Bò Úc nhập đàn cùng bò Việt: Tại sao không?

Trần Hữu Hiệp 26/07/2017 07:45

Cuối năm 2016, hệ thống cửa hàng “bò khỏe” tưng bừng khai trương ở Cần Thơ, bằng việc cung cấp một lượng lớn thịt bò Úc tươi sống, đảm bảo chất lượng cho người tiêu dùng các tỉnh ĐBSCL.

“Bò khỏe” sau hơn nửa năm được “khai sinh”, đã xác lập một chuỗi giá trị của con bò ngoại ngay tại xứ sở đồng bằng, hàng ngày đang mời chào các bà nội trợ bằng lợi thế mới.

Đàn bò Úc nhập khẩu đang nhập đàn bò Việt.

Từ nước Úc đến miền Tây Nam Bộ

Ngày 21/4/2017, tại Tân cảng Cái Cui (Cần Thơ) tổ chức lễ đón tàu biển quốc tế đầu tiên, trong đó có một lô hàng đặc biệt: 1.800 còn bò tơ dưới 20 tháng tuổi từ Úc vượt đại dương đến đây, xác lập một kênh phân phối tiêu dùng mới ở miền Tây.

Cty cổ phần Nông trại Sinh thái Việt là đơn vị nhập khẩu và là chủ đầu tư hệ thống “bò khỏe” phân phối thịt bò Úc tươi sống tại Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL đang hình thành hệ thống cung cấp bò sạch, chất lượng cao trên toàn quốc.

Nhà đầu tư không chỉ nhập hàng, phân phối thịt mà còn đầu tư các trang trại nuôi nhốt tại quận Ô Môn (Cần Thơ) và xây dựng vùng trồng nguyên liệu cỏ voi làm thức ăn cho bò rộng 450 ha cùng hệ thống dây chuyền giết mổ hiện đại đạt tiêu chuẩn ESCAS của Bộ Nông nghiệp Úc.

Đây là quy trình giết mổ bằng phương pháp công nghiệp hiện đại, trong vòng không quá 2 giờ “bò khỏe” đã được cung cấp cho khách hàng với độ tươi ngon gần như nguyên vẹn.

Xét ở góc độ kinh tế, bò ngoại đang nằm “kèo trên” so với bò nội. Theo PGS.TS Nguyễn Đăng Vang- Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Việt Nam, số lượng thịt bò nhập khẩu về Việt Nam tăng rất mạnh trong thời gian gần đây, bán với giá phải chăng và được ưu đãi thuế nhập khẩu.

Thịt bò Úc có giá rất cạnh tranh do được chăn nuôi quy mô lớn, trong khi chăn nuôi bò tại Việt Nam quy mô nhỏ, giống bò chất lượng kém, chưa đảm bảo truy xuất nguồn gốc.

Vì vậy, mặc dù bị đội phí vận chuyển, bò ngoại vẫn đang cạnh tranh về giá bán, chất lượng đảm bảo và đang xác lập một kênh phân phối mới với nhiều lợi thế hơn thịt bò nội.

Bò Úc có “húc chết” bò Việt?

Chuyện không chỉ có ở miền Tây Nam Bộ, thời gian gần đây, thịt bò Úc, bò Mỹ, Pháp được nhập khẩu với số lượng lớn đã “gây khó” cho thịt bò nội. Nhu cầu tiêu dùng thịt bò ở miền Tây nói riêng và cả nước nói chung ngày càng lớn, trong khi nguồn cung trong nước liên tục giảm.

Trước khi nhập “bò Tây”, thị trường trong nước vẫn phải nhập bò thịt từ Campuchia, Thái Lan, Lào qua đường tiểu ngạch, khó kiểm soát kể cả về số lượng cũng như dịch bệnh. Thời gian gần đây, nguồn cung này cũng khan hiếm.

Số liệu thống kê cho thấy, mặc dù nuôi bò sữa được khuyến khích tăng đàn, nhưng tổng đàn bò cả nước vẫn có xu hướng giảm.

Năm 2007, số lượng đàn bò nước ta là 6,7 triệu con, nhưng đến năm 2013 chỉ còn khoảng 4,97 triệu con, giảm 1,73 triệu con trong 6 năm. Hiện cả nước có 5,2 triệu con bò, trong đó, ĐBSCL có gần 678.000 con, xếp thứ 3/6 vùng cả nước, chiếm 13% tổng đàn.

Bến Tre và Trà Vinh là 2 tỉnh có đàn bò lớn nhất với gần 30% tổng đàn bò của vùng. Cơ giới hóa trong nông nghiệp phát triển, đàn bò hiện nay chủ yếu để giết thịt và lấy sữa.

Với nhu cầu dùng thịt bò trong vùng ĐBSCL và trong nước tăng, ngành chăn nuôi không đáp ứng đủ lượng hoặc phải nhập khẩu theo đường tiểu ngạch từ các nước láng giềng rất khó kiểm soát chất lượng, thì việc tăng một lượng lớn thị bò nhập khẩu từ các nước có nền nông nghiệp phát triển như Úc, Mỹ, Nhật thời gian gần đây là sự vận hành tất yếu của quy luật cung cầu.

Vấn đề là việc xác lập các cơ chế, chính sách để đáp ứng sức cầu; nâng chất, đảm bảo nguồn cung và lồng ghép với phát triển chăn nuôi trong nước, các phân khúc giá trị gia tăng và ngành phụ trợ như khuyến khích vùng trồng nguyên liệu cỏ dùng làm thức ăn, khuyến khích đầu tư trang trại, lò giết mổ đảm bảo chất lượng thực phẩm như cách làm mới mà “bò khỏe” ở miền Tây đang đi tiên phong.

Tuy nhiên, trước sự tăng một lượng lớn bò ngoại nhập khẩu, nhiều người lo lắng cho ngành chăn nuôi có nguy cơ gục ngã. Đã có ý kiến đề nghị “chặn bò ngoại” bằng các biện pháp hành chính trong điều hành nhập khẩu.

Có người cho rằng, nếu không có những chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho ngành chăn nuôi và người chăn nuôi, thì không bao lâu nữa bò Úc “húc chết” bò Việt.

Nhưng nhiều ý kiến cho rằng, chính sách khuyến khích là cần, những hàng rào kỹ thuật thay cho hàng rào thuế quan trong xuất nhập khẩu thời mở cửa cũng cần. Nhưng “sự nuông chiều” hay kiểu bảo vệ bằng cách “che chắn” thường dễ triệt tiêu động lực cạnh tranh cho ngành sản xuất trong nước.

Việt Nam đã tham gia hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do FTA đa phương và song phương với các nước. Nguyên tắc “có đi có lại” buộc chúng ta không thể cấm cửa bò ngoại trong khi muốn tăng xuất khẩu vào nước bạn các mặt hàng chúng ta đang có lợi thế.

Nâng cao sức cạnh tranh của hàng nội là con đường tất yếu để tồn tại trong xu hướng mở cửa, hội nhập và ngành chăn nuôi cũng không phải là ngoại lệ.

Trở lại câu chuyện, vậy bò Úc đang “húc bò” Việt hay đang “nhập đàn”? Hướng đi mới vừa đặt ra thách thức cạnh tranh cho ngành chăn nuôi trong nước, vừa đang bổ trợ các khiếm khuyến đang tồn tại nhiều năm liền của ngành chăn nuôi kém sức cạnh tranh. Thay vì cấm cửa bò ngoại, rất cần nghiên cứu, khuyến khích đầu tư với phương thức tương tự như “bò khỏe”.

Trần Hữu Hiệp