Xác nhận người có công: Không để nỗi đau giả đè lên nỗi đau thật

Lê Bảo 26/07/2017 07:50

70 năm qua, công tác xác nhận người có công với cách mạng đã đạt được những kết quả to lớn. Song bên cạnh đó vẫn còn không ít những vướng mắc, bất cập cần tháo gỡ. Trách nhiệm này không của riêng một cá nhân, bộ, ngành nào mà là nghĩa vụ của mỗi người con Việt Nam đối với những người đã ngã xuống vì Tổ quốc.

Tri ân và chăm sóc người có công là trách nhiệm và nghĩa vụ thiêng liêng.

Nhiều thách thức

Theo báo cáo của Bộ LĐTBXH, đến nay toàn quốc đã xác nhận khoảng 9 triệu người có công (NCC), gồm: gần 9.000 người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945; 16.500 người hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến trước tổng khởi nghĩa 19/8/1945; gần 1,2 triệu liệt sĩ và gần 500.000 thân nhân liệt sĩ; trên 117.000 Bà mẹ Việt Nam anh hùng; hơn 1.200 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và Anh hùng Lao động; gần 600.000 thương binh và người hưởng chính sách như thương binh, trên 40.000 thương binh B; gần 185.000 bệnh binh; khoảng 205.000 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học; gần 111.000 người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày; 1.897.000 người có công giúp đỡ cách mạng; gần 4.2 triệu người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế... Hiện có trên 1,4 triệu người có công và thân nhân đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được trong thời gian vừa qua, công tác đối với NCC đang đứng trước một số vấn đề cần xử lý, trong đã có những mặt còn tồn tại và cả những vấn đề mới nảy sinh.

Theo Cục NCC (Bộ LĐTBXH) vẫn còn một số trường hợp NCC thực sự nhưng vẫn chưa được xác nhận và hưởng chế độ ưu đãi do không còn căn cứ để xác lập hồ sơ.

Trong khi đã những sai sót, nhầm lẫn, tiêu cực trong việc thực hiện chính sách, chế độ đang xảy ra ở một số nơi đã gây không ít khó khăn, phiền hà cho người hưởng chính sách, gây dư luận không tốt trong xã hội khi nỗi đau giả, thành tích giả đè lên nỗi đau thật, thành tích thật.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên do thời gian quá lâu, đã có nhiều thay đổi về đơn vị hành chính, địa hình tự nhiên của địa bàn chiến đấu… còn do những hạn chế trong khâu quản lý và tổ chức thực hiện như thủ tục, quản lý hồ sơ còn chưa chặt chẽ, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thiếu kiểm tra xác minh, chứng nhận không đúng trường hợp bị thương, điều kiện, tiêu chuẩn hưởng chế độ chính sách; phần lớn ở cấp xã không có cán bộ chuyên trách về thương binh-xã hội…

Từ đó đã phát sinh tình trạng vận dụng chính sách tuỳ tiện, thiếu chặt chẽ, chưa công khai dân chủ cũng như thiếu trách nhiệm trong việc xác nhận NCC (như việc cấp giấy chứng nhận bị thương, giấy báo tử không đủ căn cứ, thậm chí không đủ điều kiện, tiêu chuẩn...).

Điều này làm ngân sách thất thoát và nguy hiểm hơn, gây bất bình trong quần chúng nhân dân vào tính công khai, minh bạch của cơ quan quản lý nhà nước.

Cần sự vào cuộc quyết liệt

Thực tế để đảm bảo quyền lợi chính đáng của NCC, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn việc xác nhận đối với những trường hợp không còn giấy tờ gốc chứng minh trường hợp hy sinh, bị thương.

Tuy nhiên những chính sách đó đã bị đối tượng xấu lợi dụng để làm giả hồ sơ hưởng chế độ ưu đãi. Thậm chí có đối tượng sau khi làm giả hồ sơ bị thương cho bản thân mình được hưởng chính sách lại trở thành “cò” môi giới làm hồ sơ thương binh giả cho nhiều người với thủ đoạn hướng dẫn cho các đối tượng tự kê khai thương tật là các vết sẹo, vết thương, vết gãy xương do tai nạn giao thông, tai nạn lao động, vết mổ bệnh lý..

Trong khi đó theo báo cáo kết quả thực hiện Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 27/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ về “Tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với NCC với cách mạng trong 2 năm 2014 - 2015” vẫn còn khoảng 30.000 trường hợp tự kê khai là NCC chưa được hưởng chính sách (2.020 trường hợp đề nghị xác nhận liệt sĩ; 1.496 trường hợp đề nghị xác nhận Bà mẹ Việt Nam anh hùng; 7.871 trường hợp đề nghị xác nhận thương binh; 855 trường hợp đề nghị xác nhận bệnh binh; 16.295 trường hợp đề nghị xác nhận người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học...).

Đến nay các địa phương báo cáo đã giải quyết được gần 11.000 trường hợp; đang tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết trên 11.000 trường hợp ở các địa phương.

Những con số trên cho thấy công tác xác nhận NCC còn tồn đọng là vấn đề quan trọng và phức tạp nhất trong việc thực hiện chính sách ưu đãi NCC. Không quên lãng NCC với cách mạng chính là sự thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc, chính vì vậy công tác giải quyết tồn đọng là nghĩa vụ thiêng liêng.

Lê Bảo