Rủi ro khi 'găm hàng'
Tại Hà Tĩnh, từ đầu tháng 7 lại đây, giá lợn hơi bất ngờ tăng, đạt ngưỡng từ 41.000 - 45.000 đồng/kg. Với mức giá này, người chăn nuôi đã có lãi, thế nhưng đa số các hộ đều không còn lợn để bán, hoặc nếu còn thì người nuôi cũng “găm” hàng chờ thời cơ.
Câu chuyện giá lợn hơi tăng đột biến đang là đề tài nóng ở “thủ phủ” chăn nuôi Cẩm Xuyên. Trước đó, chưa bao giờ người dân huyện này phải trải qua đợt khủng hoảng thừa khủng khiếp đến thế, có người sạt nghiệp cũng chỉ vì lợn.
Thống kê của ngành chăn nuôi Hà Tĩnh, hiện tại tổng đàn lợn của toàn tỉnh là hơn 400 nghìn con, trong khi đó cùng kỳ năm ngoái là hơn 480 nghìn con.
Tuy nhiên vẫn cần phải nhắc lại câu chuyện khủng hoảng thừa vừa qua, từ đó cần triển khai đồng bộ các giải pháp, rà soát lại quy hoạch, kế hoạch chăn nuôi nhằm kiểm soát việc tăng đàn đảm bảo phát triển bền vững hơn.
Đối với người dân, cần tính đến chuyện liên kết với nhau trong sản xuất, thành lập tổ hợp tác hoặc hợp tác xã chăn nuôi từ đó ký hợp đồng hợp tác với các doanh nghiệp có năng lực để giảm chi phí đầu vào và kiểm soát được chất lượng đàn lợn, tạo sự ổn định cho đầu ra.
Ông Hùng khuyến cáo: Người dân chưa nên ồ ạt tăng đàn mà cần tiếp tục theo dõi biến động thị trường bởi việc tăng giá đột biến chính là dấu hiệu bất thường.
Thực tế cho thấy, nhu cầu tiêu thụ thịt lợn của thị trường nội địa không tăng. Trong trường hợp phía Trung Quốc đóng cửa thì người chăn nuôi sẽ gặp rủi ro.
Trước việc nhiều trang trại vẫn đang găm lợn chờ giá cao hơn nữa mới bán, ông Hùng cho rằng với giá cả hiện tại, người dân có lãi tầm 700 nghìn đồng/con và lợn đã đến thời điểm xuất chuồng thì nên bán.
“Vì giá cả sẽ còn nhiều biến động, có khi tăng liên tục, đột ngột rồi lại giảm, khi đó người dân sẽ tiếp tục hứng chịu rủi ro. Ông Hùng nhận định: Để giá lợn tăng lên mức 50 nghìn đồng/kg và duy trì ổn định trong thời gian dài là khó. Vì thị trường tiêu thụ lợn lớn nhất và duy nhất vẫn là Trung Quốc.
Tuy nhiên, gần đây họ đã tổ chức lại sản xuất đáp ứng được phần nào nhu cầu thị trường của họ. Vì thế càng không nên “găm hàng” vì sự rủi ro rất cao.