dụng phát ngôn gây sốc như một sự muốn làm nổi bản thân không màng tai tiếng, tôi cho rằng đó là một sự cuồng danh bệnh hoạn. Trong lịch sử cũng có nhiều người cuồng danh như thế mà tiêu biểu là Herostratus với mong muốn được lưu danh sử sách nên đã đốt quách luôn đền thờ nữ thần Artemis, một trong 7 kỳ quan thế giới cổ đại, bất chấp án tử hình được biết trước. Đến nỗi từ “Người đốt đền” đã trở thành thành ngữ. Hoặc tên Mark David Chapman đã nổ súng ám sát ca sĩ John Lenon để được nổi tiếng. Đến khi bị tống vào tù rồi hắn vẫn ngồi rung đùi sung sướng vì trên đời chẳng ai được như hắn, đã dám bắn ca sĩ lừng danh nhất thế giới. Thực ra hai nhân vật này cũng có vấn đề về tâm lý. Nhiều lần tôi rất mắc cười khi có những phóng viên bình luận về những kẻ bất tài rối loạn tâm lý đó là sự khôn ngoan.
Về vai trò của nhà sản xuất trong những sự việc dẫn tới “sảy miệng” của các “sao”, với tôi, tư duy của nhiều nhà sản xuất cũng có vấn đề. Trong thương mại, người ta luôn coi cạnh tranh về giá là cạnh tranh hạ sách nhất, vì sản phẩm của anh chả có gì để cạnh tranh nổi thì mới phải hạ giá thành sản phẩm để hút khách. Còn trong lĩnh vực giải trí, nghệ thuật, thu hút công chúng bằng scandal thì không gì chứng minh dễ hơn cho sự bất tài vô dụng. Nói thực là những người thích xem scandal như một trò vui luôn chiếm đa số nên nếu người tổ chức sản xuất không kiểm soát được vấn đề này thì năng lực quản lý và kinh doanh của họ quả là kém cỏi.
Theo tôi quan sát thì quả cũng có những khán giả “nhiều chuyện” thật, lắm khi cũng hay bẻ hành bẻ tỏi nghệ sĩ, rồi tát gió theo mưa, nhảy vào chửi bới người nổi tiếng mà lấy đó làm sung sướng, tâm lý đôi khi cũng giống như David Chapman, “tự dưng mình lại chửi được cái nhân vật quan trọng kia”, điều đó cũng mang lại khoái cảm cho họ, nhưng đa phần khán giả có lý, nếu trong chừng mực họ không lăng mạ theo cách thiếu văn hóa. Bởi khán giả là hàng triệu người, có thể có người sai nhưng không thể là sai hết.
Nghề của tôi là PR (Quan hệ công chúng), bản thân cái tên đã nói lên rằng nghề này chăm lo mỗi một việc là giữ quan hệ tốt đẹp với công chúng. Bạn không thể chiếm thiện cảm của công chúng nếu bạn để cho hình ảnh của mình trở nên méo mó, lời nói trở nên phản cảm trước công chúng. Tôi cho rằng những ngôi sao cho rằng những “sảy miệng” của mình là chân thành, là thật thà, là cá tính, là nghĩ sao nói vậy chỉ là sự bao biện cho việc kém chuyên nghiệp trong quan hệ công chúng và trong nhận thức của chính mình”.